Giáo hội Hoa Kỳ sẽ bị phá sản

Tiểu bang Maine: Khuyến khích “Pine Sunday” trong Chúa nhật lễ Lá
Các nhà hoạt động vì người khuyết tật phản đối các dự luật trợ tử là nguy hiểm, phân biệt đối xử
7 năm, 7 linh mục được phong chức: Giáo xứ St. Mary, Ohio có “bí quyết” gì?

Giáo hội Hoa Kỳ sẽ bị phá sản. Tại sao và có ý nghĩa thế nào? Đó là tiêu đề của một bài bình luận được tác giả JD Flynn đăng trên CNA vào tuần qua.

Sau một  đại dịch kinh hoàng về cuộc sống cộng đồng của Hoa Kỳ, các giáo xứ và giáo phận đang chuẩn bị trở lại một cuộc sống  bình thường theo tiêu chuẩn mới.
Thánh lễ đang được bắt đầu trởi lại, mặc dù phải giới hạn với số lượng nhỏ trong những trường hợp hạn chế. Các trường công giáo và đại học đang lên kế hoạch mở cửa trở lại vào mùa thu. Một điều đáng tiếc là ngay cả những rạn nứt và tranh luận thông thường giữa những người Công giáo, có phần im lặng trong những tháng gần đây, cũng đang bắt đầu được hồi sinh.
Nhưng trong khi một số các tác động đau thương của đại dịch sẽ định hướng Giáo hội trong những tháng tới, nền kinh tế toàn cầu sụp đổ sẽ có tác động lâu dài và mạnh hơn đối với các giáo xứ, và các mục vụ Công giáo khác.
Nói cách khác, trừ khi có một phép lạ để phục hồi kinh tế thì, Giáo hội, ít nhất là ở Hoa Kỳ hiện chưa thấy dấu hiệu đó.
Mặc dù có một số khó khăn trong những tuần đầu, nhiều giám mục Hoa Kỳ dường như đã tìm thấy sự cân bằng hợp lý giữa nhu cầu tinh thần của đàn chiên của họ và đòi hỏi chính đáng của các quan chức y tế công cộng.
Tuy nhiên, trong khi các giáo phận đang làm một số việc hợp lý, hoặc ít nhất là tốt hơn so với lúc bắt đầu lệnh giới nghiêm, một số ít đã tìm ra những cách hiệu quả để tiếp tục gây quỹ. Cuộc khủng hoảng tài chánh đã bắt đầu định hình lại và cuộc sống của Giáo hội sẽ như thế nào sau đại dịch.
Tài chánh của các giáo xứ được tài trợ chủ yếu bởi các thánh lễ hàng tuần, với một số đóng góp bổ sung cho chi phí hoạt động từ các khoản tài trợ từ các ngân sách đóng cho giáo phận hàng năm (giống như tiền tiết kiệm trong ngân hàng)  mà giáo xứ dự đoán mỗi năm. Các dự án đặc biệt như xây dựng, hoặc tân trang, thường được tài trợ bởi các tín hữu cam kết đóng góp, và được tài trợ thông qua các khoản vay.
Ngay cả trong lúc bình thường, người Công giáo thường không được biết đến là rộng tay đối với các quyên góp trong thánh lễ của giáo xứ hàng tuần: Theo Center for Applied Research in the Apostolate (Trung tâm Nghiên cứu Mục vụ Tông đồ) ước tính rằng các gia đình Công giáo đã ghi danh tại một giáo xứ đóng góp trung bình 10 đô-la mỗi tuần cho giáo xứ của mình. Theo hầu hết các ước tính, con số đó đã giảm dần kể từ vụ bê bối lạm dụng tình dục từ năm 2018, điều này đã gây ra cho tín hữu sự thất vọng đối với các giám mục.
