Niềm tin…

Làm mới lại
Mẹ tôi
TREO LÊN CAO

Buổi trưa hè ở Minesota thật oi bức, không có gió, nắng lại vô cùng gây gắt. Nhóm người im lặng, lầm lũi đạp lên những chiếc lá vàng khô rơi trên cỏ, tiến dần đến phần mộ, nơi em vĩnh viễn nằm xuống.  Dừng chân trước phần mộ của em, lòng tôi trĩu xuống. Tôi cảm thấy như bị một tảng đá vô hình đè nặng. Người ra đi đã đành, còn tôi, tôi  không dám nghĩ đến “Ngày Mai” của cậu thanh niên này.
Chúng ta phải tự lựa chọn cách sống và có trách nhiệm với mọi quyết định của riêng mình. Vẫn biết thế! Nhưng đâu là tình? Đâu là mến? Đâu là hy sinh và trao tặng? Con người vốn nhỏ bé và nông cạn, cho nên không thể thấu hiểu tất cả những tín lý và luân lý ở đời…

*

“Chị ơi, lớp Giáo lý năm nay đông hơn. Để ý chút nha, vì có một vài em gia thế rất đáng thương, cần quan tâm” – Một giáo lý viên trong cộng đoàn bảo tôi.
Đám nhỏ, trạc  14 – 15 tuổi,  vừa bước vào ngưỡng cửa trung học (highschool),  theo bản năng tự nhiên,  đã có chút nhen nhóm của hương hoa tình yêu học trò. Thật yêu kiều làm sao, khi bắt gặp hai gò má ửng hồng, đôi mắt e lệ của các cô bé khi đối diện với người bạn  khác phái có chút cảm tình “đặc biệt”. Ngược lai, bọn con trai thì phá như giặc, cười giòn tan….
Nhìn bọn trẻ vui tươi, tôi nhủ thầm: “Nếu chỉ thế thôi, dừng lại ở cái ĐẸP lúc ấy, thì đời sẽ dễ thương làm sao!”. Tiếc là có mấy ai biết được điểm DỪNG.
Cánh cửa mở toang, cả đám ùa vào lớp, không ai bảo ai, chia hẳn ra hai bên, nam và nữ. Tôi để ý đến một cậu bé  có đôi mắt to, dáng người thon nhỏ, nhưng trông khỏe mạnh, nước da  ngâm đen. Em không cười, lẳng lặng chọn một bàn phía sau, ngồi một mình. “Thomas”,  tên cậu bé. Về sau này, tôi được biết thêm, người nhà còn gọi em là Tùng.
Tôi vào lớp: “Chào các em, trước khi bắt đầu, cô cần ba người giúp: một đọc bài Phúc âm; một đọc đoạn chia sẻ và một dâng lời cầu nguyện cho giáo lý viên.” Vài cánh tay lẻ tẻ giơ lên. Những tuần kế tiếp, cũng chỉ có ngần ấy cánh tay giơ lên, tự nguyện giúp! Cuối cùng, tôi đành áp dụng một chút xíu xiu “quyền hạn”, chỉ định các em thay phiên nhau cùng làm việc.
Nhiều học sinh dù không muốn nhưng khi được chỉ định thì vẫn sẵn lòng giúp. Tùng là một trong số ấy.  Một năm, hai năm, ba năm… hầu hết các em đều quen dần với những sinh hoạt của lớp: đọc kinh dâng buổi học cho Chúa, đọc Phúc âm, cầu nguyện cho giáo lý viên và cả lớp trước khi thật sự bắt đầu chia sẻ bài học trong ngày. Sau đó: im lặng, gạt bỏ iphone qua một bên, cố gắng lắng nghe hướng dẫn của giáo lý viên, ngồi lại theo nhóm đã được chỉ định làm những sinh hoạt nhỏ… Đôi khi có vài em mắc cỡ hay chưa chuẩn bị kỹ, nhưng khi cùng cả nhóm đứng trước các bạn trong lớp làm thuyết trình, bọn trẻ vẫn có thể chia sẻ rất tốt. Cuối cùng, ngồi lại viết nhật ký riêng và cầu nguyện tự phát cám ơn kết thúc giờ học.
Thời gian trôi qua, khi đọc Phúc âm, Thomas đã dần dần thêm chút âm giọng của một người cảm  được hoàn cảnh trong bài đọc. Lời nguyện của em, cũng dài hơn, sâu sắc hơn, đôi lúc tôi thấy có chút ngấn lệ. Có hôm em bước vô lớp, vẫn còn trên mình chiếc áo thun ba lỗ, người đây mồ hôi… Mỗi khi nhìn em “nhếch nhác” đến lớp, tôi thoáng không vui. Có lẽ em biết, cho nên luôn vội vàng choàng thêm áo khoác. Mỗi lần ấy, em chẳng bao giờ mang theo sách vở, và chỉ cười trừ trả lời: “Để quên ở nhà.” Đến phần trao đổi, chia sẻ với lớp,  em lại ngồi thừ ra…
