Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này. Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”
Suy niệm
Thánh Máccô ghi lại, vào ngày thứ nhất trong tuần, các tông đồ còn đang « buồn bã khóc lóc », chắc chắn do nỗi đau đớn, thất vọng ê chề khi chứng kiến Thầy mình chết treo trên thập giá.
Trong lúc họ đang đau buồn như vậy, thì Maria Mácđala đến cho họ biết rằng Thầy đang sống và chính bà đã thấy Ngài. Nhưng « các ông không tin ». Rồi hai môn đệ trên đường về quê, đã được gặp Chúa, cũng trở lại loan báo rằng Thầy đang sống, nhưng các ông « cũng không tin hai người này ».
Điều gì khiến các ông không chịu tin như thế ? Cứ cho rằng Maria Mácđala là một phụ nữ, lời của bà không đáng tin theo quan niệm thời đó. Nhưng còn lời chứng của hai môn đệ kia. Quãng đường xa và đêm tối cũng không ngăn được bước chân các ông trở lại Giêrusalem, bởi vì các ông đã gặp Thầy. Thế mà Nhóm Mười Một cũng vẫn không tin.
Phải chăng các ông quá đau buồn, nên không còn nhớ được rằng Thầy mình đã tiên báo nhiều lần là sẽ sống lại sau ba ngày ? Các ông quá buồn phiền đến độ lòng trí bị đóng lại không còn nghe và nhận ra được Tin Mừng Phục Sinh nơi vẻ mặt, nơi giọng nói của bà Maria Mácđala và hai môn đệ kia ? Khi hiện ra với các ông vào đúng bữa ăn, Đức Giêsu đã khiển trách các ông «không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy ».
Kinh nghiệm của các tông đồ cũng là kinh nghiệm của mỗi chúng ta. Khi chịu những đau khổ quá lớn, ta hay khép lòng lại, chỉ còn biết « buồn bã và khóc lóc ». Thất vọng và bi quan đè nặng trên ta. Ta không còn thấy, còn nghe được những gì là vui, là phấn khởi, là đáng sống…
Giêsu đã chịu đau khổ, chịu chết, nhưng đã sống lại. Giêsu không muốn ta cứ ở trong « buồn bã và khóc lóc ». Giêsu muốn ta mở đôi tai, mở đôi mắt. Bởi Giêsu vẫn đang nói với ta qua Lời mà ta nghe hằng ngày, vẫn đến với ta qua Thánh Thể, qua anh chị em mà ta gặp gỡ. Sức mạnh của Đấng Phục Sinh luôn có sức làm thay đổi đời ta và không có nỗi đau nào có thể đè bẹp ta xuống được.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội CSsR.