Mẹ hiền

Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Luật bảo vệ trẻ vị thành niên cho Vatican và Giáo triều Rôma
Mùa Chay
Tình cha – Sáng tác: Nữ tu Kim Loan – Trình bày: Ca sĩ Tuyết Mai

Tôi được “diễm phúc” trông chừng mạ tôi vài hôm để chị cả và chồng chị đi nghỉ dưỡng hay còn gọi là đi “xả stress”. Tôi phải dùng từ diễm phúc vì hiếm khi mình được dịp gần gũi chăm sóc mẹ già ở tuổi cửu tuần lại còn mang cả hai chứng bệnh Parkinson và Alzheimer.  Nếu bà không bị những căn bệnh này, có lẽ bà là một cụ già mạnh khoẻ nhất trên đời, người có thể chăm sóc cả tôi nữa là đằng khác.

 *

Trước đây, khi mạ tôi còn tỉnh táo, bà thường kể chuyện đời tư của mình vào thời xa xưa, lúc còn là thiếu nữ thời Pháp thuộc. Thời ấy bà sống ở thành phố Huế, gia đình có tiệm photo, bà phụ trách từ giao tiếp với khách hàng cho đến rửa phim trong phòng tối. Bà nảy sinh đến việc yêu thích chụp hình và trở thành người thiếu nữ đầu tiên làm nhiếp ảnh viên đi chụp hình trong các dịp lễ lạc, đình đám, hội hè cho người Pháp. Bà có cặp mắt nhạy bén và chụp những tấm hình nghệ thuật làm mọi người ưa thích và từ đó công việc tiến triển đều đặn. Khi quân đội Nhật xâm chiếm Việt Nam và vùng Đông Nam Á vào cuối năm 1940, đó là những năm tháng đen tối nhất vì bà buộc phải giải nghệ nghề nhiếp ảnh quay sang làm nghề phục vụ nhà hàng. Tiệm ăn khá nổi tiếng có nhiều thực khách thường lui tới đông đúc ngay cả những quân nhân Nhật. Là những người có kỷ luật nghiêm khắc với danh nghĩa Lực Lượng Viễn Chinh, họ luôn có thái độ rất dè dặt và đằng đằng sát khí. Mỗi khi phục vụ cho họ làm mạ tôi phập phồng, canh cánh lo sợ nhưng vẫn cố gắng điềm tĩnh với nét mặt vui vẻ vì nói khá trôi chảy tiếng Nhật. Mạ tôi có khiếu ngoại ngữ nên vào thời Pháp thuộc thì học và nói tiếng Pháp, khi Nhật đến thì bà cũng ráng đi học và nói được tiếng Nhật. Một hôm, nhóm Việt Minh biết mạ tôi nói được tiếng Nhật nên “yêu cầu” bà phục rượu thực khách lính Nhật cho họ say mèm để bên ngoài nhóm Việt Minh đánh cướp xe vận tải chở đầy vũ khí. Sau khi sự việc xảy ra, một sĩ quan cao cấp đưa người lính chỉ huy của đoàn xe vận tải đến trước mặt mạ tôi và ra lịnh anh ta bằng mọi giá phải hợp tác với mạ tôi để giúp truy tìm thủ phạm. Anh lính năn nỉ và lạy mạ tôi như tế sao khiến bà rất hoảng sợ nhưng vẫn cố bình tĩnh bảo họ bà sẽ cộng tác và cố gắng giúp họ. Cuối cùng, với sự đồng ý của nhóm Việt Minh, họ chỉ chỗ để lính Nhật lấy lại xe vận tải và dĩ nhiên vũ khí đã biến mất. Từ đó về sau, tuyệt nhiên không còn bóng dáng của người lính Nhật nào lai vãng đến gần nhà hàng nơi mạ tôi làm việc nữa.
