Những điều có thể và không thể mà ĐTC Phanxicô làm sáng tỏ trước cáo buộc của ĐGM Viganò

ĐTGM Gomez kêu gọi mọi người cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi những vụ cháy rừng ở tiểu bang California
Kết hợp thế giới với tình yêu của Chúa Kitô
Bảo vệ sự sống : Tiếng chuông đã gióng lên từ những ngôi thánh đường tại Brazil…

ĐTGM. Carlo Maria Viganò

Đã hơn hai tuần lễ kể từ khi cựu sứ thần Tòa Thánh ở Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò,  phát hành “lời tố cáo” dài 11 trang của ngài về những gì  gọi là “trường hợp đau lòng về nguyên Tổng Giám mục  của Washington, DC, Theodore McCarrick.”
Trong khi ĐTC Phanxicô, hay bất kỳ Hồng y cao cấp nào, trả lời trực tiếp về những tuyên bố của ĐGM Viganò, hoặc nói một cách rõ ràng về vụ bê bối của ĐHY McCarrick đang diễn ra, thì  ngày 10/9/2018 một tuyên bố của Hội đồng Hồng y C9 (*) cho rằng “Toà Thánh sắp sửa có giải thích cần thiết”
Thật ra những gì sẽ được “làm sáng tỏ” vẫn chưa rõ ràng, nhưng dường như Vatican sẽ giải quyết cáo buộc cho rằng ĐTC Phanxicô “che giấu” cáo buộc về lạm dụng tình dục của ĐHY McCarrick – mặc dù điều này không bị cáo buộc trực tiếp từ Đức TGM Viganò.
Cho đến khi Rôma lên tiếng, thì các thắc mắc sẽ vẫn tiếp tục nêu ra về sự tiến cử của TGM McCarrick lên hàng lãnh đạo cấp cao trong Giáo hội. Điều này rõ ràng cho thấy  những yêu cầu “tiết lộ đầy đủ” từ giới lãnh đạo trong Giáo hội về vấn đề trên sẽ vẫn tiếp tục.
Để đạt được mục tiêu đó, một số nỗ lực đã được thực hiện để xác định rõ ràng hơn về những tuyên bố của ĐGM Viganò liên quan đến trường hợp của ĐHY McCarrick đã tiến triển đến đâu, cũng như những gì đã, hoặc chưa thực hiện, để giải quyết các cáo buộc chống lại ngài.

