Đức Mẹ Fatima – Tình yêu và sự phục vụ

Ngã lên
Lời nguyện cầu
Lặng để cảm biết

Bồ Đào Nha 100 năm trước, chiến tranh loạn lạc, nhà tan cửa nát, dân chúng lầm than, sống trong tội lỗi truy lạc….. Lại một lần nữa, Mẹ không thể im lặng làm ngơ trước đám con trên đà sa cảnh trầm luân hỏa ngục.
Đột nhiên tôi nhớ đến mấy chục năm về trước, khi cha linh hướng thuyết giảng cho giới trẻ tại Bataan, Philippines, vào năm 1992, ngài có hỏi :
Anh chị em tin có hỏa ngục không? Hỏa ngục và thiên đàng ở đâu?
Lúc ấy tôi chỉ nhớ đến nỗi đớn đau hối hận của một đứa con đã từng làm đau lòng Cha mình mà không kịp nói lời “Xin Lỗi” trước khi Cha mất. “Tự trách và không tha thứ cho chính mình” chính là hình phạt nghiệt ngã và đáng sợ nhất. Chỉ là mỗi người đều có lựa chọn.
Như hình ảnh của thánh Phêrô chối bỏ Thầy mình nhưng ông ta được ân sủng tín thác vào tình yêu lòng xót thương của Chúa, và gục đầu ăn năn mong được thứ tha. Đầu kia của sự lựa chọn là Giuđa, tên bán Thầy. Tin chắc ông cũng hối hận và vì thế đã quăng trả lại 30 đồng bán Chúa. Nhưng khốn nạn biết bao, hắn tự trách không tha cho chính mình và không cảm nhận được sự dung thứ từ Thầy chí ái của mình. Ông chọn cái chết.
 Nói đến đây, tôi chợt lại nghĩ đến bé Amy ở nhà, có lần cháu hỏi:
Giữa một người xử sự đàng hoàng, nhưng không có niềm tin và một người rất sùng đạo, mẹ chọn ai?
Tôi đã phải vài phút thầm thì đọc kinh Kính Mừng  trong bụng cầu xin Mẹ giúp, để có thể trả lời đứa trẻ. Sau đó tôi nói:
Một người tốt có thể trở thành xấu khi họ gặp sóng gió cuộc đời. Nhưng một người có niềm tin và sự tín thác thì Chúa sẽ gìn giữ họ biết “giật mình” và sám hối khi lỗi phạm.  Bởi vì, họ có ân sủng, đó là NIỀM TIN (điều này không do tự họ mà ra). Có Chúa bên cạnh, cảm nhận được tình yêu, thì con người sẽ luôn mong mỏi điều tốt đẹp và vì thế, họ chẳng những sẽ là người tốt, hữu ích trong xã hội những khi thành công mà luôn cả lúc sa cơ thất thế.

*

 Ba trẻ nhỏ Lucia, Francisco và Jacinta là những người trẻ có lòng đạo đức và kính mến Đức Mẹ. Cả ba đều là những trẻ chăn chiên nghèo, thuộc tầng lớp thấp bé trong xã hội (nếu như chúng ta để ý, sẽ thấy hầu hết các lần tỏ mình, Mẹ đều đến với người nghèo. Phải chăng Người muốn nhắc chúng ta những gì mà Con Mẹ, Thầy Giêsu vẫn hay dạy dỗ: hãy yêu những người cùng khổ?).

