Một “Cầu Thang Thánh”, bằng đá cẩm thạch trắng nguyên thủy của Rôma, sẽ được trưng bày để mọi người đến tôn kính, từ ngày 11/4/2019 – 9/6/2019 (Ngày lễ Ngũ Tuần). Trong thời gian này, khách hành hương có thể leo lên các bậc đá cẩm thạch bằng đầu gối của họ. Cầu thang, được bọc bằng gỗ từ năm 1700, được cho là nơi để dẫn những người đến gặp Philatô ở Giêrusalem, và Chúa Giêsu đã bước trên chiếc thang này khi đến phiên tòa trước khi chịu đóng đinh. Đây là lần đầu tiên sau 300 năm “Cầu Thang Thánh” được mở ra để khách hành hương kính viếng.
Ông Cameron Paolo Violini, Violini, người đứng đầu việc phục hồi cầu thang, đã chia sẻ với đài EWTN: “Chúng tôi nghĩ rằng cơ hội này rất quan trọng. Ý tưởng mở Cầu thang cho công chúng thăm viếng bắt đầu khi việc gỡ gỗ ra để phục hồi Cầu Thang Thánh người ta đã phát hiện ra những bậc thang trắng tuyệt đẹp bên dưới. Không ai có thể nghĩ rằng họ có thể leo lên cầu thang đá cẩm thạch. Ngay khi chúng tôi vừa nhìn thấy những gì bên dưới, chúng tôi đã có ý tưởng là nên mở ra cho công chúng, cho những tín hữu nhiệt thành, mặ dù chỉ trong một thời gian ngắn. Miễn là thời gian phục hồi gỗ chưa hoàn thành, và nó chưa được bọc lại, các tín hữu có thể leo lên các bậc thang bằng một đầu gối.”
Theo truyền thuyết, cầu thang được Thánh Helena đưa đến Rôma vào thế kỷ thứ 4. Mẹ của Đại đế Constantine, người ta tin rằng bà đã khôi phục nhiều địa điểm ở Thánh địa và tìm ra Thánh giá thật, bên cạnh các thánh tích khác.
Cầu thang ở gần Nhà thờ Tổng Chánh tòa Thánh Gioan Lateran, lần đầu tiên đã được Đức Giáo Hoàng Sixtus V mở ra cho công chúng cách đây hơn 400 năm.
Ông Violini giải thích : “Vào năm 1724, Tôi tớ Chúa là Đức Thánh Cha Benedictô XIII đã che chắn các Cầu thang bằng gỗ để bảo vệ nó, vì đá cẩm thạch đã bắt đầu bị mài mòn đáng kể bởi những người hành hương trong những thế kỷ trước. Kể từ đó, những tấm đá cẩm thạch bên dưới lớp gỗ đã không còn nhìn thấy nữa, và bây giờ họ đã tái khám phá ra vào cuối Mùa Chay và Lễ Phục Sinh thì thật là “tuyệt vời” .
Cầu thang đã bị đóng cửa trong hơn một năm để phục hồi các bức bích họa trên các bức tường xung quanh các bậc thang và dẫn đến một nhà nguyện trước kia đã dành riêng cho các vị Giáo hoàng đó là Nhà thờ Thánh Lawrence.
Việc thay đổi mới các tấm ván gỗ trên cầu thang là bước cuối cùng.
Nhưng khi các công nhân phục hồi đã gỡ những tấm gỗ, họ đã tìm thấy những vết mòn sâu lõm ở giữa các bậc cầu thang. Ông Violini chia sẻ : “Thật là ngạc nhiên khi thấy tình trạng phải bảo tồn các bậc thang này, với mức độ mòn ở giữa bậc thang, đã khuyết mòn một rãnh khá sâu, đến mức một số bậc đã hoàn toàn mòn hết độ dày của tấm cẩm thạch. Tuy nhiên, cùng với việc phát hiện ra các bậc thang, chúng tôi nhận ra rằng đó không gì khác hơn là một dấu hiệu của việc sử dụng quá độ, của những người hành hương đi lên trên bằng đầu gối của họ. Phần mòn ở giữa được tạo ra bởi mũi giày, nằm trên bậc bên dưới, dùng lấy sức để đẩy mà leo lên bước tiếp theo.”
Trước khi được gỡ bỏ, những gỗ bao bọc các bậc thang có hình vuông được cắt ra để những người hành hương có thể cúi xuống và sờ vào đá cẩm thạch. Ngoài ra còn có các tấm kiếng để bảo vệ các điểm được cho là có dấu vết máu chân của Chúa Giêsu.
Những người hành hương khi đến cầu thang phải quỳ xuống bằng đầu gối của họ như một dấu hiệu của lòng thành kính và tôn kính, nhưng có thể chọn cách họ muốn cầu nguyện trong khi làm như vậy. Những người không thể leo lên bằng đầu gối của họ thì có thể quỳ ở bước đầu tiên và sau đó đi lên một trong những cầu thang khác để lên đến đỉnh.
Ngoài ra người hành hương còn nhận được ơn toàn xá, hoặc ơn đại xá khi đã ăn năn sám hối và đã được ân xá khi người đó leo hết toàn bộ cầu thang.
Các điều kiện thông thường cho một ơn toàn xá phải được đáp ứng: cá nhân phải ở trong tâm tình đón nhận ân sủng và hoàn toàn từ bỏ mọi tội lỗi. Người đó cũng phải hòa giải trong bí tích xưng tội và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và phải rước lễ trong hai mươi ngày trước hoặc sau khi được ơn toàn xá.
Tuy nhiên người hành hương cũng có thể được nhận ơn đại xá khi leo lên mỗi bậc thang trong lúc suy niệm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô.
(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết của Hannah Brockhaus trên CNA)