Mạ tôi lập gia đình sau khi quân đội Nhật rút ra khỏi Việt Nam. Ba tôi đưa gia đình vào Đà Nẵng lập nghiệp, ông là giáo sư trung học và mạ tôi làm giáo viên tiểu học cho đến đầu năm 1965 khi quân đội đồng minh Hoa Kỳ đổ bộ lên Đà Nẵng. Họ đóng trại tạm thời trong công viên kế bên nhà mạ tôi. Không biết ai chỉ dẫn và với lý do gì mà bà nảy sinh ra việc làm bánh mì “hamburger” giống như tiệm  “In-n-Out”. Cũng bánh mì tròn, cà chua, xà lách, hành củ v.v…chỉ khác biệt là gia vị trộn với thịt bằm là đặc sản nước mắm và tỏi. À! có lẽ vì vậy mà mùi thơm của thịt khi nướng trên lò than bay toả ra khu công viên làm mấy anh lính trẻ phải tìm đến và mua ăn như điên. Từ đó ý định buôn bán với lính Mỹ nảy sinh và bà bỏ nghề dạy học bước chân vào nghề buôn bán lẻ.  Mỗi ngày bà xếp hàng lên chiếc xe máy Velosolex rồi đi đến bày bán trước cổng trại lính quân đội Mỹ, với những câu chào hàng rất dí dỏm, nếu bạn hàng ai đó giới thiệu hàng “Number ONE” thì bà mời ngược lại với lời chào “Number TEN”.  Theo bà, one chỉ là một, ten là mười, nhiều hơn, ngon hơn! Vậy mà Chúa thương, hàng của bà bán chạy hơn cả và cũng từ đó buổi sáng đi bán hàng và ban đêm bà đi học Anh Văn hàm thụ cấp tốc để đủ “trao đổi mậu dịch” với các lính Mỹ. Vậy mới biết, mạ tôi con người có chí hướng làm thương mại. Bàn tay bà gầy dựng cơ nghiệp đời mình, thời bấy giờ có thể nói là sung túc, bà tự viết thư liên lạc và thầu được một cửa hàng gift shop trong một doanh trại Mỹ. Bà sắm cho mình một chiếc xe hơi nhỏ, rồi chẳng bao lâu tậu một căn nhà khá lớn với mặt tiền là con lộ chính tiện lợi cho việc buôn bán hàng hoá với doanh trại.
Nhưng mọi việc không xảy ra như ý muốn. Người chị thứ hai cũng là cánh tay phải đắc lực của mạ tôi trở thành nạn nhân của sự ghen tương, tị hiềm. Chị ấy phụ mạ trong cửa hàng ở doanh trại, rồi có một anh lính cảnh sát quân đội Mỹ thích chị tôi và tán tỉnh không ngừng. Chị là một thiếu nữ thuần túy nên không hề có ý định lấy người ngoại quốc, do đó đã quyết liệt từ chối lời tỏ tình của anh ta. Việc này làm cho anh ấy tức giận và đã hại mạ tôi bằng cách lẻn vào cửa hàng trong đêm tối rồi gài thuốc phiện giấu trong hàng hoá. Sáng hôm sau, có lệnh truy xét, họ đã tìm thấy hàng “quốc cấm” và sau đó ra lệnh niêm phong và cấm mạ và chị tôi không được vào doanh trại nữa.
Bấy giờ căn nhà ở lộ chính đã sửa sang xong tuy nhiên mất nguồn lợi căn bản ở cửa hàng trong doanh trại đó là một cú sốc mạnh cho bà. Thua keo này bày keo khác, mạ tôi lại nhảy sang buôn bán vật liệu xây cất rồi làm tiểu bài gạo. Phải nói rằng, mạ tôi làm việc quần quật không ngừng nghỉ, một điều tôi thấy dầu mạ tôi trải qua nhiều sóng gió, nhưng luôn luôn có ơn trên phù hộ nên gặp được những người đại lý tốt bụng thường để mạ tôi lấy hàng về bán trước rồi thanh toán sau. Lối làm việc của người Hoa Kiều đã giúp cho mạ tôi buôn bán dễ dàng. Bà thán phục lối buôn bán của họ, không hợp đồng, giao kèo mà tiền bạc rất sòng phẳng. Đối với họ chữ “tín” là quan trọng nhất.
