Mẹ yêu của con

Tất cả là hồng ân
Biến hình
Lễ Đức Mẹ Guadalupe

Ngày….tháng….năm…..
Chiều hoàng hôn, với nhữngdãi nắng vàng thật ấm buông xuống hòa lẫn trong sóng nước tạo ra những hạt châu trân lấp lánh. Biển thật đẹp và luôn chứa đựng muôn vàn bí ẩn. Cùng một lúc có thể cho tôi cảm giác rạo rực của kẻ đang kiếm tìm và gợi lên trong tôi chút do dự trước gió bão, khi mọi hoạt động trong ngày tạm dừng. Trước mặt là sóng nước mênh mông, cảm nhận được sự bé nhỏ như không, giúp tôi có lại được sự thanh thản, yên bình. Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn chưa lần nào được trọn vẹn chiêm ngưỡng một ngày mới bắt đầu với ánh mặt trời dần ló dạng. Phải chăng vì đó là lẽ thường trong đời? Bận bịu với những lo toan, khiến người ta bỏ qua rất nhiều điều kỳ diệu mà Tạo Hóa ban tặng.

 Tuyệt vời thay tay Người Tạo Hhóa! Vẫn cho có ánh hoàng hôn, màn đêm buông xuống để con người có thể tranh thủ chút thời gian còn lại trong ngày này nhìn lại đoạn đường vừa đi qua và giữ lấy những khoảng khắc yêu thương của riêng mình.

