Các báo cáo về năm người Kitô hữu bị bắt vì các cáo buộc liên quan đến đức tin ở Nepal trong tuần này đã gây ra mối quan tâm quốc tế và kêu gọi đất nước này thay đổi Luật chống đổi đạo nghiêm ngặt.
Bà Temina Arora, cố vấn cao cấp của ADF International, Nam Á, cho biết: “không ai phải bị bức hại vì đức tin của họ. Những người bị bắt chỉ đơn giản là giúp đỡ theo nhu cầu của cộng đồng Kitô giáo ở Nepal. Quyền của họ được bảo đảm vững chắc theo luật pháp quốc tế.” ADF International là một tổ chức vận động pháp lý dựa trên đức tin, bảo vệ các quyền tự do cơ bản và thúc đẩy phẩm giá vốn có của tất cả mọi người.
Arora cho biết các vụ bắt giữ trong tuần này không phải là một sự kiện hiếm có.
Bà cảnh báo : “Các Luật chống đổi đạo ở Nepal và hiến pháp hạn chế đã thường xuyên khiến các Kitô hữu và thành viên của các nhóm thiểu số tôn giáo khác bị bắt bớ, buộc tội hình sự và vi phạm các quyền cơ bản của họ.”
Theo báo cáo của ADF International, cảnh sát đã đột nhập một khách sạn ở Ghorahi, Nepal vào sáng sớm thứ Ba. Họ đã bắt giữ năm người đang chuẩn bị tham dự một hội thảo Kitô giáo, với việc buộc tội họ đang cố tình gây ra việc cải đạo.
Những người bị bắt là Mục sư Dilliram Paudel, – Tổng thư ký Hiệp hội Kitô giáo Nepal, bà Leanna Cinquanta – công dân Hoa Kỳ, Gaurav Shrivastava – công dân Ấn Độ, Kunsang Tamang và Pramid Kafle – công dân Nepal.
Cũng theo ADF International đưa tin, bà Cinquanta sau đó đã bị trục xuất khỏi Nepal.
International Christian Concern, một nhóm giám sát nhân quyền của Kitô hữu toàn cầu và các nhóm tôn giáo thiểu số khác, cho biết những người khác bị bắt đang phải đối mặt với cáo buộc hình sự vì đã cố gắng cải đạo.
Hiến pháp Nepal năm 2015 cấm chuyển đổi tôn giáo. Một bộ luật hình sự mới sau đó được đưa ra cho phép phạt tù tối đa năm năm vì cải đạo, hoặc nhập đạo, vì được coi là một cách phá hoại và gây nguy hiểm cho các đức tin khác.
ADF International cho biết sự thay đổi trong bộ luật hình sự đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong cuộc đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số, bao gồm các Kitô hữu ở nước này.
Paul Coleman, Giám đốc Điều hành của ADF International cho biết: “Ngày càng thấy các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số khác phải đối mặt với sự đàn áp và từ chối các quyền cơ bản của họ ở Nepal. Tất cả mọi người đều có quyền tự do lựa chọn và sống đức tin của mình. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Nepal phải bảo vệ quyền này và làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số và thúc đẩy tự do tôn giáo.”
William Stark, Quản lý Miền của International Christian Concern cho biết: “Những vụ bắt giữ và có thể bị trục xuất này thực sự liên quan đến Kitô hữu tại Nepal và sự tự do tôn giáo ở Nepal trong tương lai. Luật cấm đổi đạo tại Nepal phải được bãi bỏ, nếu quyền tự do tôn giáo thực sự là quyền được hưởng bởi công dân của đất nước này.”
(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết đăng trên CNA)