Nói về sự ly giáo trong Giáo hội bây giờ là, “hỗn tạp”, ông Ross Douthat đã viết như vậy trong chuyên mục của tờ New York Times. Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày điều này trong thời gian dài trên chuyến bay trở về từ Madagascar. Nhưng đâu là mối nguy hiểm của việc ly giáo? Rất có khả năng từ Đức, nơi các giám mục công khai thách thức ĐTC, hơn là từ Hoa Kỳ.
Câu hỏi về khả năng đưa đến ly giáo đã được đặt ra trên các chuyến bay của ĐTC gần đây khi đi và về từ Châu Phi. Trên chuyến bay ra nước ngoài, ngài được tặng một cuốn sách cáo buộc một số người Mỹ đang âm mưu lật đổ Giáo hoàng, ĐTC nói rằng, “đó là một vinh dự khi người Mỹ tấn công tôi.”
Người phát ngôn của ĐTC là ông Matteo Bruni sau đó nhanh chóng nói rõ điều đó có nghĩa là ĐTC rất tôn trọng quan điểm của người Mỹ. Điều đó đã không được tán đồng với giới báo chí, vì vậy ĐTC Phanxicô đã được hỏi về điều đó trên chuyến bay về khi trở về, để đáp lại rằng ngài đã thú nhận rằng ngài không muốn xảy ra ly giáo, nhưng ngài không sợ điều đó.
ĐTC Phanxicô, cũng trên máy bay tới Mozambique, trả lời một câu hỏi về những lo ngại của Đức Hồng y Gerhard Müller, nguyên Bộ trưởng của Bộ Giáo lý Đức tin, nói: ngài có ý định tốt; ngài là người tốt. Đức Thánh Cha mến ngài. Nhưng ngài giống như một đứa trẻ.
Mặc dù được các hãng thông tấn Công giáo Đức và Áo đưa tin, Văn phòng Báo chí Tòa thánh không bình luận về đặc điểm đáng kinh ngạc của nhà thần học tài ba này.
Hai ý kiến cùng đưa ra lời xem xét về nơi nguy hiểm ly giáo, nếu nó tồn tại, nằm tại đâu.
Một người Mỹ dẫn đầu cho việc ly giáo dường như quá xa vời đến mức không thể xảy ra.
Không có một Gám mục Hoa Kỳ nào đã nói hoặc làm bất cứ điều gì có thể hướng tới bất cứ điều gì có ý tưởng ly giáo. Có những ý kiến của các nhóm Công giáo Hoa Kỳ chỉ trích – thậm chí là không thân thiện – đối với ĐTC Phanxicô là đúng, nhưng cuộc trò chuyện trên mạng không phải là một việc tạo ra ly giáo.
Trong bất cứ trường hợp nào, kể từ Công Đồng Vatican II, đã có toàn bộ các quốc gia nơi cơ sở thần học – giáo sư đại học và các nhà đào tạo chủng sinh, không phải nhà báo internet – đã công khai bất đồng quan điểm với sự giảng dạy giáo lý Công giáo nhưng vẫn không đưa đến kết quả ly giáo.
Ngay cả những lời chỉ trích trực tiếp về giáo huấn hay quyết định của ĐTC cũng không tạo một sự ly giáo. Nó có thể làm xói mòn lòng tin và thiện chí huynh đệ, nhưng không phá vỡ sự hiệp thông. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, về mặt các giám mục quốc gia, người Mỹ hầu như không phải là nhà lãnh đạo trong việc đưa ra lời chỉ trích về giáo hoàng này.
Các giám mục Ba Lan đã công khai đưa ra một cách giải thích về sự hô hào tông đồ của ĐTC Phanxicô Amoris Laetitia (Niềm vui của tình yêu) mâu thuẫn với cách giải thích được ưa chuộng ở Rôma. Các giám mục Ukrain đã nói rõ ràng về sự “gây hấn” của Nga và cuộc “xâm lược” của người Ukrain, trong khi ĐTC muốn nói về cuộc “xung đột huynh đệ tương tàn,” mà không đổ lỗi cho ai, tìm cách không làm mất lòng người Nga. Các Giám mục Venezuela từ lâu đã tố cáo chế độ Maduro về những điều đã vượt xa những gì ngoại giao của Tòa Thánh đã sẵn sàng thừa nhận.
Mới gần đây trong tháng này tại Hồng Kông, các nhà lãnh đạo Công giáo đã đi đầu trong các cuộc biểu tình chống lại chế độ ở Bắc Kinh trong khi Tòa Thánh vẫn hoàn toàn im lặng. Khó có thể nghĩ đến bất kỳ vị giám mục nào đã chỉ trích trực tiếp bất kỳ quyết định nào của ĐTC Phanxicô hơn là Đức Hồng y Joseph Zen khi Tòa Thánh đã ký Hiệp ước 2018 với Trung Quốc.