Từ 10 đô-la đó, các giáo xứ trả lương cho các linh mục và nhân viên giáo xứ của họ, bao gồm chi phí bảo tiền hiểm và hưu trí, tài trợ cho giáo dục tôn giáo và các mục vụ khác, duy trì các tòa nhà cũ, và, nếu họ có trường học, phải trợ cấp cho trường học. Các giáo xứ cũng cung cấp một phần tiền thu hàng năm cho giáo phận, dưới hình thức thuế, mặc dù trong một số giáo phận, việc gây quỹ hàng năm cho giáo phận là một mục tiêu của giáo xứ, thay vì đóng góp trực tiếp.
Ở một số giáo xứ, chi phí cho giáo phận là một khoản chi lớn nhất mỗi tháng.
Trong những năm gần đây, các giáo xứ đã nỗ lực tăng cường việc đóng góp qua mạng (online giving), không phải vì đoán trước được đại dịch, nhưng vì thu nhập từ việc đóng góp qua mạng dễ dự đoán hơn so với tiền thu từ thánh lễ, và như vậy dễ đoán biết được để giúp sắp xếp ngân sách chi phí dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu cho thấy rằng việc đóng góp qua mạng chỉ chiếm một phần nhỏ thu nhập cho hầu hết các giáo xứ.
Nói tóm lại, ngay cả khi mọi người thực sự có thể đi lễ, tiền thu ở hầu hết các giáo xứ đều rất thiếu thốn.
Những đóng góp ít ỏi đó là lý do tại sao các nhân viên làm việc cho các giáo xứ trên khắp đất nước đã phải đối mặt với việc sa thải, hoặc làm ít giờ. Số nhân viên làm việc tại các giáo xứ ở Mỹ rất khác nhau. Năm 2015, gần 40,000 nhân viên  đã được tuyển dụng làm việc trong khoảng 17,000 giáo xứ Mỹ; như vậy trung bình  mỗi giáo xứ có hơn hai nhân viên, thường là điều hợp viên giáo dục tôn giáo,  hoặc mục vụ giới trẻ.
Để tránh việc phải sa thải nhân viên, một số giáo phận và giáo xứ đã nộp đơn xin và đã nhận viện trợ từ  liên bang, nhưng một số đã xin sau khi ngân sách tài trợ ban đầu đã hết tiền, và những giáo xứ khác vẫn chưa xin.
Trong mọi trường hợp, trợ cấp chi phí tiền lương của liên bang được dự định để chi trả cho việc giảm doanh thu ngắn hạn xuất phát từ việc ngừng hoạt động khẩn cấp của những tháng gần đây. Ngân quỹ này không được tạo ra để trang trải cho sự suy giảm dài hạn trong việc đóng góp mà có thể xảy ra do sự suy sụp kéo dài của nền kinh tế Mỹ. Và trong khi thị trường chứng khoán có chiều hướng không ảnh hưởng đến giáo xứ, nhưng tỷ lệ thất nghiệp thường được cho là có tác động đáng kể hơn trong việc đóng góp. Điều này có nghĩa là bên cạnh một con đường dài và khó khăn để phục hồi kinh tế cho đất nước, hầu hết các công việc của giáo xứ sẽ chậm trở lại, và một số sẽ không có khả năng quay trở lại.
Mặc dù tiền lương cho nhân viên là một trách nhiệm liên tục đối với hầu hết các giáo xứ, nhưng bảo trì nhà thờ, phòng ốc là những ngân sách phải chi phí ngày càng gia tăng, mà theo nhiều linh mục đã biết,  có thể nhanh chóng trở nên rất tốn kém.
Các giáo xứ thường phải chi phí những gì họ phải làm mục vụ trước mắt. Ngoại trừ trong các giáo phận, việc bảo trì phòng ốc thường xuyên được kiểm toán, hoặc khi các linh mục thật nhiệt tâm, việc bảo trì thường xuyên trên các trường ốc cũ thường bị trì hoãn hoặc bỏ bê. Rất ít giáo xứ nghĩ đến việc xuống cấp. Khi một cái gì đó đã hư hỏng thì việc chi phí rất cao. Và với các đóng góp suy giảm đáng kể trong năm nay, những gì ít bảo trì có thể đã đang được thực hiện sẽ có khả năng bị hoãn lại.
