VĨNH CỬU TRÊN CHIẾC LÁ

TUỔI THƠ!
TRO BỤI NỞ HOA
TUYỆT HẬU TÁI TÔ! ALLELUIA!

Đất nước này đã quá nhiều chuyện buồn! Người dân như tê dại sống và thở trong sự vô pháp vô đạo tràn lan. Thế giới thì có vẻ vui vẻ hơn chăng. Nhưng những hiểm họa lúc nào cũng đang rình rập. Biến đổi khí hậu. Rác thải nhựa. Chiến tranh và nghèo đói vẫn đeo đuổi nhiều quốc gia. Vài tên vừa tham vừa khùng vừa ngu nữa (?), vẫn đè đầu cưỡi cổ dân mình. Rồi đùng một cái, ở nơi tưởng chừng hoa lệ nhất, văn minh dân chủ nhất, thì cái biểu tượng của sự phồn vinh và cả tâm linh ngàn năm, bỗng rùng rùng bốc cháy!
Hôm qua đến nay, cứ nhớ đến Tam Pháp Ấn của Phật. Dấu hiệu vững chắc cho một tôn giáo hay một hành trình tâm linh đích thực, là Khổ, Không, Vô Thường Vô Ngã. Bất cứ ai hay truyền thống nào thấy ngược với Tam Pháp Ấn, thấy đời chẳng là Khổ, Không, Vô Thường Vô Ngã, thì rơi vào lầm lạc rồi!
Đâu phải yếm thế tiêu cực gì đâu. Tâm thế sống giữa đời là luôn phải đón nhận những dập dềnh bấp bênh đủ chuyện. Không được thu vào mình. Không được trơ mắt nhìn những điên đảo bất công trước mắt. Càng thấy muôn pháp là Không, thì càng phải khởi Đại Bi Tâm, mà leo lên cây Thập Giá cuộc đời! Đời càng buồn càng đau, thì càng dám đón nhận nó, và thương người thương đời gấp bội.
Cái tâm thế tạm gọi là đón nhận đó, thực ra, cũng buồn cười. Nó ẩn chứa một điều ra như mâu thuẫn. Càng Khổ Không Vô Thường Vô Ngã, thì càng nuôi dưỡng và phát triển niềm vui Vĩnh Cưu Thường Hằng. Điều này trong Kitô Giáo thì rất rõ. Cái chết lại chứa mầm Phục Sinh. Và chỉ khi thực sự chết, mới có Phục Sinh.
Phật Giáo tinh tế và minh triết. Phật Giáo không nói đến Tuyệt Đối, đến Phục Sinh, đến Thường Hằng theo kiểu nhân hình hoá hay hiện tượng hoá. Người ta sẽ vin vào đấy để nuôi dưỡng lòng tham. Và đúng ra, những thứ ấy chẳng thể nhân hình hoá, đối tượng hoá, khái niệm hoá cho được! Nhưng hình như, kinh điển Phật Giáo tràn ngập sự bất biến, sự thường hằng, sự vĩnh cửu, ngay trong Khổ Không Vô Thường Vô Ngã. Cứ sống trọn Tam Pháp Ấn đi, thì ngay ở đó, Tuyệt Đối vô ngôn vô hình hiện diện.
Sự khác biệt giữa tín ngưỡng dân gian và tôn giáo chính thống là chỗ đó. Tôn giáo chính thống, dù kiểu nào, vẫn đưa ra Sự Thật Vĩnh Cửu đầy hy vọng. Dù đau thương tan nát đến đâu, vẫn tràn ngập niềm hy vọng, và vẫn biết Thực Tại Vĩnh Cửu đang ở ngay đây. Thực Tại Vĩnh Cửu, không phải cái để đắp điếm cho lòng tham, không phải niềm hy vọng để rồi được sướng. Dù sướng thì cũng tốt thôi. Thực Tại Tuyệt Đối và Vĩnh Cửu, đó là Sự Thật và Sự Sống. Khi mình không bám víu và giả dối với chính mình, khi mình trở nên Không, thì ngay trong mọi hiện tượng cuộc đời tưởng chừng mong manh long lanh đau đớn nữa, thì Vĩnh Cửu đang ở ngay đó. Đây là sống Sự Thật.
“Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm” (Tâm Kinh).

Lm. Đặng San, OP