Thiên đường của Đấng Cứu Thế ngược đời

Khiêm nhường
Sống. Thật khó!
Chờ

Có rất nhiều nhà thần học diễn tả về thiên đàng, nhưng đây là cách giải thích mà cho đến hôm nay, với tôi rất có tính thuyết phục.
Nhà văn linh mục Nguyễn Tầm Thường, dòng Tên từng nói: “Thiên đàng được ví như tiệc cưới. Mọi người đều đến dự tiệc với trang phục và quà lễ vô cùng xinh đẹp tuyệt hảo. Không gì có thể trọn vẹn hơn! Ở đó, mọi người trong tình anh em yêu thương, san sẻ, vui vẻ nâng ly chúc mừng và không ngớt lời cảm tạ “Cha” chung đã thương yêu mà chuẩn bị mọi sự cho họ”.
Nhưng nếu vì một lý do nào đó, có một vài người không ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc rối bù, chân đi loạng choạng, sẽ cảm thấy rất ngượng ngùng. Bởi lẽ, cho dù chẳng ai xua đuổi, lương tâm nói cho họ biết họ chẳng giống ai. Họ xấu hổ vì điều này. Dù rằng, đứng bên ngoài nhìn vào với lòng khát khao tột độ nhưng họ chẳng dám, và cũng chẳng thể bước vào nhập tiệc với mọi người. Thiên Chúa, vị “Cha” chung của chúng ta, luôn khoan dung và không muốn ai bị mất cơ hội này. Vì thế Người cho chúng ta chọn lựa. Với những ai luôn tin vào lòng bao dung và tình yêu của Người, sẽ ăn năn và sửa sai. Họ mong cho đến ngày được giống như những người anh em kia, có thể vào nhập tiệc.
Nhưng cũng có những người chìm quá sâu với những thói xấu, lâu ngày khó đứng dậy nổi. Họ chọn lựa nhốt mình trong hố trầm luân ấy. Ngoài việc tự đay nghiến và căm ghét bản thân, họ không tha thứ được cho chính mình, chẳng nghĩ đến việc Thiên Chúa sẽ tha thứ cho họ. Tôi đã từng nhìn thấy một thanh niên sau cái chết của mẹ mình, đã trở nên điên loạn. Lý do, anh ta đã sống một cuộc đời phóng túng, bỏ mẹ quên cha. Ngày mẹ ra đi, anh mới biết cho dù có muốn quay trở lại nói lời xin lỗi, hôn mẹ của mình cũng đã quá muộn. Bà chết rồi, đâu còn biết gì!
Suy nghĩ về “Một thiên đàng giữa trần thế, ngay tại lúc này khi ta vẫn còn sống. Nhưng cũng lại là một thiên đàng của ngày mai, chưa đến… vẫn chờ đợi” trong bài viết của linh mục Ron Rolheiser nhắc nhở tôi về thái độ sống của mình hiện tại.
“Chúng ta luôn lẩn tránh và không ngừng trì hoãn việc thay đổi để sống tốt lành”  – linh mục Rolherser nói không sai. Đây là việc mà hầu hết mọi người đều vấp phải. Ước ao một cuộc sống chuẩn mực đạo đức luôn là việc mà tận sâu thẳm trong lòng mỗi người đều có. Nhưng xem ra ai cũng quá bận lo cho tương lai. Càng khổ hơn, những dây trói chằng chịt của quá khứ luôn cột chặt bước tiến. Có mấy ai trong đời “sống trọn vẹn với giây phút hiện tại
Sống hôm nay lại lo ngày mai: Biết có đủ lương thực, đủ tiền để trang trải chi phí không? Các bậc cha mẹ lại vất vả ngược xuôi mong cho con mình khôn lớn nên người. Bận bịu với hàng đống những bổn phận, họ gần như “tôi sống mà không phải tôi sống”. Chờ ngày bọn trẻ trưởng thành, lúc ấy có thời giờ sẽ làm những việc mình muốn. Thiên đàng trước mặt, ngay hiện tại! Nhưng đầu tắt, mặt tối như thế, làm gì mà có giờ nghĩ đến mà tận hưởng.
Thanh thiếu niên thì lại thấy còn khối thời gian. Không ăn chơi hưởng thụ thì lãng phí một đời! Có người từng bảo: “Kệ cứ sống vậy, chỉ cần trước lúc chết kịp thời ăn năn xưng tội. Thiên đàng là cái gì đó còn quá xa, chưa đến lúc nghĩ đến”.
Thực tế, cả hai thế hệ đều từ chối một sự thật hiển nhiên về một nước Thiên Chúa Hằng Sống sờ sờ trước mắt. Bất kể có tín ngưỡng hay không, ai cũng mong ngày mai một cuốc sống hạnh phúc viên mãn. Đúng thật là “nếu ngày ấy đến trong hiện tại thì thật là chưa đúng lúc” (Lm Ron). Chúng ta chưa sẵn sàng để thay đổi ý thức và quan niệm sống để có thể như “người được mời dự tiệc cưới với trang phục lộng lẫy, tinh thần sảng khoái, cùng mang theo của lễ hậu hĩnh nhất dâng tặng Chủ nhân.”