Khi hệ thống máy sưởi hư hỏng hoặc mái nhà bắt đầu bị dột, các giáo xứ sẽ nhờ đến giáo phận của họ để được giúp đỡ.
Thật vậy, nhiều giáo phận Hoa Kỳ đã bắt đầu tìm cách cung cấp các khoản trợ cấp tiền mặt khẩn cấp cho các giáo xứ có nhu cầu ngay lập tức. Nhu cầu đó bao gồm các trường hợp khẩn cấp, nhưng ở một số nơi, nó cũng bao gồm hỗ trợ tiền lương và trả nợ cho các khoản vay xây dựng bên ngoài. Những khoản trợ cấp tiền mặt này là một cú đòn đối với ngân sách dự trữ của giáo phận, mà ở nhiều nơi, bản thân ngân sách này cũng đã không đủ.
Trong khi đó, các giáo phận, giống như các giáo xứ, dự đoán việc giảm thu nhập đáng kể trong tam cá nguyệt hiện tại và trong năm tài chính (fiscal year) tiếp theo. Các giáo phận được tài trợ thông qua thuế hoặc đóng góp từ giáo xứ, đôi khi được liên kết với các buổi gây quỹ hàng năm, ngoài thu nhập từ danh mục đầu tư, nắm giữ bất động sản, và tài trợ hoặc đóng góp từ mạnh thường quân. Một số ngân sách không bị hạn chế (unrestricted cash), nhưng một số có thể chỉ được chi cho một số thứ nhất định. Một số giáo phận cũng thu phí từ giáo xứ đối với một số dịch vụ mà giáo xứ chia sẻ với giáo phận, cũng có thể một số giáo xứ khác không phải đóng khoản phí này.
Cũng giống như các giáo xứ, các giáo phận trên khắp nước đã bắt đầu tuyên bố sa thải và nghỉ tạm thời. Nhưng những biện pháp đó có thể không đủ. Một số giáo phận đã tuyên bố chấm dứt các tờ báo trong giáo phận của họ, giảm lương linh mục, hoặc bắt đầu chuyển một phần lớn chi phí bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên.
Nếu như dự báo, suy thoái kinh tế kéo dài thì giáo phận sẽ có các biện pháp khác. Các giáo phận có khả năng tạm dừng tất cả các dự án trùng tu, hoặc xây dựng mới, bán hết tài sản, đóng cửa các trung tâm mục vụ và ngưng trả các món nợ dài hạn, bao gồm chương trình trả tiền lương hưu trí cho các linh mục, đa số đã tự thiếu hụt từ lâu rồi. Một số trong những biện pháp đó chỉ đơn giản là chuyển các chi phí của hiện tại vào tương lai; đây chỉ là tạm thời nhưng cuối cùng  sẽ cần phải trả.
Nhiều giáo phận có các chương trình tiết kiệm và cho vay nhỏ, trong đó các giáo xứ có thể gửi tiền tiết kiệm và kiếm lãi, và tiền cho vay có thể được cho các giáo xứ khác vay để xây dựng hoặc trùng tu. Nếu các giáo xứ rút tiền tiết kiệm của họ, các giáo phận sẽ phải ngừng cho vay. Nếu họ tạm dừng các khoản vay, họ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc trả lãi tiền gửi và các giáo xứ sẽ ít có khả năng đưa tiền mới vào gửi tiết kiệm.
Chương trình hỗ trợ lẫn nhau của các khoản tiết kiệm, và cho vay phi lợi nhuận có thể sẽ cạn kiệt, và dự án của các giáo xứ trong tương lai sẽ cần phải vay từ ngân hàng, với lãi suất cao hơn nhiều, và theo các điều khoản khắc nghiệt hơn. Và như vậy là sẽ có ít những dự án được cho phép.
