Một linh mục của Tổng giáo phận Detroit đang phải đối mặt với một vụ kiện, do chính cha mẹ của một thiếu niên tự tử năm ngoái mà ngài cử hành thánh lễ an táng, đệ đơn.
Cha mẹ của thiếu niên ấy nói rằng trong bài giảng của linh mục Don LaCuesta tại thánh lễ an táng của con trai họ, ngài đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần là con trai họ đã chết vì tự tử và kêu gọi mọi người hãy cầu nguyện cho linh hồn của em – điều này đã gây nên “nỗi đau đớn không thể lường được” cho gia đình.
Maison Hullibarger mười tám tuổi đã tự sát vào ngày 4/12/2018.
Vào ngày 8/12/2018, Lm. LaCuesta đã cử hành thánh lễ an táng cho Maison Hullibarger tại Giáo xứ Our Lady of Mt. Carmel thành phố Temperance, Michigan.
Tuần trước, Jeff và Linda Hullibarger – cha mẹ của Maison, đã đệ đơn kiện Lm. LaCuesta, Tổng giáo phận Detroit và giáo xứ Our Lady of Mt. Carmel, đòi bồi thường 25,000 đô la.
Trong một tuyên bố được luật sư của gia đình công bố hôm 14/11/2019, người mẹ nói rằng:
“Không có cha mẹ nào, không có anh chị em ruột nào, không có thân bằng quyến thuộc nào trong gia đình, phải ngồi chịu trận như chúng tôi trong thánh lễ an táng này”.
Tổng giáo phận Detroit đã công bố đầy đủ bải giảng của Lm. LaCuesta, trong đó ngài nói rằng tự tử là một hành động chống lại thánh ý Thiên Chúa, nhưng ngài cũng nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa khi đối mặt với tự tử.
Ngài nói : “Vì chúng ta là Kitô hữu, chúng ta phải nói những gì chúng ta biết là sự thật rằng – tự lấy đi cuộc sống của chính bạn là chống lại Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng ra chúng ta và cũng chống lại tất cả những người yêu thương chúng ta.
Cuộc sống của chúng ta không phải là của chúng ta. Cuộc sống không phải là của chúng ta để rồi ta làm như ý chúng ta muốn. Chúa đã cho chúng ta sự sống và chúng ta sẽ là người quản lý tốt món quà đó theo thánh ý Ngài.”
Ngài giảng tiếp tục rằng: “Tuy nhiên, trong tâm trí của hầu hết mọi người, đặc biệt là [những người] trong chúng ta tự xưng mình là Kitô hữu, đối diện với trường hợp này chúng ta thường tự hỏi: Chúa có thể tha thứ và chữa lành điều này không? Vâng, Thiên Chúa CÓ THỂ tha thứ,ngay cả việc lấy đi mạng sống của chính mình. Thật vậy, Thiên Chúa chờ đợi chúng ta với lòng thương xót, với vòng tay rộng mở.
Thiên Chúa không muốn gì ngoài sự cứu rỗi của chúng ta nhưng sẽ không bao giờ ép buộc, Người sẽ không cứu chúng ta nếu không có sự cộng tác của chúng ta. Đó là cách Người yêu chúng ta. Bởi vì tất cả sự hy sinh của Chúa Kitô trên thập giá, Thiên Chúa có thể thương xót bất kỳ tội lỗi nào. Phải, vì lòng thương xót của Người, Chúa có thể tha thứ cho sự tự tử và chữa lành những gì đã bị phá vỡ.”
Theo vụ kiện, Hullibargers đã gặp linh mục LaCuesta trước thánh lễ an táng để thảo luận về thánh lễ này.
Cặp vợ chồng cho biết họ đã nói với vị linh mục rằng họ muốn đám tang là một lễ mừng cuộc sống và lòng tốt của con trai họ, và họ đã không nói với linh mục, hay công chúng, rằng con trai mình đã tự tử.
Theo vụ kiện, Jeff, cha của Maison, nói rằng ông đã tiến lên bục giảng trong lúc cha đang giảng và yêu cầu Lm. LaCuesta đừng nói về việc tự tử, nhưng ngài vẫn tiếp tục bài giảng của mình.
Đức ông Robert Dempsey, một linh mục tại Lake Forest, IL và là giáo sư thỉnh giảng về luật Phụng vụ tại Liturgical Institute at Mundelein Seminary (Đại Chủng viện Mundelein), nói với CNA rằng vị giảng thuyết trong thánh lễ buộc phải là một giám mục, linh mục, hoặc phó tế, và vị ấy là người duy nhất có quyền quyết định nội dung bài giảng.
