Mối quan hệ giữa các cặp “sống thử” kém ổn định so với các đôi “kết hôn”

Đại dịch Coronavirus: Các nhà tâm lý học Công giáo cho một nguyên tắc để ngăn ngừa tự tử
Vương cung thánh đường St. Bartholomew được dâng hiến cho các vị tử đạo của thế kỷ 20
Những điều có thể và không thể mà ĐTC Phanxicô làm sáng tỏ trước cáo buộc của ĐGM Viganò

Theo bản tin của CNA, ngày 17/3/2019,  một nghiên cứu mới ở 11 quốc gia trên thế giới, cho thấy các cặp  sống thử (sống chung nhưng không kết hôn) có nhiều nghi ngờ về mối quan hệ lâu dài, cũng như ít quan trọng hơn về cuộc sống chung của họ,  so với các đôi đã kết hôn.
Năm 2018, nhóm Global Family and Gender Survey (GFGS) (Khảo sát Gia đình và Giới tính toàn cầu) năm 2018 đã làm một cuộc khảo sát các tình huống sống ở nhiều quốc gia khác nhau. Người ta nhận thấy rằng trong nhóm tuổi từ 18-50, có con từ 18 tuổi trở xuống sống chung nhà , thì các đôi vợ chồng có sự tự tin hơn về mối quan hệ bền vững của họ, so với những cặp sống thử.
Đối với các quốc gia sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh (Anglosphere), trong năm qua, những người sống như vợ chồng với  nhau đã có sự nghi ngờ nghiêm trọng rằng mối quan hệ  giữa họ sẽ không có sự bền vững.
Tại Hoa Kỳ, nơi có sự khác biệt lớn nhất, thì 36% các cặp sống thử cho thấy sự nghi ngờ về mối quan hệ bền vững của họ là nghiêm trọng, trong khi đối với các đôi kết hôn tỉ lệ này chỉ có 17%.
Tại Anh, 39% các cặp sống thử đã nghi ngờ về mối quan hệ của họ. Tại  Úc tỉ lệ này là 35%,  34% tại Canada và Ireland, và tại Pháp là 31%.
Tại Nam Mỹ, các cặp sống thử ít có nghi ngờ về mối quan hệ của họ hơn các nơi khác, trong đó Argentina có tỉ lệ thấp nhất, chỉ có 19% bày tỏ sự nghi ngờ này.
Sự khác biệt ít nhất trong mối quan hệ đôi lứa được tìm thấy là ở Pháp, nơi niềm tin trong mối quan hệ giữa các đôi kết hôn và sống thử chỉ khác nhau1%.
Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy, mặc dù có sự khác biệt giữa các quốc gia, ngoài sự ổn định về mối quan hệ,  nhìn chung, các cặp  sống thử ít xác định mối quan hệ của họ là “quan trọng hơn mọi thứ khác trong cuộc sống”,  so với trả lời từ các đôi kết hôn.
Tại Hoa Kỳ, 75% các đôi  kết hôn cho biết mối quan hệ vợ chồng rất quan trọng đối với cuộc sống của họ, trong khi chỉ có 56% các cặp sống thử xem mối quan hệ của họ là quan trọng.
Tại Úc, sự khác biệt về tầm quan trọng được đặt ra trong mối quan hệ giữa các gia đình sống thử và kết hôn được tìm thấy là 15% và ở Ireland là 14%. Tại Vương quốc Anh, các câu trả lời của họ khác nhau 17%.
Đối với mỗi quốc gia ở Nam Mỹ, cuộc khảo sát cho thấy chênh lệch từ 9 đến 12 %, ngoại trừ ở Mexico, có chênh lệch 23%, ở Argentina, có chênh lệch 19%.
Tại Pháp, một lần nữa, sự khác biệt này không quá lớn, theo đó 73% các cặp  kết hôn và 70% các cặp sống thử, đồng ý rằng mối quan hệ đôi lứa quan trọng hơn hầu hết mọi thứ khác trong cuộc sống của họ.
Nhóm GFGS, được điều hành bởi Institute for Family Studies/Wheatley Institution (Viện Nghiên cứu Gia đình / Viện Wheatley),  đã thực hiện 16,474 cuộc phỏng vấn trực tuyến với người trưởng thành trong độ tuổi 18-50, tại các quốc gia Pháp, Canada, Úc, Ái Nhĩ Lan, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Chile, Peru, Mexico, Colombia và Argentina.
Bản tường trình của cuộc nghiên cứu, được viết bởi Wendy Wang và W. Bradford Wilcox, lưu ý rằng, “ngày càng có nhiều trẻ em ở các nước phát triển đang được nuôi dưỡng bởi những bậc cha mẹ đang sống chung nhưng không kết hôn. Sự khác biệt về sự ổn định giữa sống thử và kết hôn của các gia đình là điều rất đáng chú ý, vì trẻ em có nhiều khả năng phát triển trong các gia đình ổn định.
Theo các nhà nghiên cứu, cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng, “một yếu tố giải thích về sự ổn định cho cuộc sống gia đình gắn liền với hôn nhân là sự cam kết. Cụ thể, nghiên cứu này cho thấy các cha mẹ đã kết hôn có nhiều khả năng coi trọng mối quan hệ của họ hơn so với các cha mẹ sống thử.”

(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết đăng trên CNA)