Thời cuộc và kinh tế đã đưa đẩy mạ tôi phải làm việc uyển chuyển theo chiều gió nên bà luôn luôn tìm ra lối thoát sau những lần bế tắc, trì trệ. Khi khu phố nơi gia đình tôi ở đã hoàn chỉnh, việc buôn bán vật liệu xây cất lại không còn thịnh hành nữa nên mạ tôi chuyển căn nhà mặt tiền thành tiệm hàn để ba và anh tôi làm việc và chẳng mấy chốc căn nhà ấy chuyển thành một bãi chứa vật liệu phế thải khổng lồ!
Ngày 30 tháng 3 năm 1975, Đà Nẵng thất thủ trước Sài Gòn đúng một tháng! Thành phố tiêu điều, trong tang tóc, và đau thương. Gia đình tôi không kịp di tản và những ngày tháng kế tiếp không có ngôn từ nào để diễn tả cho đúng nghĩa địa ngục trần gian dưới sự cai trị bạo tàn của cộng sản. Mạ tôi thật tiều tụy khi Ba tôi bị bắt đi học tập cải tạo.  Bà không còn sinh lực để làm việc nữa. Bà gọi người anh thứ năm lại dặn dò và anh ấy quyết định nghỉ học để thay thế ba tôi trông coi tiệm hàn. Một cuộc cách mạng đổi đời để tầng lớp trí thức đi làm lao động và thế hệ ngu dốt trở thành chủ nhân ông và cầm quyền lãnh đạo đất nước.
Ngoài việc tảo tần nuôi con, mạ tôi đơn chiếc lo bới xách, thăm nuôi hai người tù cải tạo, ba tôi và người anh rể. Bà mở quán bán chè cho học sinh trường Kế Toán Thương Nghiệp gần nhà để kiếm thêm tiền sinh nhai. Ngoài giờ học tôi phụ mạ bán chè, một việc làm đa số dành cho phái nữ nhưng vì thương mạ tôi thầm nhủ mình không phụ thì có ai giúp mạ đây?
Sau khi cống hiến nhiều công của và một công trình khán đài cho sân vận động địa phương, trại tù cải tạo đã ban ân xá cho ba tôi với một mũi thuốc “bại liệt” trước khi trả ông về với gia đình. Hôm sau, ba tôi đi trình diện ở phường về là nằm liệt giường cho đến ngày qua đời. Buổi sáng, trước khi ra đi trình diện, mọi người được tin nhà nước ra lệnh đánh tư sản. Gia đình tôi thuộc vào thành phần đó vì có nhiều bất động sản. Ở căn nhà tiệm hàn, họ đến khám xét, kiểm tra, ghi sổ từng cái đinh, con ốc rồi tịch thu tất cả những gì cho rằng không đúng với quy định nhà nước. Ở nhà trong, có đến mười người bao vây để hạ lệnh kiểm kê tài sản trong lúc mạ tôi và tôi đang gắng sức dìu ba tôi đi vệ sinh. Hôm đó, gan ba tôi bị vỡ vì bị sán kim phá hủy. Mùi hôi thối của phân và gan vỡ tạo nên một mùi tanh hôi quyện lấy không gian cả nhà. Phần lo lau chùi, phần lo tắm rửa cho ba tôi, mạ và tôi không thể nào tiếp và để các ông ấy kiểm kê gì cả nên mạ tôi yêu cầu các ông trở lại ngày khác. Họ bỏ đi về phường báo cáo rằng mạ tôi không tích cực cộng tác với chính quyền, phản cách mạng!
Ngày ba tôi mất là ngày mạ tôi quyết định dứt khoát tìm đường cho các con vượt biên vì biết rằng sống dưới chế độ cộng sản thì chỉ có chết đến chết và không lối thoát!
