Vương cung thánh đường St. Bartholomew được dâng hiến cho các vị tử đạo của thế kỷ 20

Nên giúp các đôi vợ chồng trẻ có kiến thức về Giáo lý Hôn nhân…
Đừng tránh né những vết thương của Giáo hội…
Tổng Thống Trump đã có một buổi điện đàm với các nhà lãnh đạo Công giáo về vấn đề giáo dục

Vương cung Thánh đường Bartholomew trên đảo Tiber, Roma

Vương cung Thánh đường thánh Bartholomew, nằm trên một hòn đảo ở sông Tiber của Rôma, đã được hiến dâng cho các vị tử đạo Kitô giáo của thế kỷ 20, một thế kỷ đẫm máu nhất trong lịch sử của Giáo hội Công giáo.
Hai bên nhà thờ có đặt  các thánh tích của các Kitô hữu tử đạo dưới thời Chủ nghĩa Cộng sản và Đức Quốc xã. Bàn thờ chính của Vương cung Thánh đường thánh Bartholomew trên đảo Tiber kết nối truyền thống của các vị tử đạo tông đồ của Rôma tới những cuộc đàn áp các Kitô hữu thời nay.
Nhà thờ được Hoàng đế Otto III, nước Đức, ủy nhiệm lần đầu tiên vào năm 998 để nhận hài cốt của Thánh Bartholomew, người đã sống sót vì đức tin của mình, và Thánh Adalbert, Giám mục của Prague, người đã bị tử đạo vào năm 997 trong khi truyền giáo tại Ba Lan.
Ngày nay, nhà thờ lưu giữ thánh tích của các tông đồ và các nhà truyền giáo thời trung cổ cùng với thánh Maximilian Kolbe, tử đạo ở Auschwitz, và nữ tu Leonella Sgorbati, một y tá truyền giáo ở Somalia trong đỉnh điểm của cuộc nội chiến. Câu nói cuối cùng của vị nữ tu  khi bị sát hại năm 2006 là: “Tôi tha thứ cho họ, tôi tha thứ, tôi tha thứ.”
Linh mục Angelo Romano, Chánh xứ thánh. Bartholomew trên đảo Tiber, nói với CNA rằng vương cung thánh đường đã nhận được hơn 120 thánh tích từ các cộng đồng Kitô giáo bị đàn áp trong thời hiện đại từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều vật thể là các thánh tích hạng hai, là một vật phẩm, hoặc phần của một vật phẩm, mà một vị thánh đã sở hữu.
Vương cung Thánh đường hiện đang xây dựng một bảo tàng hầm để trưng bày toàn bộ bộ sưu tập, vì các nhà nguyện bên cạnh nhà thờ, nơi lưu giữ ký ức của các vị tử đạo gần đây từ Trung Đông, châu Phi, châu Á, châu Mỹ và châu Âu, đã không còn chỗ cho tất cả.
Linh mục Romano chia sẻ: “Những câu chuyện về các vị tử đạo thật hấp dẫn. Mọi người muốn biết về các ngài vì họ rất gần gũi với Chúa Giêsu, và khi bạn gần gũi với Chúa Giêsu, mọi người yêu mến bạn. Những vị tử đạo đã tha thứ cho những kẻ hành hạ mình, giống như Chúa Giêsu trên thập giá. Đây là sức mạnh của tình yêu.”
Linh mục Romano nói rằng ngài bị đánh động hàng ngày bởi ký ức về các vị tử đạo được bảo tồn trong vương cung thánh đường. Ngài chia sẻ: “Những vị tử đạo đang đặt câu hỏi cho chúng ta về mức độ liên kết, mức độ cương quyết, và mức độ tâm linh của chúng ta. Đây là một thử thách khá khó khăn vì trước hết tôi biết một trong số họ.”
Linh mục Romano là bạn của Chân phước Giuseppe Puglisi, một linh mục ở  giáo xứ Palermo, Ý, người đã bị sát hại vì đã lên tiếng chống lại băng đảng mafia năm 1993. Ngài nói : “Việc phong chân phước cho linh mục Puglisi là một bước ngoặt ở Sicily, đối với toàn xã hội.”