Trong một email gởi cho CNA, Đức ông Dempsey nói rằng: “Mặc dù người thuyết giảng chỉ chịu trách nhiệm về nội dung bài giảng của mình, nhưng vẫn có nhiệm vụ phải tuân theo các quy tắc phụng vụ.”
Nghi thức thánh lễ an táng Kitô giáo (The Order of Christian Funerals), các quy tắc phụng vụ của Giáo hội dành cho thánh lễ an táng, nói rằng người thuyết giảng trong thánh lễ an táng phải chú ý đến sự đau buồn của những người có mặt. Phần giới thiệu tổng quát về quy tắc này đã ghi: “Người thuyết giảng nên chú ý vào tình yêu từ bi của Thiên Chúa và về mầu nhiệm vượt qua của Chúa, như được tuyên bố trong các bài Thánh Kinh. Người thuyết giảng cũng nên giúp các tín hữu hiểu rằng mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa và mầu nhiệm về cái chết chiến thắng và phục sinh của Chúa Giêsu cũng có mặt trong cuộc sống và cái chết của người quá cố và những bí ẩn đó cũng hoạt động trong cuộc sống của chính họ.”
Đức ông Dempsey khẳng định rằng: vị chủ tế, “bất cứ khi nào có thể … nên để ý đến gia đình trong việc lên kế hoạch cho các nghi thức tang lễ” (Order of Christian Funerals, 17), nhưng nội dung của bài giảng cuối cùng là trách nhiệm của vị chủ tế.
Ngài nói: “Những yêu cầu hợp lý từ một gia đình về sự riêng tư và nhạy cảm cần được tôn trọng; Nhưng không nên yêu cầu những gì trái với niềm tin hay luật phụng vụ của Giáo hội. Thêm vào đó, không ai có quyền chỉ muốnnghe những khía cạnh của Lời Chúa mà họ đồng ý, hoặc nhận các bí tích theo sở thích, hoặc sự hiểu biết của riêng mình.”
Tuy nhiên, Đức ông Dempsey nói rằng lòng trắc ẩn rất quan trọng đối với một nhà giảng thuyết.
Ngài nói: “Trong trường hợp [Detroit], nếu có một chút suy nghĩ thông thường và lòng trắc ẩn của con người thì chắc đã có thể tránh được vô số phiền toái cho tất cả những người có liên quan. Đám cưới không phải là thời điểm thích hợp để rao giảng về tính vô đạo đức của thuốc ngừa thai; đám tang không phải là một dịp thích hợp để rao giảng về sự vô đạo đức của sự tự tử hoặc mất đức tin lúc cuối đời.”
Nghi thức thánh lễ Kitô giáo (Order of Christian Funerals), đoạn 16, ghi: “Để chuẩn bị và thực hiện nghi thức tang lễ, linh mục và tất cả các thừa tác viên khác nên chú ý đến cuộc sống của người quá cố và hoàn cảnh của cái chết. Họ cũng nên xem xét các nhu cầu tâm linh và tâm lý của gia đình và bạn bè của người quá cố để bày tỏ sự đau buồn và cảm giác mất mát của họ, để họ chấp nhận thực tế của cái chết và an ủi lẫn nhau.”
Đức ông Dempsey cũng nhấn mạnh rằng các quy tắc của Giáo hội hướng dẫn linh mục trao đổi với gia đình tang gia trong việc chuẩn bị cho Thánh lễ an táng, và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về nội dung của bài giảng. Ngài nói : “Hơn nữa, luật tự nhiên và mục vụ đức ái cũng khuyên rằng linh mục nên tôn trọng mong muốn bí mật của tang gia về những sự thật cụ thể liên quan đến cuộc sống và cái chết của người quá cố. Trong các trường hợp như tự tử, uống thuốc quá liều, nghiện ngập, càng nói ít thì càng tốt, ngay cả khi gia đình không yêu cầu bảo mật cụ thể.”
Linh mục Pius Pietrzyk, Dòng Đaminh, Khoa trưởng khoa Mục vụ tại Chủng viện St. Patrick ở Menlo Park, California, nói với CNA rằng theo quan điểm của ngài, tính vô đạo đức của việc tự tử vẫn không được rao giảng đủ trong các Thánh lễ an táng.
Ngài nói với CNA: “Tôi luôn nghĩ rằng, trái với suy nghĩ hiện tại của công chúng, chúng ta không thuyết giảng đủ về sự vô luân của việc tự tử. Thật không có lòng thương xót khi nói với ai đó rằng tự tử là chấp nhận được. Lòng thương xót không bao giờ cho phép ta làm điều đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta đã gián tiếp làm điều đó khi chúng ta không thuyết giảng đủ mạnh, chúng ta không làm cho rõ ràng, sự vô luân nghiêm trọng của việc tự tử và những hệ lụy có thể liên quan đến hành vi này.
