Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?” Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và nói : “Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời. Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.
Suy niệm
Khi theo Thầy Giêsu, chắc hẳn các môn đệ đều mang trong lòng ý nghĩ sẽ được làm to, làm lớn. Có lẽ các ông đã tranh luận nhiều với nhau về vấn đề này, nhưng chưa có lời giải đáp, nên hôm nay mới mạnh dạn « lại gần » hỏi thầy mình : « Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời ? ».Đức Giêsu đã
không vội trả lời câu hỏi này của các ông, vì theo Ngài, điều cần trước tiên là phải « được vào Nước Trời » đã. Để vào Nước Trời, thì điều kiện phải có là : « quay trở lại » (στρέφω) và « trở nên » như trẻ nhỏ. Tất nhiên, các tông đồ là những người lớn, không thể nào « quay lại » để trở thành trẻ em, nhưng « quay trở lại » có nghĩa là cần hoán cải : các ông đang muốn làm lớn, muốn quyền hành, thì bây giờ cần nên như trẻ nhỏ, tức là không tham vọng, không quyền hành và không tiếng nói trong xã hội, giống như các em nhỏ thời Đức Giêsu. Các em cần lệ thuộc và đón nhận từ người lớn, thì các ông cũng phải có tâm tình như vậy, nếu không « sẽ chẳng được vào Nước Trời ».
Khi trở nên như trẻ nhỏ rồi, được vào Nước Trời rồi, thì mới nghĩ đến việc ai là “người lớn nhất”. Câu trả lời của Đức Giêsu dường như vẫn là một : cần “tự hạ, coi mình như em nhỏ », thì sẽ là « người lớn nhất trong Nước Trời ».
Như thế, vào Nước Trời và việc được làm lớn thuộc về những ai tự hạ, coi mình như trẻ nhỏ, tức là dám “quay trở lại”, dám hoán cải.
Trong cuộc sống, ta thường ham muốn quyền lực, ham muốn địa vị, nhưng điều này không phù hợp với Nước Trời.
Ước chi ta biết theo gương thánh Têrêxa mà Giáo Hội mừng kính hôm nay. Ngài đã đã ý thức về sự bất toàn và nhỏ bé của mình, biết rằng mình không thể nên hoàn thiện với sức riêng. Têrêxa đã tìm thấy trong Tin Mừng con đường thơ ấu thiêng liêng, hoàn toàn tín thác nơi Chúa, trở nên bé nhỏ trong vòng tay của Chúa, chứ không tìm cách trở nên “cao trọng”.
Dám “quay trở lại” khi thấy mình đang tự cao, tự mãn về khả năng, về công trạng của mình, thì ta sẽ nhận ra rằng tất cả đến từ Chúa, tất cả đều là hồng ân. Nhờ đó, ta trở nên khiêm nhường trước Chúa và trước người khác, ta trở nên như trẻ nhỏ: phó thác, tin tưởng, và luôn mở lòng đón nhận.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội CSsR.