Gần đây, Vương cung Thánh đường đã nhận sở hữu quyển kinh nguyện của linh mục Jacques Hamel, người đã bị giết bởi những kẻ khủng bố ISIS ở Pháp trong khi đang cử hành Thánh lễ.
Vào ngày 15 tháng 7 năm 2019, Đại sứ quán Anh tại Tòa Thánh đã tổ chức buổi tọa đàm nhìn lại cuộc đàn áp Kitô giáo toàn cầu của chính phủ Anh, tại Vương cung Thánh đường này.
Tại sự kiện này, Đức Hồng y Louis Sako của Giáo hội Công giáo Chaldean và đại diện của Pakistan và Nigeria, nói về cuộc đàn áp mà cộng đồng của họ phải chịu đựng trong những năm gần đây.
Linh mục Romano chia sẻ: “Như Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói, tự do tôn giáo là tự do cơ bản. Không có nó, không có tự do nào cả. Nếu bạn từ chối tự do tôn giáo, bạn sẽ từ chối tất cả các quyền tự do khác.”
Linh mục Romano cho biết: “Câu chuyện về sự dâng hiến của nhà thờ chánh tòa cho các vị “tử đạo mới” bắt đầu với Thánh Giáo hoàng Gioan Phalô II”. Ngài nói : “Thánh Gioan Phaolô II là bạn của nhiều vị tử đạo … Ngài đã sống qua cuộc đàn áp Chiến tranh thế giới thứ hai bởi chế độ Đức quốc xã và sau đó là cuộc đàn áp của đảng Cộng sản.”
Năm 1998, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập Ủy ban các Thánh Tử đạo Mới của Năm Thánh, “trao cho họ nhiệm vụ không chỉ ghi chép về các vị tử đạo Công giáo, mà còn của anh em Tin Lành và Chính Thống giáo. Ngài nói rằng trong máu của các vị tử đạo, Giáo hội đã được hiệp nhất . Sự đổ máu tử đạo đã là viễn kiến về tính đại kết.”
Vương cung Thánh đường thánh Bartholomew trên đảo Tiber hiện nay vẫn tiếp tục nhắm đến sự đại kết,  bằng cách vinh danh các vị tử đạo Anh giáo của đảo Solomon, một việc làm trong tình huynh đệ để hòa giải giữa các nhóm sắc tộc đã bị giết năm 1992-1993, và linh mục Alexander Man, linh mục Chính thống Nga bị ám sát tại Moscow năm 1990.
Một biểu tượng lớn trên bàn thờ của các vị “Tử đạo Mới và Nhân chứng cho Đức tin của thế kỷ 20 và 21,” đã được một vị giáo chủ chính thống và một Đức Hồng y của Rôma ban phép lành.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã trao cho Vương cung Thánh đường một con chim nhỏ bằng gỗ từ Nhà thờ Chính thống của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa ở Syria, một nhà thờ bị đốt cháy trong vụ đánh bom Aleppo trong cuộc nội chiến ở Syria. Con chim được đưa trở lại Rôma với các việc nhân đạo của Cộng đồng Công giáo St. Egidio, một phong trào giáo dân dành riêng cho các công việc từ thiện, nhóm đã được giao phó trong việc chăm sóc tinh thần của Vương cung Thánh đường Bartholomew.
Đức Thánh Cha Benedict XVI,  trong một chuyến viếng thăm Vương cung Thánh đường Bartholomew vào năm 2006, đã chia sẻ: “Khi các Kitô hữu thực sự là men, ánh sáng và muối ở thế gian, họ giống như Chúa Giêsu, bị bắt bớ; Giống như Ngài, họ là ‘dấu hiệu của sự cải chính.”

(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết của Courtney Grogan đăng trên CNA)