Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa. Người nói với ông rằng : “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc : vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
Suy niệm
Ta hay nghe nói : «có qua, có lại mới toại lòng nhau». Thói quen này cũng đã được nhóm Pharisêu áp dụng, họ chỉ quen mời những người có cùng địa vị xã hội, những người có thể mời lại họ và họ hy vọng sẽ được «đáp lễ».
Đức Giêsu không chấp nhận cách sống này. Trái lại, theo Ngài, muốn có phúc thì người ta cần mời những người «nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù», tức là những người cùng khổ, bị khinh miệt, bị bỏ rơi trong xã hội, và ngay cả bị xem là ô uế và không nên giao du với (Lv 21,17-21 ; 2 S 5,8).
Đức Giêsu không chấp nhận cách sống này. Trái lại, theo Ngài, muốn có phúc thì người ta cần mời những người «nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù», tức là những người cùng khổ, bị khinh miệt, bị bỏ rơi trong xã hội, và ngay cả bị xem là ô uế và không nên giao du với (Lv 21,17-21 ; 2 S 5,8).
Lý do Đức Giêsu đưa ra là : những người này «không có gì đáp lễ», nhưng chính Thiên Chúa sẽ thay họ mà «đáp lễ» ta « trong ngày các kẻ lành sống lại ».
Trong cuộc sống hằng ngày, ta thích nhận hơn thích cho, thích đón tiếp và giao lưu với người có tiền, có quyền hơn là với nguời đau yếu bệnh tật, nghèo, không tiền, không địa vị…
Cho đi mà không mong đáp lại ; cho đi mà không tính toán ; cho và giúp người nghèo khó hơn mình,… đó là lời mời gọi của Giêsu đối với mỗi người chúng ta hôm nay.
Khi ta làm như vậy, thì chính Chúa sẽ là « con nợ » của ta, và chính Ngài sẽ trả lại « cả vốn lẫn lời » cho ta vào ngày sau hết (Mt 6,4.6.18).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội CSsR.