Khi ấy, Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra như thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Suy niệm
Lời kinh ta đọc hằng ngày « Kính mừng Maria, đầy ơn phúc, Đức Chúa trời ở cùng bà… » chính là lời sứ thần Gáprien đã nói với Đức Maria trong ngày truyền tin hôm nay. Theo lời sứ thần, Mẹ không chỉ « đầy ơn phúc », mà Mẹ còn luôn được Chúa « ở cùng ». Cũng theo lời sứ thần, Mẹ là người sống « đẹp lòng Thiên Chúa ».
Như thế, còn ai hạnh phúc và cao trọng như Mẹ. Thế mà khi thưa lại sứ thần, Mẹ chỉ nhận rằng mình là một tôi tớ khiêm hạ của Chúa : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” Chúng ta đang ở trong những ngày mừng Chúa Phục Sinh. Nhưng có thể nói mầu nhiệm phục sinh vĩ đại này bắt đầu từ lời thưa “xin vâng” âm thầm của Mẹ hôm nay. Nhờ lời « xin vâng » này mà con Chúa hình thành trong lòng Mẹ, để rồi được sinh ra, lớn lên và cũng thưa XIN VÂNG với Cha khi chịu chết để cứu chuộc nhân loại.
Chúng ta không biết trước khi sứ thần truyền tin, Mẹ đã sống thế nào để rồi Mẹ được xem là sống « đẹp lòng Chúa ». Nhưng qua lời thưa « xin vâng » của Mẹ hôm nay, ta hiểu « sống đẹp lòng Chúa » là thế nào : đó là chấp nhận theo ý Chúa, bỏ hoàn toàn những dự tính theo ý riêng.
Bỏ ý riêng và đón nhận ý Chúa thật không dễ. Mỗi ngày có rất nhiều điều không vừa ý xảy đến với ta. Ta hay than thở : tại sao tôi phải chịu thế này ? Tại sao gia đình tôi lại thế kia ? Tại sao chồng (vợ) của tôi, con cái của tôi lại thế này ?…Trong nhiều hoàn cảnh, ta không sao hiểu nổi ý Chúa.
Xin Mẹ giúp ta biết thưa lên Chúa lời « xin vâng ». Khi ta nói lời « xin vâng », thì cũng là lúc ta bắt chước Mẹ « sống đẹp lòng Chúa ».
Xưa kia Chúa đã ngỏ lời với Mẹ qua sứ thần Gáprien và cần lời thưa « xin vâng » của Mẹ, thì ngày nay, Chúa vẫn cần đến những lời « xin vâng » âm thầm của ta để cộng tác vào công trình cứu độ của Ngài.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội CsSR.