*

Linh mục Boniface Ramsey, một cựu Giáo sư tại Chủng viện Neward thuộc  Đại học Seton Hall, đã công khai tuyên bố rằng ngài đã gửi một bức thư cho Sứ thần Tòa Thánh, Tổng Giám mục Gabriel Montalvo, ngay sau khi ĐHY McCarrick được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Washington vào năm 2000.
Trong thư của ngài, linh mục Ramsey đặc biệt nhấn mạnh đến điều đã nghe từ chủng sinh của ngài rằng: ĐHY McCarrick đã chia sẻ giường ngủ của mình với chủng sinh. Chứng ngôn của ĐGM Viganò nói rằng bức thư của linh mục Ramsey, đã chính thức không được công nhận, đã được chuyển tiếp tới Rôma và được các vị có trách nhiệm cứu xét.
Tuần trước, một tin đã xuất hiện và cho rằng vào năm 2000,  ĐHY Leonardo Sandri, lúc đó là một Tổng Giám mục và là “thừa quyền” hay một viên chức cao cấp thứ hai của Bí Thư Tòa Thánh, đã gửi cho linh mục Ramsey một lá thư liên quan trực tiếp tới lá thư năm 2000 của ngài về các chủng sinh ở Newark.
Trong khi những thắc mắc về lý do tại sao những quan tâm của linh mục Ramsey không được thừa nhận, hoặc hành động vào thời điểm đó, vẫn chưa có câu trả lời, thì bức thư của ĐHY Sandri xuất hiện đã ít nhất minh chứng cho câu chuyện của ĐGM Viganò, mặc dù bức thư ấy không trực tiếp nêu chính xác là linh mục Ramsey đã báo cáo vấn đề này cho  Vatican vào năm 2000.
Tuy nhiên, những tuyên bố của ĐGM Viganò tưởng như đáng tin cậy, đã bị nghi ngờ.  Bởi vì, ngoài việc khẳng định những gì ngài tuyên bố là sự thật về vụ ĐHY McCarrick, ĐGM Viganò thêm những suy đoán về việc đã biết vụ việc và các động cơ của các Hồng y khác trong nhiều đoạn của bức thư.  Đôi khi việc nêu vấn đề bao gồm cả sự thật và nghi đoán đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về động lực của ĐGM Viganò, và làm giảm giá trị toàn bộ văn bản của ngài.
Một số lượng đáng kể sự phỏng đoán của ĐGM Viganò liên quan đến thắc mắc về thực tế làm sao ĐHY McCarrick được thăng chức lên Tổng Giáo phận Washington, cho dù có ít nhất một số tin tức về hành vi của ngài ở New Jersey đã gởi tới Rôma.  ĐGM Viganò nghĩ rằng ĐHY Angelo Sodano, Ngoại trưởng Vatican cho đến năm 2006, có thể là người quan trọng cho sự thăng chức của ĐHY McCarrick.
Lời cáo buộc của ĐGM Viganò khẳng định rằng ĐHY Sodano đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ  linh mục Marcial Maciel, người sáng lập của Legionaries of Christ, người sau này được tiết lộ là một người xâm phạm tình dục hàng loạt. TGM Viganò suy đoán rằng “nếu ĐHY Sodano bảo vệ  linh mục Maciel, thì dường như chắc chắn, không có lý do gì khiến ngài không làm như vậy cho ĐHY McCarrick, người mà theo nhiều người nghĩ rằng có nhiều phương tiện tài chính để làm ảnh hưởng đến quyết định của việc thăng chức.”
Không có một bằng chứng, hoặc ngay cả hiểu biết tiên quyết được đưa ra bởi ĐGM Viganò cho giả thuyết này, mặc dù nhiều người biết ĐHY McCarrick như là một nhân vật nổi tiếng có khả năng gây quỹ.
Trong khi ĐHY McCarrick có thể đóng góp đáng kể cho mọi việc, từ Quỹ Giáo hoàng cho đến các dự án riêng lẻ trong các giáo phận trên khắp thế giới, sự hỗ trợ tài chính mà ngài cung cấp cũng có thể là cá nhân.
Một Hồng y đã nói với CNA: “Khi ngài ấy đến thăm Rô-ma, ĐHY McCarrick được nhiều người biết đến việc ngài trao các phong bì tiền cho các Giám mục và Hồng y để cảm ơn họ vì công việc của họ. Những ‘vinh dự’ này xuất phát từ đâu, hoặc với ý định gì, chính xác, không bao giờ rõ ràng – nhưng nhiều người cũng đã nhận chúng.”

*

Khi được thăng chức, ĐHY McCarrick được nhiều người coi là một sự lựa chọn bất ngờ cho Tổng Giáo phận Washington, và rõ ràng là việc tiến chức của ngài đã có ý kiến ủng hộ, cũng như chống đối ở Rôma.
ĐGM Viganò cho rằng việc ĐHY McCarrick chuyển đến Washington vào năm 2000 đã bị phản đối mạnh mẽ bởi người đứng đầu Hội đồng Giám mục lúc bấy giờ là ĐHY Giovanni Battista Re. Ngài tuyên bố rằng các hồ sơ trong tòa án ở Washington có lưu một chú thích viết tay từ ĐHY Re, trong đó ngài đã “tách khỏi cuộc tiến cử và nói rằng ĐHY McCarrick đứng thứ 14 trong danh sách cho Washington.”
Trong khi không có Hồng y nào, từ cựu cho đến cả những vị đang phục vụ, sẵn sàng công khai nói về vấn đề này, các nguồn tin từ Hội đồng Giám mục và các cơ quan của Vatican khác đã xác nhận với CNA rằng các hồ sơ được lưu trữ liên quan đến việc tiến cử Tổng Giám mục McCarrick có lưu hồ sơ của những người ủng hộ và cả không ủng hộ sự tiến cử ngài. Mặc dù chưa được xác nhận, một nguồn tin nói với CNA rằng: có một văn bản của ĐHY Battista Re viết để  phản đối việc tiến cử này.
Sự minh bạch về những ai là người ủng hộ và phản đối việc bổ nhiệm ĐGM McCarrick chắc sẽ còn rất lâu mới làm sáng tỏ được vấn đề là làm cách nào mà ĐHY McCarrick có thể thăng tiến trong hàng lãnh đạo cao cấp trong Giáo hội như vậy.

