Chứng nhân – Tin Mừng ngày thứ Bảy tuần XVII Thường niên C – Mt 14,1-12

Đức tin – Tin Mừng ngày thứ Hai tuần VII Thường niên C – Mc 9,14-29
Hãy kiên nhẫn- Tin mừng ngày thứ Hai tuần IX Thường niên – Mc 12,1-12
Tin Mừng ngày thứ Ba : Lc 7,11-17 – lễ thánh Mônica
Khi ấy, tiểu vương Hê-rô-đê nghe danh tiếng Đức Giê-su, thì nói với những kẻ hầu cận rằng : “Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả ; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.” Số là vua Hê-rô-đê đã bắt ông Gio-an, xiềng ông lại, và tống ngục vì chuyện bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của nhà vua. Ông Gio-an có nói với vua : “Ngài không được phép lấy bà ấy.” Vua muốn giết ông Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hê-rô-đê, con gái bà Hê-rô-đi-a đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng : “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm.” Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giê-su.
 
Suy niệm
 
Khi “Hêrôđê nghe danh tiếng Đức Giêsu”, thì khảng định ngay rằng “đó chính là Gioan Tẩy Giả”. Có lẽ không phải tự nhiên mà Hêrôđê lại có một sự “nhầm lẫn” như thế. Chắc chắn hình ảnh, cách sống và nhất là uy thế trong lời nói của Gioan phải in sâu trong tâm trí Hêrôđê như thế nào, để rồi ông phải nghĩ rằng Gioan không chết. Cho dù ông đã cho chém đầu và người ta đã đặt đầu Gioan “trên mâm” mang ra trước bàn dân thiên hạ, thì bây giờ, đối với Hêrôđê, Gioan “đã từ cõi chết trỗi dậy” và “có quyền năng làm phép lạ”.
 Dĩ nhiên lời của Hêrôđê không phải là một “tuyên xưng đức tin” về Gioan, nhưng điều ông nói cho thấy rằng, một người ngay thẳng, dám tố cáo tội ác, không sợ quyền lực, không sợ chết, thì ngay cả kẻ thù của họ cũng phải thừa nhận những gì là cao cả, tốt đẹp nơi họ, và trong lương tri của kẻ ác luôn nghĩ rằng, người đó không bao giờ chết, mà nếu có chết vì chân lý, thì cũng sẽ sống lại.
Gioan đã hoàn thành ơn gọi của mình là “đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76b). Chắc hẳn Gioan và mỗi chúng ta đều không muốn bị ngồi tù, càng không muốn bị chém đầu. Nhưng là kitô hữu, ta cần thi hành mệnh lệnh của Chúa : “các con sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,27).
Làm chứng như Gioan, bằng chính lời nói, cách sống của mình.
Nói đúng sự thật, sống chân thành giữa những thành viên trong gia đình, giữa bạn bè, anh chị em với nhau. Làm vậy là ta đang dọn đường cho Chúa, tham gia vào việc chữa lành những căn bệnh dối trá, lừa lọc đang tràn lan mà đôi khi được che lấp bằng những lý lẽ và lời văn hoa mĩ. Căn bệnh này tuy không thấy rõ, nhưng gây hại vô cùng cho gia đình và cho xã hội. Căn bệnh thân xác cần chữa trị thế nào, thì căn bệnh “dối trá và lừa lọc” còn phải chữa trị hơn nữa.
Khi làm ăn ngay thật, suy nghĩ và nói năng chân thành, có thể ta sẽ bị xem là “ngốc”, là “dại”, là “ngu”, nhưng điều chắc chắn, người đối diện với ta, ngay cả kẻ thù của ta, cũng sẽ phải thừa nhận sự tốt đẹp nơi ta, lương tri của họ cũng sẽ lên tiếng như lương tri của Hêrôđê: những người sống theo sự thật, sẽ “từ cõi chết trỗi dậy”.
 
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội CSsR.