Mẹ yêu dấu,
Đêm nay con nhớ mẹ, dù rằng mỗi ngày con vẫn được nghe giọng mẹ qua điện thoại, cuối tuần vẫn có thể ôm hôn mẹ, hoặc có những ngày được cùng mẹ đi lễ và tán dóc.  Nhưng thời gian bên mẹ, với con, vẫn còn quá ít. Con muốn luôn ở cạnh, thèm được bên mẹ mỗi ngày trong đời mình.
Thời gian qua mau quá. Nhớ ngày nào, khi ba mất, lúc ấy con chỉ mới 14 tuổi. Mỗi chiều cùng các em đón mẹ đi làm từ Sài Gòn về. Có hôm trời đã sụp tối, chuyến xe cuối cùng cũng đã chạy ngang, không thấy bóng mẹ, chúng con hốt hoảng. Con còn nhớ tối hôm ấy mưa nhiều lắm. Ba chị em đạp xe rảo cả mấy chục vòng từ nhà đến trạm xe, vẫn không không gặp mẹ. Hôm đó bé út lại bịnh, trời lại tối mau quá, con  đành phải bảo hai em ở nhà chăm sóc lẫn nhau. Chỉ như vậy, con mới an tâm tiếp tục đảo thêm vài vòng với hy vọng gặp được mẹ trên đường hay đang núp mưa ở nơi nào đó. Vừa lạnh, vừa sợ, lòng con như rối bời.  Cho nên khi về đến nhà thấy bóng mẹ đang cúi mình lao khô mái tóc ướt sủng vì dầm mưa, con chỉ có thể òa lên khóc. Và vô cớ lớn tiếng: “Mẹ đi đường nào sao con tìm hoài không thấy“. Mẹ biết không khi ấy con sợ lắm, con sợ chuyện gì chẳng lành xảy đến với mẹ, sợ mẹ lạnh, sợ mẹ ngã xỉu giữa đường. Con sợ mất mẹ!
Lúc ấy, mẹ chỉ xoa đầu con, dịu dàng khẽ bảo : “Lạnh quá, mẹ ghé quán nước đầu đường ngồi uống ngum trà cho ấm, chờ mưa tạnh sẽ đi bộ về.” Sau đêm ấy, mẹ bịnh mấy ngày, vì dầm mưa.
Đường Sài Gòn và Thủ Đức có cách xa là bao, chỉ là ngang qua chiếc cầu ngàn thước, nơi ba tôi bị xe đụng mất. Kể từ cái ngày đưa ba ra nghĩa trang, tôi luôn sống thấp thỏm. Tôi thương mẹ và sợ mẹ mất vô cùng. Hằng ngày tôi vẫn nguyện cầu “Xin Chúa cho mẹ sống đời với con“. Thấy chị em tôi bơ vơ suốt cả ngày một mình, vì thuơng và vì sự an toàn của các con, dù không nỡ, mẹ vẫn quyết định bán đi tổ ấm của ba mẹ, đưa chúng tôi về tá túc nhà ngoại.
Sau tháng 4/1975, Ba đột nhiên vắng nhà rất lâu, tuổi trẻ tôi chẳng biết gì. Lâu lâu tôi hỏi, mẹ chỉ bảo: “Ba đi lao động cải tạo“.
Gia thế cũng sa sút dần. thời thơ ấu, chẳng nghĩ nhiều, được ở nhà ngoại, lầu cao, cổng lớn, tôi vui lắm. Tôi đâu biết, bán đi căn nhà mà ba mẹ dành dụm bao lâu, lòng mẹ đau lắm. Tôi không quên được đã từng có nhiều đêm, mẹ gói ghém vài ba chiếc áo dài bảo tôi đem xuống bà Tám bán với hy vong kiếm được vài đồng mai lo cho cái ăn cho các con ngày mai. Mẹ đẹp lắm, lại là một giáo sư. Chiếc áo dài gắn bó với mẹ lâu năm, thế mà mẹ vẫn làm như chẳng có gì. Tôi tiếc đứt ruột, vậy mà mỗi lần như thế, mẹ lại cười xòa: “Mai mốt sắm lại, giờ lo cho tụi con có cơm ăn trước“.
Lúc biết tôi, không tiếp tục đèn sách, mẹ nhẹ nhàng khuyên:
Phải cố mà vào đại học cho có tương lai. Mọi việc cần phải làm với hết khả năng của mình, nếu không đậu thì con cũng không hối hận vì mình đã làm hết sức rồi.
Khi đó, tôi vẫn theo ý mình vì lấy tiền đâu để đóng học phí chứ? Tốt nghiệp lớp 12, tôi quyết định bỏ học đi làm để phụ giúp mẹ. Nhưng lời khuyên của mẹ luôn ở trong tôi và giúp tôi bước tới.  Sau này làm mẹ, tôi cũng lặp lại câu nói ấy, dạy con mình : “Mỗi người đều có giới hạn và có khả năng riêng. Mẹ không mong mỏi tụi con làm điều gì quá sức của mình. Chỉ là trong mọi việc, hãy cố với hết khả năng. Chỉ như vậy, kết quả thế nào, chúng ta cũng sẽ mỉm cười vì đã không thẹn sống ở đời.”
Cuộc sống luôn có những thách đố và tranh đấu, nhất là những gì đụng đến tiền. Gia đình tôi cũng không tránh khỏi. Thương mẹ và các em, tôi quyết định tìm đường vượt biên tìm cuộc sống mới với lời khẩn cầu: “Nếu chết làm mồi cho cá ngoài biển thì con đành chịu. Nhưng nếu còn sống thì xin cho con được có cơ hội giúp gia đình “. Mẹ buồn và lo nhưng không nói. Tôi biết mẹ đã âm thầm khóc rất nhiều.
