Đừng nên lạm dụng lòng thương xót của Chúa

“Chúa rất kiên định”
‘Catholics for Trump’ khởi phát trực tuyến
Bản đồ hy vọng: Ứng dụng theo dõi chuỗi tràng hạt Mân Côi lan tỏa trong đại dịch COVID-19

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ với người Công giáo điều này, trong buổi thuyết trình trước giờ Kinh Truyền Tin vào Chúa nhật 24/3/2019, tại Vatican.  Ngài nói, lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một việc dẫn chúng ta đến “sự lười biếng tâm hồn”, nhưng đòi hỏi một tấm lòng đáp trả chân thành từ những người muốn sống trong thánh thiện : Mặc dù đôi khi đời sống của chúng ta biểu hiện sự khô khan, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn kiên nhẫn và cho chúng ta cơ hội thay đổi để trở nên hoàn thiện hơn.”
Ngài nói thêm : 
Tuy nhiên, cơ hội hoán cải không phải là vô hạn. Chúng ta có thể cậy dựa rất nhiều vào lòng thương xót của Chúa, nhưng đừng lạm dụng nó. Chúng ta không được biện hộ cho sự lười biếng tâm hồn mà nên cố gắng nhanh chóng đáp trả với lòng thương xót này bằng sự chân thành của trái tim.”
Trong buổi thuyết trình của mình trước giờ Kinh Truyền Tin, ĐTC đã chia sẻ về lời kêu gọi hoán cải, như được mô tả trong câu chuyện dụ ngôn về cây vả trong bài Tin mừng cùng ngày.
Trong câu chuyện dụ ngôn, một người đàn ông quyết định chặt một cây vả trong vườn nho của mình vì nó đã không sinh hoa trái nào trong ba năm và ông ta không muốn giữ cây cằn cỗi này để hại đất. Nhưng khi người chủ ấy nói với người thợ làm vườn nho về việc chặt cây này đi thì người thợ yêu cầu ông chủ đợi thêm một năm nữa và trong thời gian đó, anh ta sẽ canh tác và bón phân cho vùng đất xung quanh cây vả để nó có thể sinh hoa quả trong tương lai.
ĐTC nói : “Câu chuyện dụ ngôn này nói lên điều gì?”  Ông chủ vườn nho là Chúa Cha, và người thợ làm vườn là  Chúa Giêsu, trong khi cây vả là “biểu tượng của nhân loại lãnh đạm và khô cằn”.
Giống như người làm vườn nho, Chúa Giêsu đã thay mặt cho nhân loại, xin Chúa Cha thêm một chút thời gian nữa để trái cây “tình yêu và công lý được trổ sinh hoa trái.”
ĐTC chia sẻ: “Cây vả mà chủ nhân của câu chuyện dụ ngôn muốn nhổ đi biểu hiện cho một sự sống cằn cỗi, không có trái, không có khả năng cho đi, làm điều tốt.   Đây là biểu tượng của một người sống cho chính mình, an phận trong sự thoải mái, không có lòng thương và không chú ý tới những người chung quanh mình để nhận thấy họ đang đau khổ, nghèo khó, và thiếu thốn. Tình trạng “tâm hồn khô khan” này là đối diện với tình yêu to lớn của người làm vườn đối với cây vả.  Ông ấy kiên nhẫn, ông ấy biết chờ đợi, ông ấy dành thời gian và công sức cho nó.  Ông ta hứa với chủ của mình là sẽ chăm sóc đặc biệt cho cái cây bất hạnh đó.”
ĐTC giải thích rằng câu chuyện dụ ngôn cây vả  đã “thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa”, đó là cho chúng ta thời gian để hoán cải.
Ngài nói: “Thiên Chúa là Cha và Người không dập tắt ngọn lửa yếu đuối, nhưng đồng hành, chăm sóc những người yếu đuối để họ được củng cố và  biết mang  tình yêu của họ đến với nhân loại. Đặc biệt, Mùa Chay, là thời gian mà Chúa mời gọi con cái của mình hoán cải, mỗi người trong chúng ta phải cảm thấy bị thúc bách bởi lời kêu gọi này, sửa đổi một điều gì đó trong cuộc sống, cách suy nghĩ, hành động và sống mối tương quan với người khác.”
Ngài nói thêm : “Chúng ta có thể nghĩ trong Mùa Chay này, tôi nên làm gì để đến gần Chúa hơn?  Thêm vào đó, đừng nghĩ rằng tôi sẽ thay đổi trong Mùa Chay năm tới, vì không ai được bảo đảm rằng ta sẽ sống thêm một năm nữa.”
ĐTC mời gọi  : “Mỗi người trong chúng ta, hãy nghĩ hôm nay: tôi nên làm gì trước lòng thương xót của Chúa đang chờ đợi và  luôn tha thứ? Tôi phải làm gì đây?”
Ngài kết luận buổi chia sẻ bằng cách cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp người Công giáo sống Mùa Chay, “như một thời gian để đổi mới tâm hồn và tin tưởng vào sự rộng mở với ân sủng của Thiên Chúa và lòng thương xót của Người.”
Sau giờ Kinh Truyền Tin, ĐTC Phanxicô đã cầu nguyện cho sự thành công của các cuộc thảo luận đang diễn ra ở Nicaragua kể từ cuối tháng 2 và tập trung vào giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị xã hội nghiêm trọng mà đất nước này đang phải đối diện.
Ngài nói : “Tôi đồng hành sáng kiến này ​​với lời cầu nguyện và khuyến khích các phe phái hãy tìm ra giải pháp hòa bình vì lợi ích của mọi người càng sớm càng tốt.”
ĐTC cũng công nhận  kỷ niệm “Ngày Tưởng niệm các Nhà Truyền Giáo Tử đạo” của Giáo hội Ý và nhiều giám mục, linh mục, chị em nữ tu giáo dân là nạn nhân của bạo lực.
Ngài lưu ý rằng:  bốn mươi nhà truyền giáo đã bị giết trong năm 2018 gần gấp đôi số người truyền giáo bị giết trong năm trước.
Ngài nói : Lễ kỷ niệm này là  “một bổn phận của lòng biết ơn” của toàn thể Giáo hội dành để ghi nhớ sự hy sinh của những người bị giết vì đức tin vào Chúa Giêsu, ngay cả trong những thời đại này.
ĐTC cũng đã đọc kinh “Kính Mừng”, khi nhớ lại các cuộc tấn công gần đây ở Nigeria và Mali và cầu nguyện cho những người đã bị giết chết,  bị thương và gia đình của họ, cũng như cầu nguyện  cho sự hoán cải trái tim con người.

(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết của Hannah Brockhaus đăng trên CNA)