Các dự án của các giáo xứ lớn được điều phối ở cấp giáo phận, hầu hết, được tài trợ qua các mạnh thường quân của các nhà bảo trợ lớn. Những nhà bảo trợ đã mất một phần đáng kể tài sản của họ trong bối cảnh biến động thị trường chứng khoán. Việc mất đi sự tài trợ của mạnh thường quân sẽ ảnh hưởng đến quỹ học bổng của trường, chương trình đào tạo chủng sinh và giúp đỡ cho người nghèo, cùng với các chiến dịch để đáp ứng tiền lương hưu hoặc phải trả những món nợ của những thập kỷ trước.
Không phải tất cả các giáo phận sẽ bị ảnh hưởng như nhau, nhưng một số giáo phận đã bắt đầu tuyên bố sa thải nhân viên và đóng cửa và đó là dấu báo hiệu tình hình tài chính của họ.
Khi các giáo phận thấy tình hình ngày càng căng thẳng, nhiều giám mục sẽ trở nên gần như chắc chắn, không còn tinh thần để gửi tiền đến Hội đồng Giám mục tại Washington, DC.
Vào tháng 1, các Giám mục Hoa Kỳ đã chấp thuận tăng số tiền họ phải gửi cho Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB) – nhưng hầu như chưa có giáo phận nào gởi. Biện pháp này, tương tự như một biện pháp được thông qua vào năm 2017, hầu như chưa được 2/3 đóng góp vì lý do mà một số giới chức trong hội đồng cho rằng những suy giảm và khó khăn về tài chính là vì liên quan đến những vụ bê bối lạm dụng tình dục năm 2018.
Nhưng vào tháng 11 năm 2019, Đức Tổng Giám mục Charles Chaput đã đưa ra một sự phản đối khác về việc tăng tài trợ cho USCCB. Ngài nói : “Tôi không nghĩ rằng một số công việc của USCCB là cần thiết cho trách nhiệm của Tổng giáo phận Philadelphia.”
Với  thu nhập của giáo phận ngày càng giảm, Hội đồng Giám mục chắc chắn có thể sẽ thấy ngân sách không hạn chế suy giảm đáng kể, và  nhiều giám mục sẽ đặt câu hỏi về việc các văn phòng của USCCB có mang lại lợi ích, có ý nghĩa gì cho người giáo dân hay không.
Trong khi USCCB không đưa ra dấu hiệu nào về tình hình tài chính của mình, một số nhân viên làm việc cho Hội đồng Giám mục nói với CNA rằng họ đang nhìn thấy một đợt sa thải nhân viên sắp xảy ra.
Nói tóm lại, từ giáo xứ đến Hội đồng Giám mục, Giáo hội tại Hoa Kỳ sẽ chứng kiến ​​sự cắt giảm nhân viên đáng kể trong những tháng tới và một con đường thật dài để phục hồi. Việc duy trì tài sản sẽ trở nên khó khăn hơn đối với Giáo hội, và việc có đủ tiền trả nợ và các nhu cầu dài hạn khác cũng sẽ trở thành một thách thức lớn.
Suy thoái kinh tế dự báo có thể sẽ có nhiều vụ phá sản từ giáo phận, đóng cửa và bán tài sản giáo xứ, giáo phận, và  nhân viên  sẽ giảm bớt một cách đáng kể ở mọi cấp. Viễn cảnh tương lai của Giáo hội có ý nghĩa gì với những điều như vậy.
Không ai vui khi thấy các chuyên trách mục vụ mất đi  cuộc sống của họ, hoặc thấy gia đình của các nhân viên làm việc cho Giáo hội phải đối mặt với tương lai không chắc chắn. Không ai vui khi thấy các nhà thờ đã được thế hệ cha ông đóng góp rơi vào tình trạng hư hỏng, hoặc bị bán. Nhưng có thể một số ít sẽ vui mừng khi thấy các trung tâm tĩnh tâm, hoặc trường học bị đóng cửa.
