Trần Mỹ Duyệt
Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào hỏi bà Elizabeth. Bà Elizabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng:“Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Luca 1:39-45).
Qua trình thuật trên, Thánh Luca đã tỷ mỷ tường thuật về việc Đức Maria đi thăm viếng người chị họ mình là Isave (Elizabeth). Hành động của Mẹ không chỉ nói lên tình cảm thân thiết giữa hai chị em, đặc biệt, trong tình trạng bà Isave đang mang thai lúc tuổi đã cao và ở những tháng cuối. Cuộc thăm viếng này không dừng lại ở khía cạnh tình cảm, nó còn mang ý nghĩa giới thiệu với bà Isave, với bào thai Gioan và cả thế giới một tin vui, đó là chính Đức Maria cũng đang mang thai, mà thai nhi ấy là Con Thiên Chúa, Đấng nhập thể để cứu chuộc nhân loại.
Sơ lược lịch sử
Theo danh sách các lễ trong “Statuta Synodalia eccl. Cenomanensis”, Mẹ Thăm Viếng được kính vào ngày 2 tháng Bảy tại Le Mans năm 1247. Tài liệu Dòng Anh Em Hèn Mọn (Dòng Phanxicô) thì ghi rằng các tu sỹ Phanxicô đã mừng lễ này từ năm 1263 theo lời đề nghị của Thánh Bonaventura.
Lễ Mẹ Thăm Viếng đã được Giáo Hội hoàn vũ đón nhận bắt đầu kể từ thời kỳ Giáo Hội bị phân chia thành hai: Giáo Hội Công Giáo Roma và Giáo Hội Chính Thống Đông Phương năm 1054. Ngày 6 tháng Tư năm 1389, Đức Giáo Hoàng Urban VI ra lệnh cử hành lễ Mẹ Thăm Viếng trên toàn Giáo Hội, với hy vọng rằng, Đức Kitô và Rất Thánh Đồng Trinh Maria sẽ thăm viếng Giáo Hội và chấm dứt sự chia rẽ của Giáo Hội.
Từ năm 1969, Lễ Mẹ Thăm Viếng được cử hành vào ngày 31 tháng Năm, theo sau lễ Truyền Tin và trước lễ Sinh Nhật của Gioan Tẩy Giả. Lễ Mẹ Thăm Viếng được đặt giữa Truyền Tin (25 tháng Ba) và sinh nhật Gioan Tẩy Giả (24 tháng Sáu) để phù hợp với câu truyện Phúc Âm (Calendarium Romanum (Libreria Editrice Vaticana, 1969). [1]
Hành trình Đức Ái
Ngay sau ngày Truyền Tin, Đức Maria đã “vội vã” vượt một đoạn đường đồi núi vào khoảng chừng 100 dặm từ Nazareth đến Ein Karem, Hebron phía nam Giêrusalem [2] để thăm chị họ mình là Isave, một cuộc hành trình đường dài, và dĩ nhiên, cũng không hề thoải mái, nhẹ nhàng đối với một người phụ nữ; đặc biệt, phụ nữ đó mới có thai. Biến cố Truyền Tin và Nhập Thể xảy ra cùng một thời điểm, vì sự hiện diện của Maria, và hơn thế, sự hiện diện của Chúa Con trong bụng Mẹ, theo thánh ý của Thiên Chúa, đã trở thành nguồn suối của muôn ơn lành cho thánh Gioan, vị Tiền Hô của Chúa Cứu Thế (Luca 1:39-57). Có giả thiết cho rằng trên con đường từ Nazareth đến Erin Karem cũng có Thánh Giuse cùng đi để nâng đỡ và bảo vệ Đức Maria. Sau đó, ngài về lại Nazareth và ba tháng sau lại đến để đón Đức Mẹ về nhà mình (Matthêu 1:19-25).
Phần lớn những người phụ nữ khi biết mình có thai thì không muốn đi đường xa và vất vả như vậy. Nhưng Đức Maria đã làm ngược lại, Mẹ đã không nghĩ đến mình nhưng đến nhu cầu cần được giúp đỡ của người chị mình, và vì thế có thể gọi đây là một cuộc viếng thăm mang sứ vụ bác ái.
Cho đi và tự hiến. Thánh Têrêsa Calcutta khi suy về hành trình bác ái của Mẹ đã diễn tả ý nghĩa này bằng một hình ảnh liên tưởng rất thâm sâu về mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm cho đi và tự hủy vì người mình yêu của Chúa Giêsu, người Con mà Mẹ đang mang trong lòng:
“Trong mầu nhiệm Truyền Tin và Thăm Viếng, Đức Maria là mẫu gương của đời sống mà chúng ta cần được hướng dẫn. Trước hết, Mẹ đã đón nhận Chúa Giêsu vào cuộc đời của Mẹ; rồi Mẹ đã chia sẻ những gì mình đã lãnh nhận. Mỗi khi chúng ta đón nhận Mình Thánh Chúa, Chúa Giêsu là Lời đã trở thành xác phàm trong đời sống của chúng ta – tặng ân của Thiên Chúa, Đấng cùng mọi lúc đẹp đẽ, tốt lành, duy nhất. Có thể nói, Thánh lễ đầu tiên đó là: Đức Maria hiến dâng Người Con trong Mẹ, trong Mẹ, Ngài đã thiết lập bàn thờ đầu tiên. Maria, người duy nhất có thể cảm nhận với sự xác tín tuyệt đối, “đây là mình ta”, từ ngay giây phút đầu tiên được hiến dâng thân xác, sức lực, và toàn thể con người của Mẹ, để làm nên Thân Xác của Đức Kitô” (Thánh Têrêsa Calcutta). [3]
Phép lạ của Đức Bác Ái đã xảy ra, khi Đức Maria vừa đến, cảm nhận được sự hiện diện của Đấng Cứu Thế, Gioan đã nhảy mừng trong lòng mẹ mình, và trong khoảnh khắc ấy, ông được sạch tội Nguyên Tổ và tràn đầy ơn huệ của Thiên Chúa.
Phần bà Isave, cũng đã nhận ra đây là mẹ của Đấng Cứu Thế cao cả. Cùng lúc bà được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và dưới sự hướng dẫn ấy, bà đã tuyên xưng Đức Maria và đón nhận Mẹ Maria như người được chúc phúc giữa muôn phụ nữ, là Mẹ của Đấng Tối Cao. Đức Maria cũng theo gương Isave sau lời chào mừng, Mẹ cũng được thôi thúc bởi Thánh Thần đã cất tiếng vui mừng, tạ ơn Thiên Chúa.
Hai lời kinh ngát hương
Những lời đối đáp của hai chị em đã làm nên hai kinh nguyện tuyệt vời của Giáo Hội. Với những lời của Isave, Giáo Hội đã có một kinh Kính Mừng dâng lên Mẹ Chúa:
Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.
Với lời hòa nhịp của Đức Maria, Lời Ngợi Khen đã trở thành một lời kinh chiều dâng về Thiên Chúa quyền uy:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn !
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”
(Luca 1:46-55)
Cùng với Giáo Hội, chúng ta dâng lên lời ngợi khen Thiên Chúa, Đấng toàn năng và đầy tình thương đã ban cho nhân loại người Mẹ tinh tuyền, thánh đức, tuyệt vời. Và tha thiết cầu xin với Mẹ:
“Thứ Hai. Đức Bà đi viếng bà Thánh Isave
Ta hãy xin cho được lòng yêu người”.
_________
Tài liệu tham khảo: