Cuốn phim “Cuộc Thương Khó Của Chúa Kitô” của đạo diễn Mel Gibson đã được công chiếu trên khắp thế giới từ nhiều năm trước. Cuốn phim đã ghi vào lịch sử điện ảnh là phim đắt khách nhất và đạt doanh thu kỷ lục, chỉ vì cuốn phim đã gây tranh cãi về tính cách “bài Do Thái”.
Chính nhà đạo diễn Mel Gibson đã khẳng định rằng: “Bộ phim của tôi nói về đức tin, đức cậy, đức mến và sự tha thứ. Đó là nội dung sứ điệp của bộ phim. Tôi không có tinh thần bài Do Thái, tinh thần bài Do Thái không phải là tinh thần Kitô, mà là một tội lỗi”.
Trả lời cho câu hỏi: “Ai đã giết chết Chúa Giêsu?”, Mel Gibson nói: “Câu trả lời chính là tất cả chúng ta đã giết chết Chúa Giêsu. Tôi là kẻ đầu tiên có phần trách nhiệm trong cái chết của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chịu đánh đòn “vì những tội lỗi của chúng ta”. Ngài chịu thương tích vì những lỗi phạm của chúng ta, nhưng những vết thương của Ngài đã chữa lành chúng ta”.
Đó là sứ điệp chính của bộ phim. Bộ phim không nhằm quy trách nhiệm cho ai là kẻ đã giết chết Chúa Giêsu.
Nhà đạo diễn nhìn nhận rằng bộ phim của ông có những cảnh “quá bạo lực” và ông giải thích rằng ông có ý làm như vậy để nhằm gây phản ứng nơi khán thính giả, nhằm giúp họ hiểu được tầm mức hy sinh cao cả của Chúa Giêsu. “Tôi muốn làm cho khán thính giả hiểu được rằng có một người đã chịu đựng được những hành hạ đến mức tận cùng như thế, mà vẫn còn có thể yêu thương và tha thứ. Tôi hy vọng bộ phim sẽ cổ võ suy tư, làm cho khán thính giả trở về với nội tâm, suy nghĩ về chính bản thân mình”.
Thưa anh chị em,
Khi cử hành cuộc tưởng niệm Chúa Giêsu bị trên trên Thập giá, Giáo hội không chỉ nhắc nhớ đến một biến cố lịch sử đã xảy ra hơn 2000 năm nay, nhưng còn nhắc nhở đến trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta về cái chết của Chúa Giêsu.
Thật vậy, dưới cái nhìn lịch sử, chúng ta lên án một Giuđa đã phản nộp Thầy, một Philatô nhát đảm, vì sợ mất chức quyền mà vội vàng kết án tử hình cho Chúa, một Phêrô hèn yếu đã chối bỏ Thầy, một đám đông vô ơn bạc nghĩa đã hò hét đòi đóng đinh Chúa, dầu biết rằng Chúa chẳng có tội gì để phải chịu một cái án quái gở đó…
Thế nhưng, cái chết của Chúa không chỉ là một biến cố lịch sử, nhưng đó còn là một Mầu nhiệm Cứu Độ, trải dài hết từ thế hệ này đến thế hệ khác. Và nó mang một chiều kích phổ quát, có giá trị cứu rỗi cho hết mọi người tin vào Danh Chúa Kitô. Do đó, nó được hiện tại hoá trong mọi thời gian. Và vì thế cái chết trên Thập giá của Chúa Kitô có trách nhiệm của chúng ta.
Chúng ta đã tuyên xưng rằng: “Ngài đã chịu vì chúng ta và để cứu chuộc chúng ta”, nghĩa là vì tội lỗi của chúng ta mà Ngài phải chịu treo lên. Tội lỗi của chúng ta chính là những tiếng reo hò đòi đóng đinh, là những sự xỉ vả, là lời phản bội, là lời tuyên án Chúa.
Do đó, khi tưởng niệm cái chết của Chúa hôm nay, Giáo hội cũng thiết tha kêu gọi các tín hữu hãy đấm ngực ăn năn, nhận phần trách nhiệm của mình, để rồi, như một Phêrô “ra ngoài ăn năn khóc lóc” có nghĩa là chúng ta phải tháo gỡ cái án tử hình của Chúa, bằng cách thay đổi nếp sống cũ, trở về với Chúa. Xa tránh những lối sống thấp hèn, trở về lối sống con cái của Chúa, và thân thưa với Chúa như anh trộm sám hối bên Thập giá của Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, khi vào Nước Chúa, xin nhớ đến con.” Amen.
Lm. Giuse Phạm Quang Minh, SDB