Các nhà hoạt động vì người khuyết tật phản đối các dự luật trợ tử là nguy hiểm, phân biệt đối xử

Hơn 2.000 xác thai nhi do phá thai được phát hiện tại nhà của một bác sĩ
“Bỏ phiếu cho gia đình” và “Bỏ phiếu cho sự sống”
Làm sao để Giáo hội Hoa Kỳ tiếp cận được với giới trẻ bằng cách xây dựng mối quan hệ ?

Thủ phủ tiểu bang Connecticut

Khi nhiều tiểu bang đang cứu xét về luật trợ tử,  thì các nhà hoạt động trợ giúp người khuyết tật đang lên tiếng và nói rằng các dự luật  này thật là nguy hiểm, dẫn đến hậu quả không lường trước được khiến cuộc sống của người khuyết tật có thể gặp khó khăn.
Các nhà lập pháp tiểu bang Connecticut hiện đang cứu xét dự luật HB 5898, “An Act Concerning Aid In Dying For Terminally Ill Patients,” (Đạo luật  trợ  tử cho bệnh nhân mắc bệnh nan y). Dự luật này cho phép các bác sĩ cho toa thuốc để giúp  những người mà bác sĩ tiên đoán là chỉ còn có thể sống được dưới 6 tháng được tự tìm cái chết cho mình. Bệnh nhân sẽ được phép tự dùng thuốc khi muốn kết thúc cuộc sống của họ.
Dự luật HB 5898 được mô phỏng theo luật trợ  tử của tiểu bang Oregon,  nơi ban hành  luật này đầu tiên tại Hoa Kỳ. Hôm thứ Hai, 18/3/2019, các thành viên của Ủy ban Y tế Công cộng Tiểu bang đã nghe những chứng từ của cả hai nhóm : ủng hộ và phản đối dự luật.
Cathy Ludlum, một trong những người lãnh đạo của nhóm Second Thought Connecticut (Ý Kiến Thứ Hai của Connecticut) và cũng là một phụ nữ bị khuyết tật, đã  gởi chứng từ bằng văn bản gửi qua email cho tất cả các thành viên của Ủy ban Y tế Công cộng.
Trong chứng từ, được chuyển đến CNA bởi nhóm Second Thought Connecticut, Ludlum giải thích rằng ngôn ngữ của dự luật khiến người khuyết tật gặp nguy hiểm.
Ludlum nói: “Một thực tế phũ phàng, người khuyết tật sẽ là hậu quả  hệ lụy của bất cứ phương pháp tự lựa chọn cái chết nào. Nhiều người trong chúng ta bị khuyết tật nghiêm trọng và rõ ràng bị các bác sĩ thường xuyên  nghĩ là đã đến giai đoạn cuối, lúc mà cái chết đã đến rất gần.”
Ludlum cho biết  những định nghĩa trong dự luật này cũng có nghĩa là bản thân cô sẽ được xem là người bị bệnh nan y, mặc dù cô không bị như vậy.
Phần  xác định “bệnh nan y” ở  “giai đoạn cuối, đó là giai đoạn của một tình trạng y khoa không thể chữa khỏi và không thể thay đổi được mà một bác sĩ dự đoán, theo phán đoán y khoa hợp lý, sẽ gây ra cái chết cho bệnh nhân trong vòng sáu tháng.”
Cô Ludlum đã chỉ rõ trong đó “không có chỗ nào nói rằng ‘có hoặc không có sự điều trị. Hầu hết mọi người cho rằng luật này là dành cho những người đã dùng hết tất cả các lựa chọn điều trị, nhưng thật ra không phải là như vậy.”  Ludlum giải thích rằng cô được nuôi bằng ống truyền dinh dưỡng và cần hỗ trợ hô hấp khi ngủ.
Ludlum nói : “Nếu không có những phương pháp điều trị này, tôi sẽ không sống được sáu ngày chứ đừng nói chi sáu tháng.  Điều gì để ngăn cản những người như tôi đến văn phòng bác sĩ và nói: Tôi đã hết cách chữa trị rồi. Tôi sẽ dừng tất cả các điều trị của tôi?”
Một người điển hình như trong tình huống này sẽ không được phép tự sát, và thay vào đó nên nhận được tư vấn. Ludlum lo ngại rằng ai đó bị khuyết tật sẽ có nhiều khả năng nhận được những cái gật đầu đồng ý.
