Trần Mỹ Duyệt
Có ba vấn đề mà tôi đã nghe nhiều người khuyên không nên “đụng đến”, đó là tôn giáo, tình yêu, và chính trị. Theo tôi hiểu, khi đi vào những tranh luận về ba vấn đề này kết luận chắc chắn là không có phần thắng mà cũng không có phần thua, nhưng chỉ chuốc lấy bất đồng, chia rẽ, và mua cho mình những kẻ thù mà thôi.
“Đố ai định nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều.
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu”.
(Xuân Diệu)
Chỉ qua bốn câu thơ trên bạn và tôi đã không có câu trả lời cho chính mình và cho nhau về tình yêu, nói gì đến chuyện bàn cãi, tranh luận.
Còn tôn giáo? Tôi đã đọc đâu đó tư tưởng của một triết gia khi ông nói về tôn giáo, đại khái: “Tôn giáo là một cái gì nhảm nhí. Nhưng tiếc rằng không ai có thể dẹp bỏ được điều nhảm nhí ấy”. Lịch sử đã chứng minh câu nói này đúng. Làm sao dẹp bỏ được tôn giáo trong khi vẫn có những người sẵn sàng chết vì niềm tin của mình. Thực tế nhất tại Trung Quốc hiện nay, người ta đang xử dụng mọi mưu đồ, kể cả sức mạnh của tra tấn, của tù tội, và cái chết để loại bỏ tôn giáo, nhưng tôn giáo vẫn là một thách thức lớn lao đối với tập đoàn lãnh đạo. Làm sao bạn có thể tranh luận và chứng minh cho tôi là tôn giáo bạn hơn tôn giáo của tôi, trong khi tôn giáo phát xuất từ niềm tin, từ nhận thức về đấng Tối Cao mà Thượng Đế đã phú trao vào tâm hồn của mỗi người. Con người sinh ra tự nhiên đã có nhu cầu tâm linh.
Còn chính trị thì dĩ nhiên là không nên đụng chạm tới nếu không muốn vô tù hoặc mất mạng. Hãy nhìn vào những trại tù, những trại tập trung, và vào hậu quà của hai thế chiến,. Đại dịch Vũ Hán (Covid-19) đang gieo kinh hoàng, chết chóc trên thế giới là gì nếu không phát xuất từ mưu đồ chính trị. Nó được cho là tham vọng bá chủ của tập đoàn Cộng Sản Trung Quốc. Tại Hoa Kỳ ngày bầu cử tổng thống, 3 tháng 11 càng gần thì cuộc đấu đá, tranh dành càng dữ dội, gay gắt và khốc liệt giữa đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa, giữa ứng cử viên Trump và Biden, giữa những người theo khuynh hướng chính trị, đảng phái.
Tôi không phải là một chính trị gia, và tôi cũng không nghiên cứu về chính trị, nhưng vẫn thích nghe người này, người khác nói và bàn về chính trị. Đơn giản vì đề tài này có những điểm nóng. Nó luôn luôn được bênh và chống từ những người ủng hộ một cách tích cực, đôi khi gọi là sùng bái, cuồng nhiệt.
Nói là không nên để mình bị liên lụy đến chính trị, nhưng gần đây tôi cũng bị vạ lây khi trích đăng, phổ biến một vài bài viết liên quan đến cuộc bầu cử từ các tác giả khác nhau. Tôi bị coi như bênh vực, cổ võ cho tổng thống Trump, và ngược lại, thù ghét Biden vì không trích đăng những bài người khác khen ông ta. Và thế là tôi phải buộc lòng dàn trải tâm sự mình qua những dòng suy tư này.
Tôi là người có niềm tin. Tôi tin vào Thượng Đế, tin vào những giá trị luân lý và đạo đức mặc dù tôi không bao giờ nhận mình là người đạo đức. Chính vì vậy, tại sao tôi không có quyền bênh hay ít ra khen một người đã can đảm cổ võ cho những giá trị tinh thần, những giá trị của tôn giáo, những giá trị của lề luật tự nhiên. Một người dám đứng lên phục hồi lại những giá trị này trong môi trường giáo dục, nơi công cộng, và trên bình diện xã hội. Một người đã dám ngăn cản những hành động ngược lại với luân lý, với đạo đức tự nhiên như ly dị, phá thai, hôn nhân đồng tính…
Đọc trong hiến pháp Hoa Kỳ, tôi thấy các vị quốc phụ nước này đã xây dựng đất nước trên nền tảng của niềm tin. Niềm tin vào Thượng Đế được tuyên xưng một cách rõ ràng, công khai trên những đồng tiền: “In God we trust”. Tin vào Thượng Đế là chấp nhận những giá trị tinh thần, những giá trị luân lý và đạo đức. Tổng thống Trump không phải là người Công Giáo, nhưng xét theo khía cạnh tôn giáo, ít nhất ông cũng hơn đối thủ của ông là Biden khi ông này công khai cổ võ cho những hành động vô luân, thiếu đạo đức. Ông Trump chưa bị những giới hạn về niềm tin và tôn giáo từ những thẩm quyền tôn giáo, nhưng ông Biden ít nhất hai lần đã bị từ chối công khai trong những nghi lễ tôn giáo. Ông đã bị từ chối không cho rước lễ do tư tưởng và chủ trương phò phá thai của ông. Về mặt đạo đức cá nhân, ông còn là người đã từng vướng vào những scandal tiền và tình.