Những lúc đó tôi lại nhủ thầm: “Chắc tụi nhỏ không hiểu mình nói gì!” Tôi nghĩ  vốn liếng ngoại ngữ của mình ít quá, không đủ để truyền đạt cho các em. Thế rồi lại tự trấn an mình và nhỏ nhẹ nói với các em: “Cô dùng song ngữ Anh – Việt để giúp chia sẻ. Nhưng nếu các con theo không kịp, cố gắng nhìn lên màn hình, phần chiếu bài, bản dịch tiếng Anh, đã được chuẩn bị để theo dõi.”
Nhiều năm giúp cộng đoàn Việt Nam, tôi biết một số em không thích đến học Việt ngữ, Giáo lý vì một lý do:“Thầy cô nói con không hiểu.”  Tôi hoàn toàn thông cảm với lý do này. Các em sinh ra và lớn lên ở Mỹ, cha mẹ đi làm suốt ngày, không có ông bà bên cạnh, nên nói tiếng Việt là một… khổ tâm! Nhưng, tôi lại nhìn thấy một số không ít các em khác, cho dù không thích nói, nhưng hiểu và thậm chí đọc các kinh tiếng Việt rất trôi chảy. Thế là tôi lại nghĩ : “Đó chỉ là cớ để bọn nhỏ trốn không đến lớp.” Tôi tin vậy, bởi vì trong số đám học trò cũng có con  tôi! Vì tế, theo tôi, chuẩn bị phần chiếu hình bằng song ngữ để giảng bài cho các em là cách tốt nhất để không em nào có thể nói “không”.
Tùng đi học không đều đặn, nhưng tôi luôn mời goi và rất vui khi các em có mặt, cho nên không bao giờ phiền hà với em cả. Thay vào đó, tôi chỉ nhẹ nhàng hỏi: “Do you understand, con ? Are you able to follow us? Let me know when you need help“.  Thỉnh thoảng, em nhún vai: “OK”.  Một câu trả lời lửng lơ, không  kết luận, ai muốn nghĩ sao thì nghĩ… Dẫu vậy, không sao, tôi chỉ cần em đến lớp là đủ.
Lớp Giáo lý Thêm sức II, cũng là lớp cuối cùng của chương trình giáo lý trước khi các em lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Tôi hiểu thêm Tùng trong một lần cùng em và lớp  Giáo lý Thêm sức tham dự kỳ tĩnh tâm – một trong những yêu cầu dành cho ứng viên lớp này trước khi lãnh nhận Bí tích.
Nhiều năm về trước, gia cảnh túng thiếu, Tùng cùng người em trai và mẹ – chị Trinh, phải trú ngụ ở các mái ấm dành cho người vô gia cư. Một thời gian, em phải tạm sống với  bà ngoại. Ba em rất ít xuất hiên trong thánh lễ Chúa Nhật. Mẹ em vẫn đi lễ  thường xuyên nhưng luôn hiện diện khi linh mục chuẩn bị đọc bài… Phúc âm!
Trước kỳ tĩnh tâm, tôi gọi điện thoại nhắn chị Trinh viết thư cho con. Khóa tĩnh tâm Ephata đặc biệt nhấn mạnh “Bảy ơn Chúa Thánh Thần” và giúp các em nhận ra sự hiện hữu và tình thuơng của Thiên Chúa qua những người xung quanh. Hầu hết cha mẹ Việt Nam rất ít biểu lộ tình cảm với các con, cho nên đây cũng là cơ hội để các em có thể hiểu lòng và gần với cha mẹ hơn. 
Từ đầu dây bên kia, giọng chị có chút e ngại:” Cô ơi, em không biết viết. Cô giúp em được không?” Thế là,  tôi  có cơ hội trao đổi với chị  về gia cảnh, sở thích, tâm tình và ước ao của Tùng. Sau đó, tôi viết xuống theo lời kể của chị, một người mẹ vô cùng thuơng yêu con.
Sau lần trao đổi với chị, tôi thương và đặc biệt quan tâm đến em hơn. Trong khóa tĩnh tâm, các em có nhiều giờ cầu nguyện và chia sẻ tâm tình với nhóm. Đêm đó, tôi đã khóc vì mừng và cảm tạ Chúa đã đưa em đến đất trại. Lần cuối cùng gặp em, cũng là ngày kết thúc khóa học. Em nói với cả lớp: “Con mong có được một lớp Giáo lý nữa, sau lớp này.”. Hôm ấy, lời nguyện của em  cũng đặc biệt hơn: “Xin Chúa đừng bỏ con, hãy đi với con……”
Tôi thầm cảm tạ hồng ân Chúa, vì ít ra các em cũng có thể bước vào đời với chút ánh sáng của  hy vọng và chút lửa mến có Chúa trong đời.
Nhưng tôi biết, ánh sáng chẳng thể tồn tại mãi nếu thiếu vắng mặt trời, thiếu vắng ngọn đèn, và lửa không thể cháy mãi, nếu không được tiếp tục châm thêm “củi”, thêm “dầu”…

