Quân Cấm Đạo

Quân Cấm Đạo

COVID-19 Nói Gì Với Thế Giới
Catarina thành Siena: Chứng từ của một vị thánh khi đối mặt với một Giáo hội đang gặp khó khăn
Có phải đại dịch coronavirus là một phán xét từ Thiên Chúa?

Chính quyền Trung Cộng triệt hạ các nhà thờ, các tượng thánh giá, cho nhân viên đến nhà các tín hữu bắt gỡ bỏ hình Chúa Mẹ xuống, thay thế bằng hình Tập Cận Bình, hình các đảng viên Đảng Cộng Sản. Nhà nào từ chối sẽ gặp rắc rối, và mất sự trợ cấp. Cũng tại Trung quốc, người dân bị cưỡng bức phải phá thai theo kế hoặch hóa gia đình của nhà nước. Những tin tức về dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, đan viện Thiên An Huế, dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà tại Việt Nam. Đốt nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô và Phaolô tại Nantes, nước Pháp. Bắt và hãm hiếp các nữ tu. Đối xử bất công với các Kitô hữu ở Ấn Độ, tại các nước Trung Đông. Đòi loại bỏ năng quyền bất khả xâm phạm của bí tích Hòa Giải tại Úc. Đặc biệt, nhân danh sức khỏe công cộng trong mùa dịch Vũ Hán (Covid-19), các chính quyền địa phương tại Hoa Kỳ ra lệnh đóng cửa các nhà thờ, hạn chế việc thờ phượng, nhưng lại mở cửa nhà tù, cho phép những cuộc tụ họp, biểu tình, bạo loạn. Giữa những biến cố này, một cụm từ “Quân Cấm Đạo”.đã xuất hiện trong tâm trí tôi.

“Quân cấm đạo”, là câu nói mà mẹ tôi đã dùng để gọi mấy đứa cháu của bà mỗi khi chúng lười không chở bà đi nhà thờ, hoặc tham dự các thánh lễ. Những lúc như vậy, bà thường gọi chúng nó: “Chúng mày là quân cấm đạo. Chúng mày không cho tao đi nhà thờ, đi lễ.”

Thật ra mấy đứa cháu tôi chúng không cấm đạo, và cũng không ngăn cản bà đi nhà thờ, đi lễ, chỉ vì bà quá già yếu. Một đốt xương sống của bà bị gẫy nên lưng bà bị gù, mặt bà như cúi gần mặt đất khiến bà đi đứng rất khó khăn. Trong điều kiện sức khỏe thể lý như vậy, việc chở bà trên một chiếc Honda rất nguy hiểm và khó khăn, nhất là những ngày trời mưa, trơn trượt. Đó là lý do bọn “cấm đạo” của bà đã từ chối chở bà. Sau khi tôi có dịp về thăm bà, giải thích cho bà nghe thì bà không còn khó chịu và đay nghiến bọn con cháu “cấm đạo” nữa. Bù lại, bà đọc kinh hầu như suốt ngày, và xin thừa tác viên Thánh Thể đưa Mình Thánh Chúa cho bà mỗi Chúa Nhật, và các ngày lễ trọng.

Ngày nay, ngay hôm nay nếu dựa vào tình hình chính trị, xã hội, văn hóa, cũng như tôn giáo đang diễn ra trên khắp thế giới, thì những “quân cấm đạo”, hoặc phá đạo có thể thấy nhan nhản khắp nơi. Và nếu để ý quan sát, suy nghĩ, thì cấm đạo thời nay thật khủng khiếp và cũng rất tinh vi. Chúng ẩn hiện dưới hình thức: chính trị, xã hội, văn hóa, và tôn giáo. Những hành động cấm đạo được lồng vào yếu tố chính trị là điều mà ai cũng dễ thấy, dễ nhận. Nó là một trong những hình thức cấm đạo khiến nhiều người hoảng sợ, trốn tránh. Nhưng những ảnh hưởng của xã hội, của văn minh, văn hóa, của tôn giáo đang hủy hoại, phá vỡ đời sống đức tin, làm suy yếu lòng nhiệt thành của nhiều tín hữu thường không dễ phát hiện.

Phụ huynh có con em ở tuổi vị thành niên và thanh thiếu niên lúc này nếu hỏi chúng về những đề tài lịch sử, khoa học, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa thì chúng rất rành rẽ và hiểu biết. Nhưng nếu hỏi chúng về tôn giáo, về đạo đức thì hầu như các cha mẹ này đều nhận được những thái độ rửng rưng, hoặc phủ nhận không tin có Chúa.