Trong khi một người cố gắng bảo vệ an toàn lãnh thổ, chống lại những xâm nhập từ kẻ thù luôn rình rập ăn cắp tài sản trí tuệ, đe dọa nền an ninh quốc gia. Ngược lại, một người ủng hộ và muốn cho đất nước tự do, văn minh và tiên tiến này biến thành “thiên đường xã hội chủ nghĩa”. Có thể là trong thâm tâm ông Biden không nghĩ vậy, nhưng vì lá phiếu, vì muốn cái ghế tổng thống Hoa Kỳ nên ông đã dối lòng. Hoặc cũng có thể là miễn sao ông đạt được mộng ước của mình rồi ra sao thì hạ hồi phân giải.
Là một nhà chính trị lão luyện chắc ông Biden – ít là trên lý thuyết – thừa biết chủ nghĩa xã hội là gì. Thiên đường xã hội chủ nghĩa là gì. Nó được hình thành như thế nào. Thử hỏi trong thực tế, trên thế giới có quốc gia xã hội chủ nghĩa nào đã trở thành một thiên đường mà nhiều người thèm khát và mong được đến đó như Hoa Kỳ hay chưa? Cái logic ngớ ngẩn, ngây thơ của Biden về xã hội chủ nghĩa, thiên đường xã hội chủ nghĩa liệu có rơi vào bẫy sập, xảo kế, và mưu mô của Tập Cận Bình và tập đoàn lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc hay không? Hoặc ở một góc nhìn nào đó, người ta có lý để nghĩ rằng ông là người bị hội chứng ảo tưởng (delusion). “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, nhưng hãy nhìn xem những gì Cộng Sản làm” (Nguyễn Văn Thiệu). Ông Biden chắc chắn chưa đọc mà nếu có đọc thì vẫn chưa thuộc, chưa hiểu câu nói này của cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa.
Một đất nước sa sút về kinh tế, văn hóa, hoặc yếu kém về khoa học còn có thể phục hồi và mau chóng vươn lên được, nhưng một đất nước suy thoái về mặt luân lý đạo đức thì kể như đất nước ấy đã tự chôn vùi mình. Thật bất hạnh nếu một đất nước bị lãnh đạo bởi một người mà trí não luôn ảo tưởng về một thiên đường xã hội chủ nghĩa, là điều không bao giờ có trong cõi trần gian. Một lãnh đạo quá ngây thơ đến dễ dàng bị lừa bịp bởi mớ lý thuyết lỗi thời tưởng như đã bị trôi vào cống rãnh lịch sử khi chủ thuyết Cộng Sản bị giải thể tại Nga.
Khi bênh ông Trump, cổ võ cho ông tôi chẳng nhận được đồng xu nào về việc làm này. Tôi cũng biết cá nhân ông vẫn còn có những bất toàn, tư cách con người của ông không hẳn đã làm tôi mến ông. Ông phát ngôn lắm lúc bốc đồng. Lối hành xử của ông đôi khi bất nhất. Nhưng biết sao, “nhân vô thập toàn”. Ở vào hoàn cảnh “thù trong, giặc ngoài” mà nắm vững giềng mối quốc gia và phục hồi được vị thế, vai trò đệ nhất của Hoa Kỳ giữa những suy thoái về mọi mặt là điều mà ít người làm được. Ông đáng được lịch sử ghi nhận và tuyên dương.
Tóm lại, giữa hai chọn lựa, cách tốt nhất là phải chọn cái gì ít nguy hiểm hơn, ít xấu hơn. Đây cũng là nguyên tắc luân lý, là sự khôn ngoan tối thiểu. Trong trường hợp này, tôi nghiêng về phía người có giá trị luân lý, đạo đức hơn, một người có tâm huyết hơn với quốc gia và dân tộc. Và đến đây hẳn bạn hiểu là tôi đang muốn nói gì cũng như chọn ai. Xin nhắc lại một lần nữa, tôi không phải là người của chính trị, và tôi cũng không phải là người cuồng một ai đó. Tôi suy nghĩ và chọn lựa theo lương tâm của chính tôi.