*

Những câu hỏi quan trọng liên quan đến việc bổ nhiệm của ĐHY McCarrick đến Washington,  đó là cáo buộc của ĐGM Viganò về những gì  xảy ra sau khi ĐHY McCarrick đã nghỉ hưu vào năm 2006 mà tại sao vẫn tiếp tục tạo ra những tranh cãi nhất.
Theo ĐGM Viganò, khi những cáo buộc từ quá khứ của ĐHY McCarrick vẫn tiếp diễn, ĐTC Benedict XVI đã áp đặt “các biện pháp kỷ luật” đối với ngài. ĐGM Viganò tuyên bố, những điều này bao gồm lệnh rời khỏi chủng viện nơi ngài đang sống và rút khỏi đời sống công cộng. Theo đó,  ĐGM Viganò đã nhấn mạnh rằng trong khi  ĐTC Benedict áp đặt “biện pháp kỷ luật” với ĐHY McCarrick thì ĐTC Phanxicô lại bãi bỏ những biện pháp ấy,  ngay sau cuộc bầu cử của ngài. Do đó, sự tồn tại, thời gian và bản chất của những “biện pháp trừng phạt theo quy tắc giáo luật” này đã trở thành trung tâm điểm cho sự tin tưởng của ĐGM.
ĐGM Viganò tuyên bố rằng lần đầu tiên ngài được thông báo không chính thức về các biện pháp kỷ luật này bởi ĐHY Battista Re, nhưng ngài không biết năm nào họ đã áp dụng, có thể vào năm 2009 hoặc 2010. Ngài cho biết ngài đã chính thức nói vấn đề của ĐHY McCarrick, khi ngài được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ vào năm 2011, được tường trình bởi Hồng Y Marc Ouellet, người kế nhiệm của ĐHY Re làm trưởng Giám mục đoàn.
Chưa có hồng y nào đã nói ra để xác nhận hoặc từ chối về những tuyên cáo của ĐGM Vigano.
Tuyên bố của vị Sứ thần nói rằng các lệnh kỷ luật đã được ban hành đến ĐHY McCarrick từ người tiền nhiệm của ĐGM Viganò ở Washington là TGM Pietro Sambi, người đã qua đời vào năm 2011. Để minh chứng điều này, ĐGM Viganò đã trích dẫn lời Đức ông Jean-François Lantheaume, một cựu ngoại giao của Vatican, người đã làm việc với cả hai, ĐHY Sambi và ĐGM Vigano.
ĐGM Viganò nói rằng, khi ngài đến Washington vào năm 2011, Đức ông Lantheaume nói với ngài về một cuộc gặp gỡ giữa ĐHY McCarrick và ĐHY Sambi, khi tiếng nói  của ngài có thể được nghe thấy “từ ngoài hành lang.”
Đức ông Lantheaume đã từ chối bình luận công khai về vấn đề này, ngoài việc nói rằng “ĐGM Viganò nói sự thật.”
Vào tháng Tám, CNA được báo cáo rằng hai nguồn đã xác nhận một cuộc họp năm 2008 giữa Tổng Giám mục Sambi và ĐHY McCarrick, trong đó ĐHY McCarrick được lệnh rời khỏi Chủng viện Redemptoris Mater, nơi ngài đang sống trong một căn hộ.
Theo những nguồn tin đó, lệnh này được ban ra do chỉ thị rõ ràng của ĐTC Bênêđictô XVI.
Vào ngày 10/9, tờ báo Ý La Stampa cũng báo cáo rằng ĐHY McCarrick được yêu cầu rời khỏi chủng viện theo lệnh của ĐTC Benedict, với chỉ thị đó vào đầu năm 2007.
Để quả quyết thêm cho sự thật của các hạn chế đặt trên ĐHY McCarrick, lời chứng của ĐGM Viganò nói rằng ĐHY Donald Wuerl cũng biết được những chỉ thị được trao cho ĐHY McCarrick. Nhắc lại một trường hợp cụ thể mà ĐHY Wuerl can thiệp để hủy bỏ một buổi mà ĐHY McCarrick đã được sắp xếp để tổ chức cho những người trẻ giới thiệu về nhận thức ơn gọi, ĐGM Viganò nói rằng điều này “rõ ràng ngay” với ngài rằng ĐHY Wuerl hoàn toàn biết được tình hình của ĐHY McCarrick.
Về phần mình, ĐHY Wuerl đã từ chối đã nhận bất kỳ “tài liệu hoặc thông tin nào từ Tòa Thánh cụ thể cho hành vi của ĐHY McCarrick hay bất kỳ sự cấm đoán nào về cuộc đời và mục vụ của ngài được báo cáo bởi Tổng Giám mục Viganò.”
