Hôm nay người ta xây cầu để nối liền giao thông và tình liên đới giữa người với người. Nhưng hình như quá ít so với những bức tường. Tôi hiểu có nhiều lý do mà hầu như điều nào cũng xem ra có lý. Xây tường để ngăn trộm cướp; phòng thủ không muốn ai bước vào thế giới của riêng mình; bảo vệ quyền lợi và tài sản thuộc về những gì của mình. Cả hai “cầu nối” và “bức tường” như hai trận tuyến đối đầu với nhau.
Hôm nay, tôi nhớ lại tâm tình của mình những ngày lên núi tĩnh tâm. Muốn thinh lặng, muốn dành giờ để toàn tâm ý cầu nguyện. Nhưng lại không thể làm ngơ khi có người chị em cần giúp đỡ. Một ngày bốn bận, sáng, trưa, sau buổi ăn trưa và tối làm tài xế chở lên xuống. Tôi bị chia trí vì không thể sắp xếp thời gian trong tuần lễ tĩnh tâm như lòng mong muốn. Không giúp thì lòng chẳng bình an. Mà nhận thì lòng lại nơm nớp lo ra vì sợ lái xe xuống dốc vào ban đêm và thời gian bị hạn chế. Cả hai thái độ khi ấy cũng giống như chiếc cầu và bức tường. Đằng nào cũng đúng mà đằng nào cũng có dằn vặt.
Tạ ơn Chúa đã gởi vị linh hướng đến kịp thời. Ngài không giúp khóa lần đó, nhưng đột nhiên không nằm trong chương trình, ngài đến để giải tội cho anh chị em. Dĩ nhiên, sự xuất hiện của ngài là cánh cửa mở ra những nút thắt đang cột chặt nội tâm của tôi khi ấy. Sau đó tôi nhờ một người anh trong nhóm giúp chia sẻ phần việc. Tôi chở hai bận ban ngày. Anh ta giúp chị ấy lên xuống hai bận ban chiều. Vậy là tôi có thể chú tâm cho những ngày thao luyện bên Anh Cả Giêsu còn lại trong khoá.
Cuộc sống là vậy, không có gì hoàn hảo. Luôn có lằn ranh của màu xám ở giữa. Đứng về một khía cạnh nào đó, tôi tạ ơn Chúa vì vẫn còn tia hy vọng phía sau “cánh cửa”. Ba năm trước, khi đến Đất Thánh, tôi từng thao thức:
– Ước gì các giáo sĩ Chính Thống giáo đừng quá khắt khe. Mở hé cửa phía bên kia để chúng tôi có thể nhẹ nhàng bước xuống chầu chực bên hang đá nơi Chúa sanh ra. Đâu có ảnh hưởng gì đến quyền lợi hay ồn ào giờ dâng lễ của họ.
Ba năm sau quay lại, chúng tôi vẫn ngồi thinh lặng bên ngoài cánh cửa đóng chặt.
CHỜ! Chờ cho đến khi đến giờ của người công giáo thì mới được vào.
Chúa ơi, có lẽ Người buồn lắm. Đứa nào cũng là con. Đứa nào cũng thương Chúa. Đứa nào cũng muốn được phủ phục bên Cha để thờ lạy và tạ ơn. Nhưng những phân tranh. Những sợ hãi bị mất đi quyền lợi và tài sản thuộc về mình, mà chúng con, những người anh em lý ra nên yêu thương nhau, lại đóng sầm cửa lại. Nhiều lúc thấy ngao ngán nhưng thật: “Thiên Chúa, Cha yêu dấu đã trở thành tài sản thuộc về quyền sở hữu của chúng con. Giờ nào chúng con ngồi ăn đồng bàn với Cha. Khi nào chúng con phủ phục thờ lạy Cha… tất cả không do Cha quyết định, mà là chúng con. Cha không còn là chủ nhà nữa. Cha bị trở thành tài sản để con cái giành giựt. Chỉ vì yêu Cha và muốn có Cha, chúng con làm tổn thương nhau.”
Ngồi trước cánh cửa đóng chặt hôm nay tại Bethlehem, con tự hỏi: “Mình là đứa con nào đây?” Con nghĩ đến những cãi vã, bất hòa trong gia đình, với anh chị em. Những âm thầm tranh đấu để được việc của mình; Những rò rỉ của bè phái, thậm chí sự len lỏi của chức tước trong phục vụ nơi các giáo xứ, giáo phận. Con trách ai chứ. Lý lẽ đơn giản nhất và có thể làm được là: “Hãy tự thay đổi chính mình trước.”
Cha yếu dấu, tuy chẳng thể hiểu thấu lòng Cha. Nhưng con cũng là mẹ, cũng có con. Con hiểu lòng của người làm cha mẹ mong mỏi được nhìn thấy các con quây quần bên nhau, cười cười nói nói trong tình yêu thương nhau. Con tin Cha càng mong mỏi điều này hơn tất cả.
*
Ngày cuối trong chuyến hành hương, cha linh hướng NTT đưa chúng tôi đến viếng giếng Giacop (dĩ nhiên là cha đã phải để ý rất cặn kẽ, biết an toàn nên đưa chúng tôi đến). Nơi đây không thuộc về Công giáo. Vị linh mục Chính Thống giáo ở đó canh giữ tài sản quý báu của tổ tiên già lắm. Nghe nói ông bị thủ tiêu cả mười mấy lần. Ông biết là trước sau gì mình cũng sẽ mất mạng. Nhưng dù thế nào, ông vẫn kiên trì bảo vệ di sản của tổ phụ Giacop để lại.
Có một câu nói của cha linh hướng khiến tôi suy tư không ít:
– Nơi đây nguy hiểm, ít người muốn đến. Sự có mặt của chúng ta cũng nói lên phần nào sự quan tâm và ủi an nâng đỡ vị linh mục già Chính Thống giáo này “.
Có điều gì đó như khuấy động trong tôi một khao khát hòa bình, hữu nghị giữa các liên tôn Kitô giáo. Tôi ngu ngốc, không dám đoán ý cha già linh hướng. Nhưng tin nếu trong tôi đã có thể lóe lên ước ao đó, thì chắc chắn ngài còn khao khát nhiều gấp bội phần.
*
Giây phút này, xin dâng lên Chúa các bậc lãnh đạo các tôn giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô, các hàng giáo sĩ, giám mục, linh mục, các vị trong ban mục vụ các cộng đoàn, và cả chúng con những người làm cha mẹ. Nếu mỗi người có thể nhường một bước trong hòa bình và sự công bình. Cùng ngồi lại với nhau để tôn vinh Cha và sống trong tình liên đới thì thế giới này sẽ đẹp biết bao. Ước gì một ngày nào đó, tất cả chúng con không phải khổ sở ngồi thiểu não bên ngoài cánh cửa, CHỜ như hôm nay nữa.
Con tin điều đó sẽ đến. Con đã từng được một vị giáo sĩ Chính Thống giáo khều tay bảo ngồi lại khi con đứng lên vì cho rằng đã đến giờ người Công giáo không được vào bên trong mộ Chúa nữa. Giữa hàng vạn những phân tranh, cố chấp, con biết sâu trong lòng của mỗi người, đều ao ước là anh em, sẽ có ngày được đồng bàn và cùng thờ lạy và sống trong tình yêu của Cha.
Mẹ Maria ơi, xin giúp chúng con nhé. Xin mang Chúa Giêsu đến và sống giữa chúng con.
Hèn Mọn
Kỳ niệm Hành hương Đất Thánh, tháng 6/2019