Thánh Ca và Đời Sống – Nhạc Sĩ Duy Tân

Thánh Ca và Đời Sống – Linh Mục Nhạc Sĩ Phêrô Thành Tâm
Giáo Xứ Bắc Dũng và Chương Trình Thánh Vịnh IDOL – Mùa 2 – Phần Chung Kết
Chúa Nhật Thứ III Mùa Vọng Năm A

 Hằng năm, khi  mùa Vọng bắt đầu, không ít ca đoàn lại cất cao tiếng hát: “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng Chuộc Tội”. Những cung nhạc thánh thiêng của bài hát “Trời cao” ấy, được ngân lên bởi hàng triệu người trong mùa Vọng, lại gieo trong lòng mỗi người tín hữu sự nôn nao mong chờ ngày Chúa giáng trần.

Những giai điệu của “Trời cao” đã trở thành bất hủ gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Duy Tân, một trong những thành viên đầu tiên của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh.

Nhạc sĩ Duy Tân, tên thật là Phêrô Trần Duy Tân,  sinh ngày 29/04/1925 tại làng Thượng Đồng, xứ Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông gia nhập  nhạc đoàn  Lê Bảo Tịnh năm 1947

Theo anh Trần Thành Đạt, trưởng nam của nhạc sĩ Duy Tân: “Bố tôi là một người ít nói, hết sức khiêm nhu. Có lẽ vì vậy mà không mấy người biết được tiểu sử của ông một cách cặn kẽ. Cuộc đời của bố tôi có lúc rất thành đạt nhưng cũng đầy gian nan. Tôi nhớ bố tôi nói ông giống như một người mồ côi vậy. Khi  bố tôi chào đời, ông nội tôi mất.  Khi ông 15 tuổi thì bà nội tôi mất. Bố tôi chỉ có hai an hem, nhưng may mắn khi lên năm tuổi, ông đã được linh mục Trần Quý Ly đỡ đầu và gửi vào tiểu chủng viện để theo học với các thầy dòng Jean Baptiste de la Luth ở trường tiểu học Guginieu, Hà Nội. Hết bốn năm tiểu học, về học trung học ở làng Hoàng Nguyên, Hà Đông, tại đây gặp cha Tiến Dũng. Sau sáu năm ở trường trung học, ông về học tại đại chủng viện Xuân Bích, Hà Nội, gặp các linh mục nhạc sĩ Hoài Đức, Nguyễn Khắc Xuyên (Phát Diệm) và Nguyễn Duy Vi (Thanh Hoá).

“Sau này vì lý do sức khoẻ, ông đã thôi học đại chủng viện. Ông lập gia đình với mẹ tôi là bà Trần Bích Hồng, vào năm 1961, và có năm người con: ba gái, hai trai.

“Tốt nghiệp cử nhân văn khoa, cử nhân luật khoa, cử nhân ngân hàng và Trung tâm huấn luyện chuyên môn Ngân hàng, ông vào làm việc tại Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam với tư cách chuyên viên, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Quốc gia Việt Nam từ 1958-1975.

“Tôi không nhớ rõ năm cũng như hoàn cảnh bố tôi sáng tác bài thánh ca “Trời Cao”. Chỉ nhớ, bố  nói bài ấy ông sáng tác khi còn rất trẻ, mới 18 tuổi. Cái duyên để bố tôi đến với âm nhạc và thánh ca cũng phải nói bắt đầu từ các cha cố Tây. Bố tôi nói khi ông năm tuổi, các cha Tây đã bắt bố tôi học đàn. Mỗi ngày phải đánh cho xong một bản nhạc mới được thưởng một trái chuối. Ngày xưa đói khổ, một trái chuối là cả ước mơ của cậu nhỏ Duy Tân. Thế là bố tôi cố gắng học thật giỏi. Nhờ vậy mà năm 10 tuổi, bố tôi đã có thể đánh đàn trong nhà thờ. Sau này ông là ca sĩ cho đài Pháp Á một thời gian, rồi trở thành nhạc sĩ sáng tác Thánh ca, ca trưởng ca đoàn nhà thờ. Tôi học ở ông rất nhiều. Tuy là một người nổi tiếng, nhưng bố tôi có đời sống gia đình rất gương mẫu, chăm lo cho vợ và con cái đầy đủ. Bố tôi cũng rất tận tâm với việc Nhà Chúa. Ngay cả khi về hưu, ông vẫn tiếp tục giúp làm ca trưởng ca đoàn Thiện Chí, nhà thờ Thị Nghè, giáo phận Sài Gòn, cho đến hơn 80 tuổi, khi không còn sức để leo lên gác đàn, ông mới xin ngưng.”

Nhạc sĩ Duy Tân được Chúa gọi về ngày 12/4/2011, tại Sài Gòn. Ông giã từ trần gian nhưng gia sản ông để lại cho nền Thánh nhạc Việt Nam vẫn còn đó: hơn 600 ca khúc. Những ca khúc của ông hầu hết đã được ấn hành trong các tập “Cung Thánh” bộ cũ cũng như bộ mới của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh. Trong năm người con của ông, có một người trưởng nam – Trần Thành Đạt – tiếp tục việc phục vụ Giáo hội trong vai trò ca trưởng và nhạc sĩ sáng tác trong nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, với bút danh “Đạt Đức”.

Bài hát “Trời cao” bất hủ của cố nhạc sĩ Duy Tân, đã được  các ca đoàn, Hội đồng Mục Vụ, và các em Thiếu Nhi trong Tổng giáo phận Los Angeles trình bày, qua sự điều hợp của Ban Mục Vụ Thánh nhạc Tổng giáo phận Los Angele, và đã được thâu hình cũng như phát trên đài SBTN, California, vào Giáng sinh năm 2014.