Linh mục Pietrzyk nhấn mạnh rằng chúng ta không thể biết chắc chắn trạng thái của bất kỳ linh hồn người quá cố nào trong giây phút cuối cùng.
Ngài nói thêm rằng: “Một linh mục tại một thánh lễ tang không phải là để thuyết giảng cho người chết. Ngài đang thuyết giảng cho người sống. Và trong khi người ta không nên lên án linh hồn của người quá cố – không ai muốn điều đó – thì cũng không ai muốn các linh mục phải nhảy múa xung quanh sự vô luân của hành vi này.”
Linh mục Pietrzyk thừa nhận yếu tố phức tạp rằng theo cha mẹ của vị thiếu niên này, cách chết của em, không được nhiều người biết đến trước lễ tang.
Ngài nói : “Nếu điều này không được biết đến rộng rãi trong cộng đồng và cha mẹ muốn giữ kín các chi tiết về việc này, tôi nghĩ rằng một linh mục nên tôn trọng điều đó.Nhưng nếu điều này được biết đến rộng rãi trong cộng đồng, tôi nghĩ vị linh mục phải có trách nhiệm đạo đức nhấn mạnh đến khía cạnh này. Vì vậy, nó chỉ phụ thuộc vào hoàn cảnh được biết đến rộng rãi như thế nào.”
Ngài nói rằng, khi dạy các chủng sinh trong việc giảng thánh lễ an táng, ngài luôn nhắc các vị linh mục phải tôn trọng mong muốn của gia đình càng nhiều càng tốt.
Ngài nhấn mạnh, gia đình của một người quá cố không có quyền dân sự hay Giáo luật để đòi hỏi buộc một linh mục phải thuyết giảng, hoặc không thuyết giảng, về một chủ đề nào đó. Ngài nói: “Một linh mục không giảng sự thật mà gia đình đưa ra, nhưng sẽ rao truyền chân lý của Giáo hội. Điều đó có thể liên quan đến việc hướng đến những mong muốn và ước muốn của gia đình, nhưng luôn đòi hỏi phải nắm giữ, trước hết và trên hết, tinh thần của Chúa Kitô và những giáo huấn của Giáo hội.”
Linh mục Pietrzyk cho biết ngài quan sát nhiều linh mục, và thậm chí một số giám mục, cổ vũ ý thức của giáo dân có quyền “kiểm soát” phụng vụ, đặc biệt là trong bối cảnh của thánh lễ cưới và an táng. Và ngài nói, thánh lễ không thuộc về “giáo dân”, mà thuộc về Giáo hội: “Đó là biểu hiện của Giáo hội về sự cầu nguyện và đau buồn cho cha mẹ của người quá cố. Điều đó không có nghĩa là người ta phớt lờ gia đình … linh mục nên lắng nghe họ. Nhưng mong muốn của gia đình không thể thay thế tinh thần của Giáo hội liên quan đến những vấn đề này.”
Ngày 17/12/2018, Tổng giáo phận Detroit đã đưa ra một tuyên bố về vấn đề này : “Hy vọng của chúng ta là luôn mang lại sự an ủi cho những tình huống đau đớn tột cùng, thông qua các mục vụ tang lễ tập trung vào tình yêu và sức mạnh chúc lành của Chúa Kitô. Thật đáng tiếc, điều đó đã không xảy ra trong trường hợp này. Chúng ta hiểu rằng một tình huống thật khó khăn đã xảy ra, và chúng tôi thật tình xin lỗi. Chúng ta … biết rằng gia đình đã bị tổn thương hơn nữa bởi sự lựa chọn của Cha để chia sẻ giáo huấn của Giáo hội về tự tử, khi đó nên cần nhấn mạnh hơn đến sự gần gũi của Chúa với những người thân đang than khóc.”
Tổng giáo phận cũng tuyên bố rằng “trong tương lai” Lm. LaCuesta sẽ không giảng tại các đám tang và tất cả các bài giảng khác sẽ được xem qua với một linh mục cố vấn. Ngoài ra, Tổng giáo phận cho biết, Lm. LaCuesta đã đồng ý để “tiếp tục sự giúp đỡ mà ngài cần để trở thành một sứ giả hiệu quả hơn trong những tình huống khó khăn như vậy.”