Một số người có thể sẽ hỷ hoan trong việc sàng lọc tầng lớp quan liêu trong Giáo hội. Nhưng những người có kinh nghiệm hàng ngày của các chuyên gia mục vụ sẽ thừa nhận rằng, ngay cả khi chỉ trích khuynh hướng quan liêu,  những cá nhân làm việc trong các vị trí của Giáo hội thường làm như vậy vì mong muốn phục vụ Chúa Kitô và Dân Chúa, và họ làm như vậy sau khi đã đầu tư rất nhiều trong việc giáo dục kiến thức của họ cho công việc mục vụ.
Tuy nhiên, trừ một số thay đổi đáng kể trong tiên đoán, những điều đó dường như không thể tránh khỏi.
Họ sẽ đòi hỏi một cách sống mới trong đời sống của Giáo hội, hoặc lại phải quay lại những lối làm việc cũ.
Một giáo hội nghèo hơn ở Hoa Kỳ, thậm chí  đã sống và vượt qua sự nghèo đói, có thể thấy rằng điều đó đáp ứng được tinh thần nghèo khó mà Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn luôn hy vọng rằng “Giáo hội nghèo cho người nghèo”.
Một Giáo hội như vậy sẽ đòi hỏi nhiều người Công giáo phải chịu trách nhiệm cá nhân về sứ mạng của giáo xứ, giáo phận và cuối cùng là Tin Mừng.
Sự suy thoái cũng có thể làm thay đổi và ảnh hưởng của các đoàn thể trong giáo hội, mà các thành viên đoàn thể thường dành nhiều thời gian hơn nhiều so với những người Công giáo khác cho công việc truyền giáo, và thường có lòng nhiệt thành truyền giáo hơn. Đây cũng có thể là dịp để sự phát triển của các cộng đồng đức tin nhỏ trong các giáo xứ thân tình với nhau hơn, những người gặp gỡ thường xuyên trong các nhóm nhỏ, trong nhà, thay vì trong các sự kiện lớn của giáo xứ. Thậm chí có thể làm cho chính phụ huynh có cơ hội dạy giáo lý thường xuyên hơn cho con em ở nhà.
Tình trạng khó khăn cũng có thể tạo ra một cơ hội với tinh thần nhiệt huyết mới, cho việc truyền giáo, khi mọi người bị khủng hoảng bởi đại dịch và sự kéo dài của nó cho thấy mình đang tìm kiếm ý nghĩa gì đó. Việc truyền giáo đó có thể sẽ được thực hiện một cách tự nhiên, được cho là dễ dàng không tốn kém, thay vì các sáng kiến ​​chuyên môn được thúc đẩy bởi các kế hoạch mục vụ tốn kém và tốn thời gian.
Những điều này không có gì là mới mẻ, nhưng tất cả điều đó lại có vẻ như mới lạ trong những tháng tới. Liệu rằng các giám mục có khuyến khích chấp nhận một cách mới để nhìn thấy ơn gọi Kitô giáo, hay thay vào đó vẫn muốn quay trở lại “công việc như cũ” thì điều đó sẽ phải chờ xem sao.
Hoa Kỳ đang đối mặt với một thời gian mà chưa từng có trong lịch sử. Nhưng Giáo hội đã từng đương đầu với bao nhiêu tai ương, đại dịch và muôn vàn khó khăn trước đây.
Cơn đại dịch này, và nền kinh tế suy sụp, sẽ làm rối loạn những kinh nghiệm mà giáo xứ vẫn có đối với người Công giáo Hoa Kỳ trong những năm tháng sắp tới. Nhưng các giám mục có thể bắt đầu nhìn vào quá khứ của Giáo hội, để tìm một viễn cảnh hy vọng cho tương lai.

(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết của JD Flynn đăng trên CNA)