Trần Mỹ Duyệt
Thế là Giêsu người thành Nagiarét đã “mồ yên mả đẹp”.
Vâng! Hỡi Giêsu. Xin hãy yên nghỉ và quên đi những vất vả sau ba năm truyền giảng Tin Mừng. Quên đi những roi đòn làm tan nát tấm thân. Quên đi mão gai. Quên đi những tiếng la ó đòi kết án. Quên đi bản án bất công. Quên đi thánh giá nặng trên vai. Quên đi những tiếng búa chát chúa làm xuyên thấu tay chân bằng những chiếc đinh dài và nhọn nhưng rất vô tình. Quên đi cơn hấp hối kinh hoàng tưởng chừng “Cha nỡ bỏ con.” (Mt 27:46) Quên đi đồi Golgotha loang máu. Và Giêsu ơi! Xin hãy ngủ yên.
Nhưng Giêsu đã không ngủ yên. Câu chuyện tưởng chừng rơi vào quên lãng, đã bị khua động trở lại. Mới sáng ngày thứ nhất trong tuần, người chết đã không nằm yên mà lại chỗi dậy ra khỏi mồ. Nhưng ai là nhân chứng của biến cố lạ lùng này? Maria Mađalêna và một số phụ nữ, Phêrô và Gioan (x Gio 20:1-10).
Buổi sáng Shabbat hôm đó, khi người, vật còn đang ngái ngủ. Khi ánh bình minh vừa ló rạng. Vào thời điểm ấy, một vài phụ nữ đang âm thầm, lặng lẽ bước đi trong sương mai. Những cơn gió thoảng buổi sáng làm họ se lạnh. Họ đang nghĩ đến người đã chết, đến cách có thể tiếp cận được với người chết trong huyệt mộ. Nhưng khi đến mộ, họ bỗng phát hiện ra rằng ngôi mộ đã trở thành trống rỗng! Quá bỡ ngỡ, xúc động và sợ hãi: “Chúa đã bị mang ra khỏi mồ. Chúng tôi không biết họ để Ngài ở đâu.” (Gio 20:2) Ðiều này cũng khiến cho Phêrô và Gioan bị lôi cuốn. Các ông đã muốn tìm ra sự thật.
Ngoài Maria Mađalêna và một số phụ nữ, Phêrô và Gioan, ngôi mộ trống kia phải chăng cũng là một chứng tích lịch sử của Phục Sinh? Ngôi mộ bên triền đồi Golgotha, nơi mà buổi chiều thứ Sáu thảm sầu, một tử thi đã được chôn cất vội vã! Nhờ biến cố Phục Sinh, giờ đây đã khiến nó trở thành niềm vui cho các môn đệ, cho những phụ nữ nhiệt thành, và cũng là niềm hy vọng, sức sống mãnh liệt cho nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ. Hàng triệu triệu người đã sống với niềm tin này, và hàng triệu triệu người đã chết để bảo vệ niềm tin vào Chúa phục sinh.
Ngôi mộ ấy, tự nó đã có chỗ đứng lịch sử. Nếu nó đã bị phá hủy ngay đêm thứ Sáu do lính La Mã thì mọi chuyện đã đổi chiều. Hoặc nếu đám lính canh của các Thượng Tế gửi tới vẫn còn đang thức khi nhóm phụ nữ đến mộ thì sự việc cũng lại khác hẳn. Nhưng ngôi mộ mà xác thân của Giêsu đã được mai táng, đã sống lại vẫn ở đó nhưng trống vắng, và im lìm! Chỉ còn lại những giây băng, vải cuốn, và khăn liện. Chính vì vậy mà nó đã trở thành một dấu chỉ đầy ý nghĩa của biến cố Phục Sinh. Hình ảnh của nó gắn liền với buổi sáng phục sinh, với Maria Mađalêna, với Phêrô và Gioan, và tất cả những ai đang tin vào Con Thiên Chúa – Ðấng xóa tội trần gian – đã chịu cực hình thập giá, được mai táng trong đó. Và cũng từ đó, Ngài đã chỗi dậy.
Có cần phải tình cảm và xúc động như Maria Mađalêna và những phụ nữ đã có mặt trong buổi sáng hôm ấy không: “Thưa ông, nếu ông mang Ngài đi đâu, xin làm ơn chỉ cho tôi chỗ ông đã đặt Ngài để nhận Ngài lại.” (Gio 20:15)
Có cần phải hăm hở và nhiệt tình như Phêrô, như Gioan nhanh chân chạy ra mộ để tìm những chứng tích phục sinh không: “Phêrô và môn đệ kia bắt đầu chạy ra mồ. Họ cùng chạy bên nhau, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn và đến mồ trước. Ông không vào trong nhưng cúi xuống nhìn vào và thấy những khăn liệm ở trên đất.” (Gio 20:3-5)
Cuộc sống đạo, đời sống tâm linh đôi lúc cần được nuôi dưỡng bởi những động lực và thôi thúc tình cảm như thế. Có lúc cần phải xúc động, phải sốt sắng, phải để lòng lắng đọng khi gối quì một mình trong thinh lặng tại một góc của giáo đường. Và cũng có lúc phải để cho trái tim thổn thức một niềm cảm xúc trước những vẻ đẹp và sự cuốn hút của Thiên Chúa qua những người, những vật, mà mình đụng chạm tới.
Nhưng đời nội tâm nếu chỉ dựa vào những rung động tình cảm sẽ dễ trở thành mê tín, dị đoan. Nhìn Chúa Giêsu mà lại tưởng là người làm vườn. Hoặc ngược lại, nhìn người làm vườn mà lại nghĩ là Chúa Giêsu như trường hợp của Maria Mađalêna. Đức tin, ngoài những yếu tố tình cảm còn đòi hỏi những dấu hiệu khả tín, và dựa trên những lý luận hợp lý. Có lẽ vì thế mà cả Phêrô lẫn Gioan đã hăm hở chạy ra mộ.
Như vậy, đời sống tôi cũng phải như ngôi mộ trống trong ngày phục sinh. Nếu có ai nhìn vào nó, họ sẽ khám phá ra không phải là nơi chôn giấu tình cảm đạo đức, thông thạo giáo lý, hiểu biết, nhưng ở đó có dấu chứng của Chúa Giêsu phục sinh: là chiếc khăn liệm gói trọn quá khứ, một quá khứ từng làm cho hư hỏng và sa lầy trong tội, và hiện tại là sự đổi mới hoàn toàn như Tông Ðồ Phaolô đã viết: “Nếu ta cùng chết với Ngài ta sẽ cùng Ngài phục sinh.” (Rom 6:5)
_________
*Được hiệu đính, Chúa nhật Phục Sinh, 17 tháng 4, 2022.