 Các em đã được Mẹ hiện ra từ ngày 13 tháng 5 đến ngày 13 tháng 10 năm 1917, mỗi tháng một lần. Nhưng để chuẩn bị cho sứ mạng mà Mẹ sẽ trao cho ba chị em, trước đó thiên thần đã hiện ra và dạy ba trẻ cầu nguyện như sau:
« Lạy Chúa !
Con tin, con thờ lạy
Con trông cậy và con yêu mến Chúa.
Con xin Chúa tha thứ
cho những ai không tin,
không thờ lạy,
không trông cậy,
và không yêu mến Chúa. »
Ngày 13.5.1917, một bà mặc áo trắng toát hiện ra với ba em bé chăn cừu và bảo: hãy  lần chuỗi đọc kinh Mân Côi hàng ngày để cầu nguyện cho thế giới chấm dứt chiến tranh, được hòa bình. Trước khi biến đi, Bà kêu các em trở lại nơi đây đúng giờ trưa ngày 13 tháng kế đó. Những lần hiện ra sau đó, Mẹ đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đọc kinh Mân Côi mỗi ngày, để chiến tranh sớm chấm dứt. Và đồng thời Người cũng công bố “bí mật Fatima”(Giáo hội công bố sau này)
 Ngày 13.10.1917, mưa như trút nước trên bãi Cova da Iria. Đức Mẹ hiện ra và yêu cầu cho xây một nguyện đường tại đây để vinh danh Đức Mẹ. Đức Mẹ cũng loan báo thế chiến thứ nhất sẽ sớm chấm dứt và  mong những kẻ có tội hãy mau sám hối.
Khi Đức Mẹ về trời thì mưa ngưng rơi, mặt trời xuất hiện trên bầu trời xanh biếc. Đám đông đã có thể nhìn thẳng vào mặt trời và thấy mặt trời nhảy múa, tung ra các chùm tia sáng nhiều màu. Mặt trời dường như xuống thấp gần trái đất, khiến đám đông sợ hãi. Việc lạ xảy ra trong 10 phút, sau đó mọi sự trở lại bình thường. Hiện tượng này được hầu hết đám đông chứng kiến, và một số người ở cách đó mấy dặm cũng nhìn thấy.
Trong thời gian này, các nhà khoa học trên thế giới không hề ghi nhận một hiện tượng khác thường nào của mặt trời.  Trong khi đó, riêng ba em nhìn thấy Thánh Gia, rồi Đức Mẹ Sầu Bi, Chúa Hài Đồng Giêsu và sau cùng là Đức Mẹ núi Carmêlô lần lượt xuất hiện như đã hứa trước với ba em. (Trích Đức Mẹ Fatima)
 Chúng tôi được đến thăm nhà của “ba trẻ” (bây giờ  thì hai trong số ba em nhỏ năm xưa đã được tôn vinh lên hàng các Thánh). Nghĩ đến quãng đường từ nhà đến nhà thờ, nơi các em mỗi sáng sớm thức dậy, cùng nhau đi lễ, mà thấy khâm phục! Đây là chuyện mà không phải chỉ có trẻ em và ngay cả người lớn như tôi, cũng khó làm, nếu như không có lòng yêu mến. Khi nghe cha linh hướng nhấn mạnh đến địa lý, lòng mến của các em, tôi thật thấy thẹn với chính mình, bởi lẽ giờ phút này, bước ra là có xe hơi, chạy bon bon, lại chỉ cách có 5 phút lái xe, thế mà …… Cần phải xét lại chính mình xem: Tôi yêu Chúa bao nhiêu?
Phanxicô, cậu bé nhỏ thế, ham chơi phá, làm em mình, Jacinta khóc bao lần vì những nghịch ngợm, ấy thế mà lại có ao ước được ở bên cạnh “an ủi Chúa vì Người đau lòng quá đỗi khi thấy con cái bị rơi vào biển lửa hỏa ngục, đời đời kiếp kiếp”.
Jacinta, cô bé nhỏ nhất, khi được chứng kiến cảnh hỏa ngục đã phải luôn cầu nguyện cho các tội nhân được ơn trở lại, đừng cứng lòng để rồi hối hận đã quá muộn màng
Chị Lucia, thì trách nhiệm nặng hơn là phải sống và loan truyền những bí mật của Mẹ.

