Nhà nguyên hôm nay trang hoàng thật lộng lẫy, đầy hoa và nến. Hai bên thánh giá là những dải lụa trắng làm nền đệm cho chiếc khăn vàng, sáng rực rỡ trải dài bên trên, như áo của vì Vua, một biểu tượng của sự vinh thắng. Thế nhưng hình ảnh Chúa gục đầu trên thánh giá lại khiến con bùi ngùi khôn tả. Con đột nhiên giật mình không biết tại sao lại dám nghĩ đến việc “Chúa là Chúa tể trời đất, nếu muốn tha cho nhân loại thì tha thôi. Tại sao Chúa lại phải chết dưới tay những người không đáng đó? Vì cớ gì phải chịu nhục hình trong tay loài người bé nhỏ ngu khờ kia thì mới có thể cứu lấy họ được? (trong đó có cả con và tất cả những người thân mà con hết mực yêu thương)”. Có phải Chúa đang nhắc nhở loài người về luật nhân quả? Làm lỗi là phải chịu phạt. Đầu óc con ngu ngốc cho rằng: “Vì quá yêu nhân loại, cho nên Chúa không nỡ đợi đến ngày cánh chung để phán xét, lúc đó đã quá muộn, không còn cơ hội thống hối. Chúa muốn chúng con hãy nhìn lên thánh giá để chạnh lòng và ăn năn. Cảm nhận được tình yêu của người Cha mà đứng lên làm lại cuộc đời , ngay từ bây giờ khi còn có thể”. Con nghĩ vậy có đúng không Cha?
Trong những lần chia sẻ tâm tình các bà mẹ, và giới trẻ hôm nay, con đã từng thấy có người đang sống trong địa ngục nơi trần gian. Đứa trẻ ấy, rất ngỗ nghịch, dù là mẹ của em luôn hết lời khuyên bảo. Ngày bà chết, đứa trẻ quay về mặt chẳng còn giọt máu. Xung quanh những người thân luôn hết lời xỉ vả: “Má mầy chết rồi, vừa lòng chưa?” Không còn mặt mũi nhìn người thân, nỗi hối hận đã làm đau lòng mẹ, khiến đứa trẻ trở nên điên dại kể từ hôm ấy. Con không biết bây giờ cô bé ra sao? Nhưng con tin lá thư để lại với những khát khao mong muốn, cũng như hai tiếng tha thứ của bà, có thể giúp cô bé cảm nhận được tình yêu, mà giao hòa lại được với chính mình. Nếu không, sự hối hận sẽ dằn vặt em suốt cả đời.
Sự trừng phạt đáng sợ nhất đó là: không thể tha thứ cho chính mình. Và con càng tin rằng đời sống có nhân quả. Trong tâm tình của một đứa con, và cũng là một người làm mẹ, con cảm thấy rằng sở dĩ Chúa bằng lòng xuống thế làm người, ở gần dạy dỗ, chữa lành, và cuối cùng chết trên thánh giá là để nhắc nhở chúng con “hãy cảnh tỉnh”. Chúa đã chết trên thánh giá để cứu nhân loại, “để giúp chúng con biết hậu quả đáng khiếp sợ là nhường nào đừng tiếp tục lỗi phạm”.
Hai tiếng “Ta Khát” (Ga: 19, 28-29) Di ngôn thứ năm của Chúa Giêsu từ Thánh Giá
Chúa nói trước lúc lâm chung trên thánh giá, là lời trăn trối của người Cha hết mực yêu thương con cái mình. Chúa khát khao chúng con có một cuộc sống thât bằng an, biết yêu thương tha thứ. Để rồi khi cảm nhận được sự bao dung, có thể giao hòa với chính bản thân mình, với anh em và với Thiên Chúa. Chỉ như vậy thì chúng con mới có được một cuộc sống hạnh phúc đích thực. Nhưng nỗi khát khao của Cha trên thánh giá không chỉ là một lần rồi thôi, bởi lẽ con người vốn dĩ là mỏng dòn bất toàn. Chúng con cứ lên rồi xuống. Khi thánh thiện, lúc bất tuân, khi tội lỗi, lúc lại ăn năn, chúng con vẫn cần phải luôn nhắc nhở mình hãy chạy đến với Cha.
Tự hiến vì yêu thương, Chúa Giiêsu cam chịu bao nhiêu khổ hình, kiệt sức vì khát, nhưng cái khát dày vò tâm hồn Ngài, chính là khát vọng cứu rỗi các linh hồn.
Lạy Chúa, con chỉ biết cảm tạ hồng ân Chúa. Xin cho con luôn nhớ đến cơn khát khao của Chúa, người Cha giàu lòng xót thương. Trong giây phút này, con xin phó dâng trong tay Cha linh hồn các tội nhân, đặc biệt là giới trẻ hôm nay, đang trên đà rơi xuống vực thẳm của tội lỗi. Xin cho các em sớm nhận biết được nỗi khát khao được yêu thương và luôn yêu thương của Cha, để có thể đứng lên làm lại cuộc đời. Xin cũng giúp con luôn cảnh tỉnh trước những cám dỗ.
Như thánh Gregoriô Nazian nói: “Thiên Chúa khát mong chúng ta khát vọng Ngài”, con có đủ yêu để đáp lại nỗi khát khao này của Cha không? Yếu đuối, lỗi phạm, luôn bủa vây. Xin Cha luôn ở bên nhắc nhở và thêm sức cho con. Ước gì ngày cánh chung, linh hồn con được về bên cạnh Cha, đúng như nỗi khát khao và tình yêu mà Cha đã hy sinh và dành cho con và cho cả nhân loai.
Tuần Bát Nhật Phục Sinh 2018
Thúy Hương