Vài tháng trước đó mạ tôi đã âm thầm móc nối với một vị linh mục có con chiên là dân chài ở khu Thanh Bồ tổ chức vượt biên vì họ có ghe. Đêm 12 tháng 5 năm 1978, mạ tôi lặng yên nhìn đàn con lặng lẽ ra đi không một lời từ biệt. Một chuyến đi định mệnh, không biết sẽ đến bến bờ nào và sống chết ra sao. Đó cũng là lần cuối tôi thấy mạ buồn lo nhưng không khóc. Bà đã không còn nước mắt sau khi chôn cất chồng và gia sản bằng mồ hôi nước mắt đã vào tay “quân giải phóng”. Đây là lần thứ nhì những chuỗi ngày đen tối xảy ra trong cuộc đời bà. Lần đầu, quân xâm lược Nhật. Hành động xách nhiễu xem ra khó chấp nhận nhưng có thể hiểu được vì họ là ngoại bang. Nhưng hành động ác nghiệt của “quân giải phóng”, người cùng dòng máu thì quả thật là khốn nạn vô lường! Sau khi biết được các con cái của bà đã trốn thoát, công an bủa vây và ập vào nhà buộc bà phải ký giấy hiến toàn bộ tài sản cho nhà nước. Mạ tôi bấy giờ trở thành một người “vô sản” thật sự, sống lây lất, tạm bợ trong căn nhà của người chị ruột cho đến ngày lưu vong.

*

Rồi mạ tôi cũng được đến định cư ở Hoa Kỳ do các con cái bảo lãnh. Thời gian sau chị cả và gia đình chị cũng đến San Diego đoàn tụ với đại gia đình. Mạ tôi về sinh sống với chị, bà phụ giúp chăm sóc cơm nước và trông nom các cháu nhỏ cẩn thận và chu đáo. Khoảng mười năm trước, khi bà vài lần để cháy nồi cá kho hoặc nấu chè ngọt hết chỗ chê nên chị cả tôi không muốn bà vào bếp nữa, lúc bấy giờ bà mới thật sự nghỉ hưu!
Mạ tôi giờ đây như một đứa trẻ, ăn uống lắm lúc cần phải đút. Món gì cũng phải bằm, xé nhỏ vì lớn quá bà không nhai được rồi nhổ ra. Vì bị bệnh lãng trí nên bà thường từ chối không ăn vì bảo đã ăn rồi, nhưng nếu ép thì bà cũng vui vẻ ăn và có khi đòi ăn thêm. Biết là mình sống nhờ thuốc, nên mỗi khi cho uống thuốc thì bà rất hăng hái. Tôi cho bà uống xong, ra dấu “thumbs up” khen giỏi, bà nhoẻn miệng cười. Có lúc bà lười không muốn ăn, “Cho mạ chén nhỏ thôi.” Tôi làm bộ đưa tô lớn nhất và nói, “Đây là chén lớn, còn chén nhỏ mạ đang ăn đây.” Bà cười ngất. Tuy đãng trí nhưng cũng vẫn còn biết hài hước.
Đêm đầu tiên, đưa mạ về ở với vợ chồng tôi, sau khi đưa bà lên giường, tôi đóng cửa phòng rồi ra phòng khách xem TV. Đang mơ màng, tôi chợt cảm thấy ai đó chọt ngón tay ở vai trái tôi, giật bắn mình ngoảnh mặt lại thì thấy mạ tôi đang nhìn và chỉ chỏ nói với tôi bảo tắt TV đi. Bà lúc nào cũng tiết kiệm điện, tôi để mấy cái đèn ngủ nho nhỏ trong phòng tắm, phòng ngủ để đêm hôm sợ bà thức dậy ra khỏi giường khỏi bị vấp ngã nhưng bà sợ tốn điện nên tháo ra hết. Thỉnh thoảng, giữa đêm thức dậy bà ra khỏi phòng đi một vòng quanh nhà, mở hết hộc này, kéo hộc tủ nọ để tìm kiếm gì đó. Dường như trong tiềm thức bà vẫn hướng về thời xa xưa và nghĩ rằng mình đang làm việc. Nhiều khi bà cứ nài nỉ cho bà về nhà viện lý do bà đang lo cơm nước cho con cháu và bếp núc bề bộn thức ăn cần phải dọn dẹp cho ngăn nắp. Có hôm, nửa đêm bà ra nằm ở salon kế tôi mà tôi không