Chào Tạm Biệt Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli

Chào Tạm Biệt Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli

Chút tâm tình ngày đầu năm
Đất khô cằn
Kiếp nhân sinh còn lại gì?

Chiều 14/10/2017, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli rời Việt Nam, kết thúc nhiệm vụ Đại diện không thường trú của Đức Giáo hoàng giao. Xin chào tạm biệt vị Tổng Giám mục đã đồng hành với Giáo hội Công giáo Việt Nam trong suốt hơn sáu năm qua.

Nhớ lại, vào ngày 13/01/2011, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm Đại diện không thường trú của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam. Người tín hữu đón nhận tin này trong vui mừng xen lẫn lo lắng. Vui mừng vì sau hơn 35 năm, Tòa Thánh lại có sự liên lạc trực tiếp với các giám mục Việt Nam qua đại diện của Đức Giáo hoàng. Lo lắng vì đây là một sứ vụ chưa có tiền lệ. Nhưng qua việc bổ nhiệm này, thể hiện sự khéo léo và uyển chuyển trong ngoại giao của Tòa Thánh Vatican.

Thời kỳ đầu, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli chỉ có thể vào lãnh thổ Việt Nam làm việc khoảnghai tuần mỗi lần. Trong năm 2011, vị Đại diện Tòa Thánh đã có năm chuyến đi mục vụ, thăm được hết 26 giáo phận của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Ngài còn phải đảm đương nhiệm vụ Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore và Đông Timor, Khâm sứ Tòa Thánh tại Malaysia và Brunei. Từ ngày 18/6/2011 kiêm nhiệm Sứ thần Tòa Thánh tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đến ngày 16/1/2013, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm Tổng Giám mục Joseph Marino đảm đương Sứ thần Tòa Thánh tại Malaysia và Đông Timor, Khâm sứ Tòa Thánh tại Brunei. Việc này giúp Đức Tổng Girelli có nhiều thời giờ hơn cho mục vụ ở Việt Nam.

Bốn năm gần đây, vị Đại diện Tòa Thánh xuất hiện thường xuyên với các chương trình, sự kiện mục vụ trong Nam, ngoài Bắc. Ngài đã vào Việt Nam khoảng 70 lần để đi thăm, làm việc, dâng thánh lễ, gần gũi đoàn chiên. Khi Văn phòng Hội đồng Giám mục ở đường Trần Quốc Toản (quận 3 TP.Sài Gòn) xây dựng xong vào tháng 4 năm 2014 thì vị Đại diện Tòa Thánh mới có được văn phòng làm việc chính thức tại lầu 8, tầng cao nhất.

Sau hơn sáu năm ở Việt Nam, ngài đã quen với phong tục, tập quán nơi đây. Ngài hiểu được cách gọi “Đức Tổng” thân mật của tín hữu dành cho mục tử đáng kính. Ngài đã quen với chiếc nón lá truyền thống, được mặc áo dài khăn đóng, biết đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy hai bánh… Ngài nỗ lực làm quen với tiếng Việt. Trước các bài phát biểu, trong các huấn từ, vị Đại diện Tòa Thánh luôn bắt đầu bằng những câu “Anh chị em thân mến”, “Xin chào anh chị em”. hay kết thúc với “Xin Chúa chúc lành…”… bằng Việt ngữ.

Khỏi phải nói, giáo dân Việt Nam mến mộ và yêu quý vị Đại diện Tòa Thánh dường nào. Đi đến đâu, các thành phần dân Chúa đều biểu lộ tình cảm qua “vòng vây” quanh bốn phía để được hôn nhẫn và bắt tay Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli. Ngày 13/3/2013, có người đã gửi email sang văn phòng ở Singapore chúc mừng tuổi thọ 60 (1953-2013) của Đức Tổng người Ý… Linh mục thư ký Andrê Spegne cho biết: Khi lên thăm vùng cao nguyên, Đức Tổng Girelli đã được một vị giám mục cao niên đặt tên Việt là Hoàng Đức Linh. Và ngài cũng có vẻ vui thích về chuyện này.