Những ngày đầu đến trại tị nạn, tuổi mới lớn lại mang đầy nhiệt huyết, cho rằng mình có thể giúp người xấu trở nên tốt. Tôi làm bạn với một thanh niên. Anh ta có vẻ hư hỏng và bị liệt vào sổ những người cần phải tránh xa. Thư mẹ viết gởi qua hỏi thăm và có ý trách sao tôi lại làm bạn với những người như thế.  Giây phút ấy tôi buồn vì mẹ không hiểu mình, sao lại không tin con gái của mẹ chứ. Tôi đã im lặng một thời gian khá lâu vì giận mẹ. Đã có lúc tôi từng dám cao ngạo cho rằng mình đạo đức, vẫn hàng ngày đi lễ và thậm chí dám xin với Chúa rằng: “Xin Chúa bảo vệ đừng để con làm điều gì có thể để cho gia đình con mất mặt và làm Mẹ con buồn. Con thà là chết còn hơn phạm lỗi này “. Mãi về sau, khi về lại với gia đình và cho đến lúc bản thân cũng đã làm mẹ, tôi mới hiểu thấu đáo câu ông bà hay nói: “Cha Mẹ để đức lại cho con“. Không phải tôi tốt lành gì, mà chính vì hàng đêm, hai đầu gối chạm đất, mẹ vẫn liên lỉ cầu xin Chúa gìn giữ và cứu tôi trong những lúc nguy khốn. Nếu không có những lời nguyện cầu âm thầm và yêu thương của mẹ, tôi làm gì có thể ngẩng cao mặt để dạy lại các con của mình hôm nay. Vậy mà mẹ chẳng bao giờ kể công.  Cũng bởi chính vì cảm biết được tình yêu này mà tôi hiểu được tại sao ngày lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, một trong bảy ơn Chúa Thánh Thần lại có một ơn xin cho được “Kính Sợ Thiên Chúa”. Đây không còn là nỗi sợ hãi bị đòn roi, mắng phạt, mà là sự sợ hãi vì quá yêu thương mà không cho phép mình làm điều gì, có thể làm người mình yêu phải buồn, phải thất vọng.
Tuổi cập kê, mơ màng “một túp lều tranh, hai quả tim vàng“. Người tôi yêu nghèo lắm, lại chẳng có bằng cấp gì cả. Anh ta chỉ có tấm lòng và cũng yêu má của anh như tôi thương mẹ của tôi vậy. Vì thế, tôi chọn gởi cả đời mình cho anh. Ngày cưới, tôi không nghĩ đến mặt mũi của gia đình, cảm giác của mẹ, quyết định qua tận Canađa làm lễ cưới vì không nỡ để anh khó xử. Mẹ lo lắng không biết tương lai con gái rồi sẽ ra sao, nhưng chẳng rầy, chỉ âm thầm chúc phúc cho tôi. Đám cưới xong, có con cũng một tay mẹ ẵm bồng dạy dỗ. Lo cho con, lại lo đến cháu. Mẹ loay hoay bận bịu suốt, nhưng không một tiếng than. Nhờ vậy, tôi mới có thể quay lại tiếp tục việc học của mình. Hôm nay, sóng gió cuộc đời lại như cơn bão ập đến, mẹ cũng là người bên cạnh đỡ nâng.
Những lúc anh chị em gây gỗ, như đứa con trai trưởng trong dụ ngôn “Người con hoang đàng”. Lúc nói, tôi chỉ nói cho đã miệng không màng đến lòng mẹ đau như cắt từng nắm ruột. Có đôi lúc tôi trách mẹ sao làm thế, sao không nói, sao chẳng phàn nàn. Thế nhưng hôm nay, cũng từng hàng đêm trằn trọc nhức đầu với tánh khí các con tuổi mới lớn, tôi hiểu mẹ nhìn xa hơn rất nhiều. Đôi khi cần phải im lặng, và nhẫn nại. Cũng như Chúa, tại sao có những điều tôi xin mà không cho. Tất cả chỉ vì tốt cho các con mà thôi. Tình mẫu tử không chỉ đơn thuần dạy con mình khôn lớn, mà còn biết sống vị tha, dẹp bỏ những gì mình yêu thích, điềm tĩnh, mạnh mẽ để làm gương, làm lá chắn cho suốt cuộc đời của con mình.
Bọn trẻ ngày nay, chỉ mong sao cho mau lớn có thể vụt cánh bay. Bỏ nhà ra đi vì bị mẹ mắng, hay la rầy suốt ngày. Cũng có đứa nghĩ rằng: “Tự mình sẽ làm được mọi thứ chứ, không cần mẹ nắm tay nữa. Thế giới của mẹ cũ rích, không hợp thời và mẹ cũng dần trở thành gánh nặng cho mình. Thôi thì bung ra, làm có tiền sẽ sắm nhà, mua áo và cho mẹ thật nhiều tiền. Thế là đã đủ”. Nhưng bọn chúng không hiểu rằng thế giới bên ngoài lòng người “đắt lắm”, yêu thuơng cũng có điều kiện. Chỉ mong rằng đừng quá trễ khi nhận ra rằng “Chỉ có mẹ là yêu ta vô điều kiện. Một kiếp người là vậy, mẹ vẫn lúc nào cũng không thôi bớt lo lắng cho mỗi đứa con. Dù lòng có an yên đến đâu thì vẫn len lỏi những nỗi buồn như muốn “cắt da cứa thịt” vì thương con. Có thể mỗi người mẹ có cách yêu thương con khác nhau, có sự giới hạn của riêng mình nhưng suy cho cùng mọi sự mẹ làm là vì chỉ mong con có thể trưởng thành, bình bình an an sống mà thôi.
Mẹ yêu, hôm nay nói chuyện với mẹ, biết lưng mẹ đau, chân mẹ cũng đi loạng choạng. Con thương mẹ quá đỗi. Con xin lỗi mẹ vì luôn làm mẹ buồn. Con cũng già mất rồi, vậy mà tính khí vẫn còn nông nỗi không chịu hiểu cho mẹ. Con chỉ ước gì mình có thể chịu đau thay cho mẹ. Con biết mẹ suốt đời yêu và lo cho các con, Mẹ chỉ mong tụi con có được một đời an yên, vậy đã là hạnh phúc của mẹ. Vậy mà tụi con cũng không làm được, vẫn cứ để mẹ luôn trằn trọc không yên. Nhưng mẹ biết chúng con đều yêu mẹ lắm phải không mẹ. 
Con cảm tạ Chúa đã ban cho con một người mẹ dịu hiền và tuyệt vời. Luôn bao dung, thương yêu, chở che chúng con. Xin Chúa thương cho mẹ nhiều sức khỏe và bình an, luôn nở nụ cười trên môi. Như đứa trẻ ngày nào, vẫn luôn cầu xin Chúa cho mẹ sống đời với con. Con yêu mẹ nhiều lắm mẹ có biết không. Con cũng sẽ học ở mẹ và làm mẹ như mẹ. Không chán nản, buông xuôi, sẽ luôn hy vọng, bao dung và thương yêu con của mình.

Con yêu Mẹ thật nhiều
Thúy Hương