Nước Thiên Chúa, Đấng cứu tinh sẽ đến. Nhân loại vẫn luôn mong đợi ngày ấy! Chuẩn bị chờ ngày được vào hưởng hạnh phúc Thiên đàng”. Suy nghĩ đến đây, tôi lại thấy quả thật thiên đàng lại là một nơi hứa hẹn của ngày mai, vẫn đang dần mở ra cho từng người. Lúc nào? Như thế nào? Đây là việc của riêng cá nhân mỗi người và Thiên Chúa.
Thiên Chúa yêu thương nhân loại biết nhường nào. Người sao có thể làm ngơ để việc này xảy ra. Thế nên với lượng hải hà, Người đã gởi chính Con một Người là Đấng Kitô, Giêsu đến ở cùng để ban cho chúng ta nguồn hy vọng vào một “sự sống mới, thời đại mới và thiên đàng” (Lm. Ron).
Trong Cựu ước, hình ảnh Thiên Chúa được diễn tả “như người mẹ hiền với đứa con thơ” (Is 49, 13-15); “Ân cần chăm sóc dân chúng như mục tử tốt lành chăm sóc đàn chiên” (Ed 34, 15-16); “Tỏ tình thương với dân như một tình nhân” (Hs 2, 21-22); “Từ bi nhân hậu” (Tv 103, 8-11,13); “Yêu thương mọi tạo vật do Ngài tác tạo” (Kn 11, 24-26).
Nhưng thế nào mới đúng là người mẹ hiền, người mục tử tốt lành, người tình tuyệt vời, một nghệ nhân hoàn hảo đây? Như suy nghĩ của dân Do Thái của hơn 2000 năm trước và ngay cả hôm nay; như muôn vạn người khác, tôi được dạy và tin rằng: “Sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế sẽ biến đổi toàn thể bộ mặt nhân loại, cất nhắc mọi khổ đau, không còn nước mắt, cứu nhân loại tránh những hệ luỵ của tội lỗi…” (Karban, Roger). Thế nhưng những gì tôi thấy không như thế. Sự xuất hiện của Chúa Giêsu và cách thức Người hành xử lại hoàn toàn không như con người dự đoán.
Không! Phải nói rằng, sự xuất hiện của Chúa Giêsu trong thân phận nghèo hèn, sanh ra nơi hang đá bò lừa chính là đáp lại sự thèm khát của loài người. Nếu Hài nhi Giêsu sanh ra trong nhà đế vương, sao có thể cùng ăn, cùng ngồi, cùng trò chuyện được với Người. Há chúng ta chẳng phải khúm núm khiếp đảm sẽ bị trừng trị nếu như không chuẩn bị chu đáo mỗi khi Vua giá lâm sao? Mỗi bước nhà vua đi không phải đều có lính tiền hô hậu ủng ư? Dân tình có án oan gì, để có thể lọt được đến tai Người phải qua bao chặng kiểm tra, lúc đó không chết thì cũng ngắc ngư. Và nếu như vậy, thì làm gì có chuyện người dân được kết tình thân mật và làm bằng hữu cho được.
Vậy mới có chuyện! Vua các vì vua, Đấng Cứu Thế, không giống ai, ngược hẳn với những gì mà nhân loại tưởng tượng ra. Và cũng vì vậy, mới có chuyện một Thiên Chúa ở cùng và đồng hành bên cạnh chúng ta. Thật là điều mà ai cũng mong ngóng, khao khát, nhưng chẳng dám tin là sẽ có một vị Vua như thế sống giữa đời, trong lòng của mọi người.
Trong suốt những năm thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu không những dạy chúng ta về giới luật yêu thương mà còn chính là tình yêu. Cái chết của Người trên thập giá là bằng chứng của phẩm vật hiến tế để chuộc tội cho nhân loại. Thiên Chúa đích thực là tình yêu!
Cuối cùng, càng gần, càng có cơ hội trò chuyện và cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu, ta càng thấy Người khó hiểu một cách vô cùng thú vị. Điều này có nghĩa là, lòng khát khao tìm kiếm để được diện kiến và gần gũi Người ngày một thân mật hơn, càng mãnh liệt hơn. Chỉ là Thiên Chúa, Đấng mà toàn dân luôn trông chờ mãi mãi sẽ như gần mà lại như xa nếu như chúng ta cố gắng bằng cách của mình cố gợi lên hình ảnh của Người theo như ý mình mong muốn. Cái vòng lẩn quẩn này sẽ trói buộc bạn cho đến khi bạn hoàn toàn buông xuống mọi toan tính và để cho Thiên Chúa là chính Người như Người mong muốn tỏ lộ cho chúng ta. Cả thiên đàng cũng thế, chỉ là “đang ở đây, nhưng dường như vẫn còn đang đến” cho đến khi bạn làm được như thánh Âu Tinh.
Không còn lảm nhảm :”Xin cho con thành một Kitô hữu trong sạch … nhưng hãy khoan đã!” Nhưng đi đến một hành động thiết thực “thôi không đẩy mọi chuyên về tương lai không xác định thêm nữa“(Lm Ron) thì khi ấy mới thiên đàng mới thật sự đã đến.

Hèn Mọn
Jul 17, 2019