Thiên đàng và tên trộm

Mẹ yêu của con
VĨNH CỬU TRÊN CHIẾC LÁ
KHÔNG CÓ THÁNH LỄ

Hình ảnh và thái độ của hai tên trộm bị treo bên cạnh Chúa Giêsu như kéo tôi lại với những quyết định trong cuộc sống hàng ngày. Trước những khó khăn của cuộc sống, có khi nào tôi đã ngạo mạn vô lễ thách thức : “Nếu Chúa có quyền xin hãy cứu con, thì con sẽ tin Người hơn“. Hay bắt chước gương của bao nhiêu vì thánh nhân, khiêm cung cúi đầu chấp nhận với ý nghĩ: “Đền tội cho chính mình và chấp nhận buông đời trong sự quan phòng của Thiên Chúa “.
Nói đến tên trộm, đột nhiên tôi nhớ lại ngày xưa khi còn bé, trong xóm có một anh thanh niên, cứ độ dăm ba bữa là bị chị em trong nhà la toáng lên “có trộm“,  và thế là kéo anh ta lên đồn công an. Người Viêt Nam sau 1975, thời nhiễu loạn, khó kiếm việc làm, đời sống chật vật lắm. Có lẽ anh ta muốn có chút tiền để mua đồ ăn, lót cho đầy cái bụng đang lên cơn đói, kêu sồn xoat. Nhiều lần như vậy, riết rồi trong mắt của hầu hết người dân trong xóm, anh ta là một tên trôm, một thanh niên xấu, cần phải tránh thật xa. Sống trong cùng một mái nhà, nhưng anh chị em mạnh ai nấy thủ, tự nấu cơm và giấu riêng ăn. Anh ta như con hủi giữa người thân.  Có lúc tôi thấy anh ngồi một mình hút thuốc nơi giếng nước bên hông sân nhà, lẻ loi và dường như buồn lắm.  Tuy có chút chạnh lòng, nhưng tôi cũng không bao giờ nói chuyện với người thanh niên ấy.  Có lần, nhà tôi lãnh quà Mỹ được một thùng kẹo ngọn tuyệt. Chị em chúng tôi, đem ra chia cho các bạn trong xóm. Ngó thấy mắt của người thanh niên nhìn, như cũng muốn.  Giấu lại một nắm, đợi mọi người đi hết, tôi nhẹ nhàng đến đưa cho anh và vội vàng đi ngay. Vài hôm sau, dưới ghế sofa trên lầu trong nhà, tôi phát hiện một chùm nhãn. Tôi biết là  anh ta đã hái trộm nhãn nhà hàng xóm kế đó và lén bỏ vô nhà cho tôi, khi nhớ lại câu nói của anh lúc nhận kẹo: “Cám ơn, khi nào có dịp sẽ cho ăn nhãn “. Tuổi thơ ấu tôi biết, mamg thân phận “một kẻ trộm”, anh cũng có ước mơ và thèm có được một thân tình. Chỉ khổ nỗi chẳng ai cho, anh cũng chỉ trộm mong một sự san sẻ, mong một lần được dung thứ, đừng bị kết án.
Hôm nay, nhìn lên thánh giá, nghĩ đến tên trộm “lành”.  Có lẽ đời anh cũng lắm chênh vênh. Anh nghèo, nên mới phải ăn trộm. Nhưng mục tiêu mà suốt đời anh muốn có được làm sở hữu là điều gì? Chắc chắn anh đã từng nghe nói đến ông Giêsu, người đang bị treo bên cạnh rất nhiều. Những việc Chúa làm, lời Người giảng, tất cả đều là những điều tốt lành. Chỉ một việc duy nhất có thể làm cho dân chúng như điên dại phẫn uất đó là người đàn ông này dám tự xưng là “Con Thiên Chúa”. Với ân sủng và lòng xót thương, trong giờ cuối cùng, Chúa đã làm sống lại trong anh nỗi khao khat được trở mình, hiên ngang bước vào một thế giới đầy lòng thương yêu và bao dung, và ban cho anh niềm tin. Giữa dòng người như điên dại, anh tin người đang bị trên trên thánh giá kế bên là “vua Do Thái”, là đấng cứu thế.
Lỗi phạm, anh đã chịu phạt. Nhưng sự khát khao một mái ấm, có được sự yêu thương, tha thứ. Anh không muốn làm kẻ trộm nữa, người đời không ai cho được, nhưng với ân sủng, anh tin Chúa sẽ cho anh. Và thế là, đường đường chính chính anh xin Chúa: “Xin Ngài nhớ đến con khi Ngài về nơi vương quốc“. Có người Cha nào nở chối từ con mình chứ!

Và vì thế, Chúa đã trối lời thứ hai, dành cho người trộm lành:
” Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng (Lc 23, 43)
Lạy Chúa, lòng từ ái của Chúa đối với người trộm gợi nhớ lời sấm ngôn: “Tội lỗi con có thắm như hồng điều, cũng sẽ nên trắng sạch như tuyết, có thẫm như vải đỏ, cũng sẽ mịn mướt như lông chiên”. Ơn dung thứ Chúa ban cho người trộm thống hối càng làm con hiểu hơn lời Chúa phán: ”Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi kẻ tội lỗi ”.
Lạy Chúa Giêsu, lời nói của tên trộm, là lời kêu của một người có lòng khiêm nhu. Xin cho lời này như tiếng vang kêu lên từ đáy tim của chính con.  Xin cho con có một cơ hội để bắt đầu một cuộc sống mới. “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến chúng con trên nước Trời của Ngài.  Xin thương xót, tha thứ cho những lỗi con đã pham”.

Tuần Thánh, 2018
Thúy Hương