Nhân dịp lễ của người Do thái, Ðức Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Hipri gọi là Bếtdatha. Hồ này có năm hành lang. Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó. Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Ðức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn trở nên lành mạnh không?” Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, tôi không có người đem tôi xuống hồ, khi nước khuấy lên. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” Ðức Giêsu bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng và đi!” Người ấy lập tức trở nên lành mạnh, vác chõng và bước đi. Hôm đó lại là ngày sabát. Người Do thái mới nói với kẻ được lành mạnh: “Hôm nay là ngày sabát, anh không được phép vác chõng!” Nhưng anh đáp: “Chính người đã làm tôi được lành mạnh đã nói với tôi: ‘Anh hãy vác chõng và đi!’” Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh: ‘Vác chõng và đi?’” Nhưng người đã được lành mạnh không biết là ai. Quả thế, Ðức Giêsu đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. Sau đó, Ðức Giêsu gặp người ấy trong Ðền Thờ và nói: “Này, anh đã trở nên lành mạnh. Ðừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” Anh ta đi nói với người Do thái: Ðức Giêsu là người đã làm anh được lành mạnh. Do đó, người Do thái chống đối Ðức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày sabát ».
Suy niệm
Trong số « nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt » trên hành lang bên cạnh hồ nước để mong được khỏi bệnh, thì dường như Đức Giêsu chỉ thấy một người. Hơn nữa, người bệnh này lại không xin Ngài chữa lành và cũng không biết Ngài là ai. Thế mà Đức Giêsu đã chủ động bắt chuyện và chữa lành cho anh khi nói : « Anh hãy trỗi dậy, vác chõng và đi ».
Ta có thể thắc mắc : tại sao Ngài không chữa hết mọi người đang đau khổ nằm đó, mà lại chỉ chữa cho một người thôi ? Ta không có câu trả lời chắc chắn.
Nhưng phải chăng Chúa biết anh đã đau bệnh quá lâu rồi : 38 năm ?
Phải chăng Chúa thấy anh không có người thân, bạn bè ở bên giúp đỡ khi cần ?
Phải chăng Chúa biết anh cũng đã tự thân cố gắng bao lần nhưng đều thất bại, vì đau yếu, nên luôn chậm chân hơn những người khác ?
Ta có quyền thắc mắc tại sao Chúa chữa lành cho người này, mà lại không chữa lành cho người kia. Tại sao Chúa ban ơn cho người này mà lại không ban ơn cho người kia. Nhưng ta cũng cần tin rằng, Chúa biết rõ ai đang đau khổ hơn ai.
Chúa biết rõ ai đang cô đơn, bị bỏ rơi một mình.
Chúa biết rõ ai đã phải chịu đau khổ rất lâu rồi.
Chúa biết rõ ai đã tự thân cố gắng bao phen mà vẫn thất bại…
Vì biết rõ hoàn cảnh của mỗi người, nên chính Ngài sẽ chủ động ban ơn.
Xin Chúa cho ta biết luôn tin tưởng cậy trông nơi Chúa và cũng biết rằng việc của ta là cầu xin, nhưng việc ban ơn cho ai và khi nào, thì đó là quyền của Chúa, vì Ngài biết rõ ta hơn cả chính ta biết mình.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội CSsR.