Và không nơi nào mà người Công giáo bình thường chỉ trích ĐTC Phanxicô hơn ở Chile, nơi ĐTC bổ nhiệm Đức cha Juan Barros, chống lại lời khuyên của các Giám mục Chile, đã tạo ra một cuộc xung đột lạm dụng tình dục đã làm tan nát Giáo hội ở đó. Những nhà phê bình Chile đã bị ĐTC Phanxicô lên án kịch liệt cho đến khi ngài tự đảo ngược lại chính mình.
Vì vậy, nếu sự nguy hiểm của việc ly giáo được đo lường ngay cả bởi tiêu chí sai lệch của sự chỉ trích công khai, thì mối nguy hiểm không nằm ở Hoa Kỳ. Vì lý do đó, chính ĐTC đã thừa nhận trên chuyến bay khi trờ về rằng “những lời chỉ trích không chỉ đến từ người Mỹ – nó đến từ khắp nơi.”
Sự nguy hiểm của việc ly giáo, nếu xảy ra ở bất cứ đâu, thay vào đó, từ Đức, nơi có rất ít sự chỉ trích công khai. Tuy nhiên, Tòa giám mục Đức – không phải nhà báo và nhà bình luận – đã bất chấp những mong muốn rõ ràng của ĐTC, dẫn đầu do Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich, một trong những cố vấn gần nhất của ĐTC Phanxicô, một trong sáu thành viên của Hội đồng Hồng y và Chủ tịch Hội đồng Kinh tế của Vatican.
Các Giám mục người Đức đã đề xuất một hội nghị quốc gia “ràng buộc” liên quan đến các giám mục và hiệp hội giáo dân, sẽ nghiên cứu các câu hỏi như giáo sĩ kết hôn và đạo đức tình dục. Các giám mục Đức đã được ĐTC Phanxicô ban cho một số ưu tiên chính của họ – Rước lễ cho người ly dị và tái hôn, theo cách giải thích của họ về Amoris Laetitia và thẩm quyền toàn quốc về các bản dịch phụng vụ và thừa nhận Tin lành được rước lễ, hoặc ít nhất là từ chối bởi Rôma để tuyên bố các sáng kiến của họ vượt quá giới hạn.
Sự liên kết “quy trình thượng hội đồng” không có sự hỗ trợ nhất trí của các Giám mục Đức. Đức Hồng y Müller, một người, đã đưa ra những lời chỉ trích nghiêm túc của riêng ngài về đề nghị này, cũng như Đức Hồng y Rainer Woelki của Cologne và Đức cha Rudolf Voderholzer của Regensburg.
ĐTC Phanxicô đã viết một bức thư công khai cho các giám mục Đức vào tháng 6, yêu cầu họ sửa lại bản dự thảo Thượng Hội đồng được đề xuất để xem xét tốt hơn tác động của nó đối với sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ. Vào tháng 8, các Giám mục Đức đã bỏ phiếu 21-3 để tiếp tục như dự kiến ban đầu, là sự từ chối công khai của bất kỳ Hội đồng Giám mục ở bất cứ nơi nào trước yêu cầu trực tiếp của Đức Thánh Cha.
Vào ngày 4 tháng 9, Hội đồng Giám mục và Hội đồng Văn bản Lập pháp của Vatican đã gửi một phân tích chi tiết về các đề nghị của Thượng Hội đồng Đức cho các Giám mục Đức, kết luận rằng Thượng Hội đồng được đề xuất là không “hợp lệ của Giáo hội” và trái với giáo luật, ngoài việc trái với những chỉ dẫn của ĐTC trong bức thư tháng Sáu. Việc làm này không thể được, với sự phân tích như vậy đã gởi ra mà không có sự chấp thuận của ĐTC.
Đức Hồng Y Marx đã ghi chú và gạt bỏ những lo ngại của Vatican và cho là quá đáng trong một lá thư ngày 12 tháng 9, được phát hành cho báo chí và được đăng trên tờ Frankfurter Allgemeine vào ngày hôm sau.
Khác xa với mối đe dọa hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ, Đức Hồng Y Marx lập luận rằng toàn bộ Giáo hội sẽ được hưởng lợi từ một cuộc kiểm tra lại của Đức về các vấn đề giải quyết về giáo lý và kỷ luật. Thông điệp rất rõ ràng: Không phải Giáo hội ở Đức phải ở lại hiệp thông với ĐTC với tư cách là mục tử toàn cầu, mà là Giáo hội hoàn vũ phải duy trì sự hiệp thông với đa số các Giám mục Đức. Sự bất chấp của Rôma là quả quyết và có tính toán, có chủ ý và không công bằng.
Thượng Hội đồng sẽ tiến hành theo kế hoạch như đã dự tính, bất chấp sự phản đối của Vatican. Hiện tại, Đức Hồng Y Marx đang dành ba ngày với ĐTC trong cuộc họp của Hội đồng Hồng y.
Nếu có một sự ly giáo, ĐTC Phanxicô sẽ là người đầu tiên biết. Nhà lãnh đạo tiềm năng (về ly giáo) đang ngồi cùng bàn với ngài.
(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết của Linh mục Raymond J. de Souza)