*

Tôi rời khỏi nghĩa trang, theo mọi người vào một nhà hàng nhỏ gần đó để dùng buổi cơm chiều. Và, câu chuyện về Tùng vẫn tiếp tục..
Sau khi được lãnh nhận Bí tích Thêm sức, cộng đoàn chưa có chương trình nào cho giới trẻ. Lúc ấy, Tùng lại không thích sinh hoạt trong nhóm thiếu nhi. Em đã không đến nhà thờ một khoảng thời gian. Số người khác lại bảo: “Bạn gái của em có thai, và sanh non. Đứa trẻ không sống được. Có lẽ vì buồn, em đăng ký đi lính. Em đã từng đi qua rất nhiều nơi như Pháp, Bỉ, Iran…. Thời gian sau trở về, em gia nhập đoàn thiếu nhi. Đã có lúc trên vai em đeo được chiếc khăn huynh trưởng. Nhưng vì luật đoàn, em không thể tiếp tục khi vẫn còn đang sống trong tình trạng mất ơn nghĩa Chúa. Lúc đó em đang ăn ở ngoài hôn nhân với một cô gái.”
Em bị trầm cảm và sau đó chia tay với bạn gái… Hôm ấy, khi nghe tiếng súng nổ, bố em vội vàng chạy vô phòng, thì em đã thành người thiên cổ! Em đã tự kết liễu đời mình. Ngày nhập quan, người ta không cho xem mặt em lần cuối…
Cổ họng tôi đắng nghét. Tôi thương em và nghĩ đến giới trẻ hôm nay…
Tùng ơi,
Điều gì đã khiến em mất đi niềm tin và hy vọng ngày ấy? Em có biết, sự ra đi của em đã để lại một vết đau sâu thẳm cho cha mẹ và người thân trong gia đình? Em có biết  mẹ đã thương em đến mức nào? Cả một đời  hy sinh, mẹ lặn lội vất vả với công việc làm, để em an tâm đến trường. Những cuối tuần, giữa trưa, mẹ vừa lái xe vừa ăn để có thể chạy về kịp giờ đưa em đến lớp Giáo lý, đến nhà thờ, em có biết vì sao?  Đơn thuần mẹ chỉ mong chuẩn bị cho em mọi thứ có thể, trước khi em như chú chim non đủ lông cánh bay vụt khỏi bốn bức tường của gia đình  để tự đi tìm thế giới và lẽ sống cho riêng mình. Mẹ chẳng mong em thành tài, giàu có để đáp trả công ơn sinh thành, dưỡng dục, mẹ chỉ mong một ngày nào đó thấy em bình an, hạnh phúc..
Biết bao câu hỏi tôi muốn nêu với em, nhưng chẳng kịp nữa rồi…  Trong bâng khuâng, tôi tự vấn:
Nếu như ngày ấy, có được lớp giáo lý như em ước ao, có lẽ em đã không bỏ cộng đoàn. Hay giá như, vết thương sau khi đứa con mất đi, có thể với thời gian được lành lại, em quay trở về, đừng sa vào tội lỗi…”
Giá như niềm tin và hy vọng trong em còn đó thì đã không có kết cuộc của ngày hôm nay…
Nghĩ về em, tôi lại nhìn lên Thánh giá. Tôi cầu nguyện cho em và cho những người trẻ hôm nay:
Lạy Chúa, con hiểu mỗi người đều phải đối điện và trả giá cho mọi quyết định của mình. Con chỉ biết dâng em cho lòng thương xót của Người. Con cũng dâng lên Người cộng đoàn bé nhỏ mà con đang sinh hoạt. Xin hãy thương gởi đến chúng con những vị lãnh đạo luôn khiêm nhường, đạo đức,  tín thác vào tình yêu của Người, luôn nhiệt thành và lo lắng cho giới trẻ.
Trong giây phút này, con dâng con cải,  học sinh của con và giới trẻ khắp nơi trong tay Người. Ước gì, các em luôn chạy đến bên Người mỗi khi đối diện với những vấn nạn. Xin cho các em luôn biết rằng: “God wants you to become a great decision maker. He sent the Holy Spirit to guide and counsel you.  And you will find yourself making better choices.”
Mong sao trong những lúc vấp ngã, các em có thể thốt lên: “Chúa ơi, Người ở đâu?!”, để như người thanh niên trên bãi cát, có thể nghe được tiếng thầm thì thật nhỏ nhẹ từ tận đáy lòng, nơi thẳm sâu nhất của con tim đang chảy máu lời:

“ My precious child, I love you and will never leave you.
Never, ever, during your trials and testings
When you saw only one set of footrpints
It was then that I carried you.”

Thúy Hương