*

 Con người đâu ai muốn nghe những điều ấy. Họ luôn thoái thác và cho rằng những ai tin vào là khờ khạo. Đã có bao thanh thiếu niên đã mạnh dạn tuyên bố: “Tương lai của tôi là do chính tôi tạo lấy. Không có Thiên Chúa nào giúp hết.” Khốn nạn thay cho những lời nói huyên hoang, khoác lác ấy. Họ  chẳng biết đã có bao nhiêu người đang trên đà vinh quang, đột nhiên mất tất cả sao?
Tôi nhớ đến bức thư từ hỏa ngục của một người từ Munich, và những đoạn video kể về hỏa ngục, do các nữ tu đã chết quay về nhờ người chị em trong dòng giúp lời cầu nguyện vì đang ở luyện tội. Dĩ nhiên là tôi không dám chia sẻ nhiều cảm nhận của mình khi nghĩ về những điều này. Nhưng tôi biết có một sức mạnh vô hình, rất tha thiết mong mỏi những kinh Kính Mừng, những lời nguyện, như những giọt nước mát đổ xuống biển lửa làm dịu lại cơn đau thống thiết nơi ấy. Từ đó, tôi luôn bám lấy chuỗi Mân Côi. Tôi trách mình đã vội vàng lên án ai đó khi họ bảo: “Một ngày mình lần đến 5, 6 chuỗi Mân Côi”.  Tôi thấy thẹn vì mình đã phán xét ngưòi ấy. Cũng có nhiều người bảo: “Khi đọc kinh, thì phải ngồi im lặng tập trung.  Vừa đọc vừa nói chuyện lo ra, không nên”. Nhưng khi nghĩ đến những  linh hồn đang khao khát đón lấy từng giọt nước mát lạnh từ các kinh Mân Côi, tôi đành làm theo ý mình.  Thật ra chỉ cần có lòng thì sẽ tìm ra cách thôi.   Tôi biết được khá nhiều người từng tranh thủ lần hạt trong lúc lái xe, đi bộ lúc  nghỉ giữa giờ, cả lúc đi nhà vệ sinh…
Mấy năm trước tôi cũng rất hay lên án việc đánh tội hay hành xác. Nhiều lần đi xuống khu Phước Lộc Thọ, Nam California, thấy một tăng lữ, đi bộ khất thực giữa trời nóng chang chang, chân đất, đầu trần.   Một thời gian sau gặp lại, đôi chân sưng đỏ. Tôi từng nghĩ: “Nếu muốn giúp người thì mình phải khỏe mạnh, cách hành xác này chẳng những không giúp cho ai được, biết đâu lại làm gánh nặng cho nhà tu vì tiền chữa bịnh“. Nhưng khi được đến Đất Thánh, sau lần cùng cả đoàn đi chặng đàng Thánh Giá, nghĩ đến những cực hình đớn đau Chúa phải chịu vì yêu đám con cái Người, tôi chỉ có thể khóc vì hối hận.  Nhớ có lần một bà mẹ tâm sự : “Con của tôi, bây giờ mà nó quay về quỳ dưới chân xin lỗi một ngàn lần, một triệu lần cũng không thể nào đền bù cho những gì nó đã từng làm…..” Lúc đó tôi thương bà ta quá đỗi. Nhưng tôi hiểu được, so với cái đau mà Thầy Chí Thánh gánh lấy, thì nỗi lòng của người mẹ đó, có nghĩa gì. Tôi cũng làm Chúa buồn biết là bao. Chẳng thể nào đền trả cho xứng. Sau đó, tôi không dám lên án những dòng tu theo đuổi những phương cách đền tội ấy nữa.
Tại Fatima, rất nhiều người đã lấy cơ hội này với lòng biết ơn, cảm mến, đền tội cho chính mình và người thân yêu của mình.   Bất kể là rách da, chảy máu, họ đã đi bằng đầu gối xung quanh quảng trường để đến nơi đặt tượng Mẹ – nơi Mẹ hiện ra.  Không chỉ có thế, họ đến với Mẹ và cũng quỳ gối đi ngược lại điểm bắt đầu. Họ mang Mẹ về với chính bản thân, với gia đình, với anh chị em, với cộng đoàn, với tất cả những ai mà họ yêu mến.
Cảm ơn Mẹ đã thương chúng con. Xin Mẹ tiếp tục nâng đỡ, ủi an và dìu dắt. Trên con đường về quê trời, con cần Mẹ biết bao. Xin tha thứ cho các tội nhân, nạn nhân. Xin cho họ được ơn trở lại khi còn có thể , hầu cứu vãn và tránh được án phạt đời đời nơi hỏa mguc.
Xin dâng lên Mẹ: ĐTC Phanxicô, các linh mục tu sĩ và tất cả những người lãnh đạo trong xã hội. Xin ban cho các vị ấy những ơn lành cần thiết, hầu giúp họ làm tròn sứ mạng đã được trao ban: “Đến để phục vụ người, chứ không phải để được người phục vụ”.

 Thúy Hương