hay biết, tôi cứ ngỡ vợ tôi đưa bà ra ngồi salon xem TV rồi mệt ngủ quên, hỏi ra thì có lẽ bà mộng du. Đêm cuối cùng, bà không ngủ yên được, khoảng ba bốn giờ sáng bà trăn trở, tôi vào phòng hỏi thăm thì bà nói, “Thịt thà thức ăn mua về chiều nay nhưng bây giờ tìm không thấy đâu cả.” Tôi hỏi mạ mua cái gì, ở đâu và làm sao mang về thì bà kể rất cặn kẽ là sau khi ra khỏi nhà thờ, bà ghé chợ mua nhiều thịt, rau quả trái cây rồi kêu xe xích lô đưa về, vậy mà bây giờ tìm hoài không thấy. Tôi muốn cho bà yên tâm bảo,  “Không sao, cả ngày mai đi mua lại nếu đã mất.” Bà nhất định một mực là phải ra ngoài tìm anh xích lô. Tôi chưa kịp mang dép thì bà đã nhanh chân đi ra cửa chính, bước ra trước sân nhìn quanh, tay đưa lên ngực luôn miệng thốt lên, “Chúa Mẹ ơi, thôi mất rồi!” Tôi đưa bà vào lại trong nhà, vỗ về cho bà yên tâm là ngày mai sẽ đi kiếm mua lại nhưng lúc này hồi ức của một thời mất của ùa về trong tâm trí làm cho bà khó chịu, bực tức. Bà nhất định đòi phải chở bà đi tìm anh xích lô ngay. Tôi lấy chìa khoá xe và đưa bà lên xe chở đi một vòng loanh quanh hàng xóm, bà nhốn nháo nhìn bên này bên kia, ngóng tìm hình dáng của anh xích lô. Lúc này, tôi vừa suy nghĩ và nực cười vì liên tưởng tới quảng cáo trên TV của hãng xe Subaru, con chó cha đưa chó con đi hóng mát để dễ ru ngủ, và tôi, giữa đêm khuya đưa mẹ già đãng trí đi tìm anh xích lô trong mộng tưởng. Về lại nhà, tôi nhanh trí đưa mạ đến tủ lạnh mở cho bà xem thấy thịt mà tôi nhồi lúc trước khi đi ngủ, nói với bà là thịt mạ mua đây nè. Bà còn bán tín bán nghi, tôi vội lấy mọi thứ trong tủ lạnh ra cho bà xem. Lúc bấy giờ bà mới an tâm là đã không bị mất cắp và chịu vào phòng lên giường đắp chăn. Tôi hôn lên trán mạ nói bà yên tâm, có con đây không việc gì xảy ra mạ nghe! Bà gật đầu ôm ngực cảm tạ Chúa!
Mạ tôi ở với vợ chồng tôi hơn một tuần và đòi đưa đi gội đầu, làm tóc hai lần vì có lần vợ tôi nói với bà là chỗ ấy quen người ta tính giá đặc biệt. Bà nói, “Nếu rẻ thì đi ra ngoài cho người ta làm, việc chi ở nhà tự rửa gội cho cực thân.” Tính bà rất sạch sẽ và tươm tất mỗi khi ra đường từ lúc còn là thiếu nữ.
Cũng ngày làm tóc lần thứ nhì hôm đó, tôi đưa bà đi thăm cha Đoàn, vị linh mục ấy cũng đang ở “hospice care”. Bà không hiểu tại sao tôi đưa bà đi thăm cha, tôi giải thích ngài lâm bịnh nặng. Trên xe bà ưu tư gợi ý phải nên mua trái cây khi đi thăm người bịnh chứ không đi tay không kỳ cục. Tôi đồng ý và thay vì mua cam vì tôi biết lúc này cha không thể nào ăn gì được, tôi mua một bó bông tặng ngài vì biết ngài rất thích hoa. Tôi ngẫm nghĩ cười mạ tôi luôn chu đáo và lịch sự. Một tuần sau, chúng tôi nghe tin cha Đoàn ra đi. Mạ tôi đã may mắn gặp được ngài lần cuối, lời cha còn văng vẳng bên tai, “À! Một người bịnh đi thăm người bịnh hơn. Cảm ơn bà!”
Ngày anh kế tôi đến đón bà về, tâm hồn tôi cảm thấy xao xuyến, vào nhà nhìn lại căn phòng trống vắng, đâm ra nhớ mạ một cách lạ lùng.

Hùng Trần
Viết nhân ngày Hiền Mẫu