Theo Detroit Free Press, gia đình Hullibarger cũng đã nói rằng Lm. LaCuesta đã ngăn cản cha mẹ của Maison không được đọc bài điếu văn cho con trai của họ trong thánh lễ, “mặc dù đã được thỏa thuận từ trước.”
Tổng giáo phận đã không bình luận về cáo buộc rằng Lm. LaCuesta đã đồng ý cho phép Hullibargers đọc bài điếu văn cho con trai của họ, nhưng sau đó lại thay đổi quyết định của mình.
Các quy tắc chính thức của Giáo hội cấm đọc điếu văn trong thánh lễ an táng, nhưng theo Đức ông Dempsey, cho phép một thành viên, hoặc một người bạn của gia đình, đọc những lời tưởng nhớ đến người quá cố sau phần rước lễ và trước khi nghi thức làm phép xác bắt đầu.
Đức ông cho biết việc đọc lời tưởng niệm tùy theo sự cho phép của từng giáo phận khác nhau.
Ngài giải thích : “Lễ an táng của Công giáo không phải là một lễ ‘kỷ niệm cuộc sống’ của người quá cố, mà là một lễ kỷ niệm của các tín hữu đã được rửa tội tham gia vào cuộc đời và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Những lời nói ‘tưởng niệm về người quá cố, nên nói ngắn gọn và nên tập trung vào việc nhữn gì người quá cố đã làm chứng trong cuộc đời của người ấy với những gì chúng ta tuyên xưng trong Mầu nhiệm Chúa Kitô.”
Các quy tắc thánh lễ an táng của Tổng giáo phận Detroit nhìn nhận là có thể đọc lời ‘tưởng nhớ’ trong thánh lễ cũng phù hợp với các Quy tắc về Tang lễ Kitô giáo, nhưng nhấn mạnh rằng “những lời đó không nên là một điếu văn.” Quy tắc của Detroit cũng nói rằng sau thánh lễ tiễn đưa người quá cố, hoặc bữa ăn tưởng niệm hoặc bữa ăn sau đám tang, là nơi lúc thích hợp để gia đình và bạn bè đưa ra những lời nói hoặc câu chuyện của riêng họ.
Cho đến nay vẫn chưa rõ ràng việc có đúng hay không một sự ‘hồi tưởng’ trong thánh lễ mà Lm. LaCuesta đã hứa với gia đình chứ không phải là một điếu văn, và việc có đúng là Lm. LaCuesta đã cố gắng ngăn cản họ làm như vậy hay không.
Sau tang lễ, Hullibargers đã phàn nàn với Tổng giáo phận Detroit, yêu cầu Lm. LaCuesta phải thuyên chuyển khỏi giáo xứ.
Hullibargers nói trong vụ kiện rằng họ đã được phép có một cuộc gặp mặt với Đức Tổng Giám mục Allen Vigneron sau lễ tang, nhưng nói rằng Đức TGM. đã cắt ngắn cuộc gặp gỡ khi người mẹ bắt đầu thảo luận về Lm. LaCuesta.
Lm. Pietrzyk cũng nói rằng theo quan điểm của ngài, vụ kiện dân sự sẽ không thành công vì không có tòa án nào, cho dù ở Michigan, hay tòa án liên bang nào, và chắc chắn không phải là Tòa án tối cao, sẽ chấp nhận loại hành động sai lầm này, và họ chắc chắn sẽ không bao giờ yêu cầu Giáo hội phải sa thải một linh mục nào đó vì vụ việc như vầy.
Ngài nhận xét: “Đôi vợ chồng này có thể có những bất đồng chính đáng với bài giảng và cách hành xử trong tang lễ, nhưng suy nghĩ cho rằng đây là vấn đề pháp lý, ý kiến cho rằng các tòa án nên dính dáng vào việc này, thì hoàn toàn trái ngược với tất cả các ưu tiên của Hiến pháp Hoa kỳ. Nó sẽ không đi đến đâu cả, và cũng không nên làm như vậy. Ngay cả khi một người đồng cảm với hoàn cảnh của [cặp vợ chồng] này, và người ta nên thông cảm với hoàn cảnh của bất kỳ cha mẹ nào mất con, nhưng câu hỏi về quyền dân sự, pháp lý lại là một vấn đề khác. Vì vậy, tôi nghĩ người ta có thể và nên chỉ trích vụ kiện dân sự, ngay cả khi những người có nhiều nỗi buồn và sự cảm thông cho cặp vợ chồng này.”
Lm. LaCuesta từ chối bình luận với CNA về vụ việc đang diễn ra, và nói nên hỏi Tổng giáo phận thì hơn.
(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết của Jonah McKeown đăng trên National Catholic Register)