Mới đây nhất, một người bạn đã kể cho tôi nghe câu chuyện về đứa con gái của anh. Anh nói:

“Mình cho nó học đạo, tham gia sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể, ca đoàn từ bé. Hàng ngày mình vẫn nói với nó về niềm tin, các nguyên tắc luân lý, đạo đức. Nhưng khoảng một năm nay nó bỏ luôn không cầu nguyện, nghỉ mọi sinh hoạt, và không tham dự các thánh lễ nữa. Mình đã nhiều lần hỏi nó tại sao không đi lễ nữa, thì nó trả lời: “Đi lễ là quyền của con. Ba nói khi con lớn con có quyền quyết định về đời sống tâm linh của con. Bây giờ con đã lớn, và con quyết định không đi lễ nữa.” Mình cũng hỏi nó, thế con có định bỏ Chúa hay không? Và lần nào nêu lên câu hỏi này nó cũng trả lời tỉnh bơ: “Tin Chúa là việc của ba. Không tin Chúa là việc của con. Tin hay không tin là do con quyết định.” Tiếp theo là mình được nghe nó lý luận: “Bạn con chúng nó cũng bỏ đạo, bỏ Chúa hết rồi. Chẳng còn đứa nào tin đạo, tin Chúa nữa. Chúng nó không cầu nguyện, không đi lễ mà vẫn học giỏi, vẫn được điểm A. Trong trường, người ta dạy khác những điều mà ba má cứ cho là tội. Thật sự thì không có tội. Tội là do tôn giáo bày đặt ra, là cái ba vẫn dùng để “hù” con khi con còn nhỏ. Con thấy người ta làm chuyện ấy nhiều vô kể, thí dụ, bọn trẻ sex với nhau, bồ bịch với nhau, phá thai, xì ke, và uống rượu. Cả người lớn cũng vậy, có sao đâu. Thế giới này là một thế giới mà mọi người đang theo chủ thuyết “relativism”. Ba có biết relativism là gì không? Là cái mà nếu một người làm thì có thể xấu, như sex với nhau ở tuổi teen chẳng hạn, nhưng nếu nhiều đứa teenagers mà sex với nhau thì đứa nào kết án đứa nào? Nếu xấu, nếu tội tại sao nhiều người làm, và không ai nói.” Thế là mình đành nín thinh vì biết rằng đối với con mình, mình đã trở thành kẻ lỗi thời. Bởi vì tôn giáo và các giá trị tinh thần cao quí của luân lý, đạo đức trẻ em ít được biết đến trong môi trường học đường. Chúng được giáo dục, được đọc sách, đọc báo, xem phim ảnh, theo quan điểm của cấp tiến, của lối sống duy vật, hưởng thụ, và tương đối về luân lý đạo đức.”

Những kẻ cấm đạo đang hiện hình trong môi trường gia đình, học đường, chính trị, xã hội và cả tôn giáo. Hành động cấm đạo xảy ra đó đây, thế nhưng đôi khi lại rất hấp dẫn, thu hút. Không phải chỉ giới trẻ mà mọi người ngày nay hầu như đều có cùng quan điểm giống nhau về việc hợp thức hóa ly dị, hợp thức hóa phá thai, trai gái sống chung mà không cần hôn nhân, chuyển đổi giới tính, hôn nhân đồng tính. Trong Giáo Hội, chính thành phần tu hành lại đòi hỏi linh mục được kết hôn, phụ nữ được phong chức linh mục, hoặc chủ trương và sống với đường lối “giáo sỹ trị”, tục hóa đời tận hiến, lợi dụng thánh chức để lạm dụng tình dục, xúc phạm trẻ vị thành niên, và những tâm hồn yếu đuối, mỏng dòn.

Tóm lại, ngày nay những hình thức cấm đạo, phá đạo rất nhiều, rất đa dạng, nhưng cũng rất tinh vi. Việc một nhóm người, một đảng phái chính trị, hoặc ai đó đốt phá nhà thờ, triệt hạ thánh giá, đập phá các ảnh tượng, ngăn cấm việc cử hành các thánh lễ, bỏ tù và giết hại các tín hữu chỉ là những hình thức cấm đạo mặt nổi. Ngoài chủ thuyết relativism đang lan truyền khắp nơi, ảnh hưởng vào cuộc sống hiện tại, thì mặt chìm và nguy hiểm hơn vẫn là việc lạm dụng và lợi dụng những nguyên tắc nhân quyền, những kẽ hở luật pháp của một quốc gia, sức mạnh chính trị, hoặc niềm tin tôn giáo để “cấm đạo”.

Vậy những kẻ chủ mưu, tiếp tay với những hành động ấy thì gọi họ bằng gì? Chắc chỉ có một tên gọi thích hợp nhất dành cho họ, đó là “Quân Cấm Đạo”.