Cô Ludlum cũng lo ngại rằng luật pháp sẽ cho phép các bác sĩ gợi ý cho bệnh nhân khuyết tật tự kết thúc cuộc sống của họ, hoặc ngừng những điều trị cần thiết. Cô ấy lưu ý rằng do ngôn ngữ của dự luật, trong đó tuyên bố rằng thuốc gây chết người “có thể” tự uống, trái ngược với điều, đó sẽ là “phải” tự uống, sẽ không có gì ngăn cản người khác kết thúc cuộc sống của bệnh nhân.
Một nhóm khác phản đối luật  trợ  tử là United Spinal Association (Hiệp hội Cột Sống Hoa Kỳ), một tổ chức phi lợi nhuận “dành giúp người Mỹ bị chấn thương, hoặc rối loạn chức năng cột sống, cải thiện  cuộc sống của họ tốt hơn.”
James Weisman, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của United Spinal Association nói với CNA rằng tổ chức của ông phản đối những dự luật này không phải vì lý do tôn giáo hay chính trị, mà bởi vì “mọi người – thành viên gia đình và trong ngành Y – thường không hiểu được khả năng tiềm ẩn của những người bị liệt tứ chi muốn  sống một cuộc sống đầy đủ, có ý nghĩa với công việc và gia đình trong cộng đồng, sau khi họ bị gãy cổ.”
Ông tin rằng luật  trợ  tử  bắt nguồn từ việc phân biệt đối xử với người khuyết tật, bởi vì mọi người sợ cuộc sống sẽ khó khăn khi đối diện với những khiếm khuyết.
Ông Weisman nói rằng: “Không ai muốn bị gãy cổ. Mọi người đều nói rằng họ thà chết còn hơn bị gãy cổ. Mỗi một người trong số các thành viên bị liệt tứ chi của chúng tôi nói rằng họ muốn chết khi phát hiện ra mình sẽ bị liệt tứ chi. Nhưng đại đa số vẫn tiếp tục cuộc sống đầy ý nghĩa.”
Weisman nói với CNA rằng ông muốn thấy có một hướng mở rộng việc chăm sóc để giảm thiểu cho những người bị đau đớn, cũng như tăng cường giáo dục cho những người trong lĩnh vực y tế về cách có thể sống một cuộc sống có ý nghĩa với khuyết tật.
Weisman cho biết:  “Khi những người trong ngành y tế và công chúng không hiểu biết thấu đáo thì sẽ khuyến khích những người bị gãy cổ hoặc bị thương khác chấm dứt cuộc sống của họ. Đây là một giả thuyết khi người ta cho rằng tất cả những người khuyết tật đều muốn chết, để rồi chúng ta quyết định ai có thể sống và ai có thể chết.”
Hiện có 16 tiểu bang khác trên toàn quốc Hoa Kỳ đang trong quá trình thông qua luật tương tự, bao gồm Maryland và Nevada.
Các thành viên của Ủy ban Tố tụng Tư pháp tại Thượng viện Maryland đã phê chuẩn “End-of-Life Option Act” (Đạo luật lựa chọn kết thúc cuộc sống) vào thứ Sáu,  22/3/2019. Dự luật đã được thông qua  Hạ viện Tiểu bang hồi đầu tháng ba.
Tại Nevada, Thượng viện Tiểu bang đang cứu xét đạo luật SB 165, cho phép các bác sĩ kê đơn thuốc trợ  tử cho bệnh nhân mắc bệnh nan y trên 18 tuổi. Dự luật đã được thông qua một phiên họp của Ủy ban Dịch vụ Nhân sinh và Sức khỏe Thượng viện tiểu bang.
Dự luật đó, tương tự như ở Connecticut, định nghĩa “tình trạng nan y” là một tình trạng không thể chữa khỏi và không thể thay đổi bằng bất kỳ liệu pháp hoặc điều trị y tế hiện tại nào, và theo ý kiến của bác sĩ đang điều trị, sẽ dẫn đến tử vong trong vòng 6 tháng.”
Cũng giống như Connecticut, dự luật không nêu rõ liệu cái chết sẽ xảy ra khi được hoặc không được điều trị.

(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết của Christine Rousselle đăng trên CNA)