Tại Việt Nam, vị Đại diện Tòa Thánh cũng có cuộc họp mặt liên tôn, gặp gỡ đại diện của Hội đồng Tinh thần Tôn giáo Baha’i Việt Nam, Phật giáo Hòa Hảo, Học viện Phật giáo Việt Nam, Hội Thánh Cơ Đốc Phục lâm, Hiệp hội Thông công Tin Lành Việt Nam, Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo, Thánh thất Cao Đài, Minh Lý Thánh Hội… Vào trang tra cứu Google trên internet, nếu gõ tên ngài, chỉ trong 0,56 giây, cho ra khoảng 114.000 kết quả, cũng đủ thấy khối lượng công việc Đức Tổng đã làm cho giáo hội, đất nước và con người Việt Nam.

Ngày 13/9/2017, Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm Sứ thần Tòa Thánh Vatican tại Israel, kiêm Khâm sứ Tòa Thánh tại Giêrusalem và Palestina. Vị Đại diện không thường trú của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam vẫn cố gắng đảm đương công việc cho đến ngày cuối: Chủ tế Thánh lễ cho cộng đồng Anh ngữ tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn lúc 9g30’ sáng Chúa nhật 8/10/2017. Tiễn đưa Đức cố Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang về nơi an nghỉ cuối cùng ở Thái Bình sáng 9/10/2017. Dự Hội nghị của Hội đồng Giám mục Việt Nam ở Thanh Hóa từ ngày 9/10 đến 13/10/2017. Đi trao quà cho giáo dân họ An Lộc (xứ Chính Tòa Thanh Hóa) bị ảnh hưởng mưa lũ chiều ngày 12/10/2017. Hiệp dâng thánh lễ tạ ơn mừng 85 năm thành lập giáo phận Thanh Hóa vào sáng 13/10/2017. Đồng tế thánh lễ phong chức cho Đức Giám mục tân cử Louis Nguyễn Anh Tuấn sáng 14/10/2017 tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Sài Gòn.

Ngài đi nhận nhiệm sở mới mà hình như vẫn còn một điều chưa thỏa lòng. Đó là ước muốn đến thăm mục vụ một vài giáo xứ nhỏ bé nhất, sau khi đã đến các xứ có đông giáo dân, có bề dày lịch sử lâu đời. Giáo xứ Phú Lộc ở Sài Gòn với hơn 630 tín hữu đã “đăng ký” với linh mục Andrê Spegne, nhưng chương trình mục vụ của Sứ thần Tòa Thánh dày đặc, đành chịu. Hy vọng những chuyến đi cùng Ban Caritas giáo phận Sài Gòn đến thăm các gia đình nghèo trong ngõ ngách bằng xe gắn máy hai bánh, cũng đủ để vị mục tử cảm nhận được sức sống muôn màu của Giáo hội Việt Nam. Việt Nam đã trở thành một phần không thể quên trong cuộc đời vị Sứ thần Tòa Thánh người Ý 64 tuổi này.

Khi chào tạm biệt các thành phần dân Chúa vào sáng Chúa nhật 8/10/2017, vị Đại diện Tòa Thánh đã cám ơn, bày tỏ tình cảm quý mến đặc biệt đối với Giáo hội tại Việt Nam và cho biết “sáu năm qua có rất nhiều bất ngờ đối với tôi… Dù chưa rời Việt Nam nhưng tôi đã nhớ Việt Nam.”… Sáng 14/10/2017, trong buổi gặp gỡ cuối cùng, trước khoảng 5.000 tín hữu, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli đã gởi lời chào từ biệt Giáo hội Việt Nam: “Xin cám ơn lòng yêu mến của các bạn dành cho tôi với tư cách là người đại diện Tòa Thánh và sâu xa hơn nữa điều này thể hiện tình yêu thương của anh chị em dành cho Đức Giáo hoàng. Tôi sẽ đến Israel, sẽ phải đi nhiều nơi tại thánh địa, nhưng anh chị em vẫn ở mãi trong lòng tôi.”…

Chiều ngày 14/10/2017, một chiếc máy bay rời sân bay Tân Sơn Nhất hướng về thánh địa Israel, chở theo một người bạn lớn của Việt Nam, được nhiều người lưu luyến tiễn đưa. Trong kế hoạch du lịch, hành hương đất thánh Israel, chắc nhiều cộng đoàn tín hữu Việt sắp tới sẽ thêm vào chương trình đến thăm và chụp ảnh lưu niệm tại văn phòng Tòa Sứ thần Tòa Thánh Vatican ở Tel Aviv, Israel.

VŨ ĐỖ HOÀNG TUẤN