ĐHY Wuerl cũng đã phủ nhận rằng ngài đã cung cấp “bất kỳ thông tin nào liên quan đến những lý do cho sự ra đi của ĐHY McCarrick từ Chủng viện Redemptoris Mater”, mặc dù ĐHY McCarrick sau đó chuyển đến một căn hộ của tổng giáo phận, được tân trang rộng rãi, để ngài ở.
Về việc hủy bỏ một buổi gặp chủng sinh mà đáng lý ĐHY McCarrick sẽ hiện diện, người phát ngôn của ĐHY Wuerl xác nhận rằng ngài đã can thiệp nhưng nói rằng “ĐGM Viganò cho rằng ĐHY Wuerl có thông tin cụ thể, nhưng thật ra ĐHY Wuerl không có.”
Trong khi đó, nhiều báo cáo trên phương tiện truyền thông đã nhấn mạnh về sự xuất hiện trước công chúng của ĐHY McCarrick sau khi đã bị áp dụng các hạn chế này, bao gồm cả việc được công khai chào đón bởi ĐTC Benedict XVI. Những điều này, cùng với sự di chuyển tiếp tục của ĐHY McCarrick đến một chủng viện khác trong Tổng Giáo phận Washington dường như đã đi ngược lại “hình phạt” thực sự đã được áp đặt và thi hành với ngài.
ĐGM Viganò cho rằng một số hạn chế đối với ĐHY McCarrick dường như đã được chứng minh một phần – những nguyên nhân rõ ràng và nhất quán rằng ĐHY McCarrick đã được lệnh rời khỏi Chủng viện Redemptoris Mater, cùng với việc bị hủy bỏ buổi gặp gỡ chủng sinh, cũng như các biện pháp được thực hiện để giữ ngài xa chủng sinh. Tuy nhiên, lịch trình tiếp xúc của ĐHY McCarrick trước công cộng khiến nhiều nhà bình luận cho rằng đó là bằng chứng cho thấy những chỉ thị kỷ luật đối với ngài thì không chính thức và không được thi hành nghiêm ngặt.
Một số người đang suy đoán rằng, thay vì là “biện pháp phạt theo Giáo luật”, đối với ĐHY McCarrick, mà ĐGM Viganò tuyên bố, ĐTC Benedict chỉ yêu cầu, mặc dù đã nhấn mạnh rằng ĐHY McCarrick phải rời khỏi chủng viện và lùi xa đời sống công cộng. Nhưng khoảng cách giữa “biện pháp phạt theo Giáo luật” và theo giả thuyết của ĐHY La Stampa thì đó có thể là một “khuyến cáo có thẩm quyền” không nhất thiết phải kỷ luật nặng nề như nhiều giả định.
Sau lời khai đầu tiên của ngài, ĐGM Viganò cho rằng “các biện pháp phạt theo Giáo luật” ĐTC Benedict áp dụng đối với ĐHY McCarrick đã được bàn cãi rất nhiều. ĐGM Viganò xác nhận rằng ngài không chắc chắn loại văn bản nào có, hoặc không có, kèm theo những hạn chế này khi chúng được áp dụng. Ngài nói : “Điều tôi không biết là nếu [Tổng Giám mục] Sambi cũng thông báo bằng văn bản các biện pháp mà ĐTC Benedict đưa ra cho cả ĐHY McCarrick và ĐHY Wuerl. Chắc chắn, ngài đã đích thân làm vậy, triệu hồi ĐHY McCarrick đến gặp vị khâm sứ, như tôi đã nói.”
Trong khi đó,  có một giả định chung rằng:  một hành động, hoặc một quyết định nào theo Giáo luật có hiệu lực phải được gởi đi một cách chính thức và công khai. Tuy nhiên, trong trường hợp của ĐHY McCarrick các việc này đã không diễn ra theo cách thức như vậy.
Các báo cáo về hành vi trái đạo đức của ĐHY McCarrick với các chủng sinh và linh mục, trong khi chắc chắn là tội lỗi, nhưng có thể không nhất thiết là đủ để khởi tố toàn diện,  theo Giáo luật. Nhưng trong trường hợp một người bị nghi ngờ đã làm điều gì đó vô đạo đức, hoặc đặt ra một nguy cơ trong tương lai, thì Giáo hội thường ban hành một giáo huấn. Nguyên tắc cơ bản của giáo huấn ấy là một hướng dẫn theo Giáo luật để biết điều cần làm, hoặc không nên làm; và thường bao gồm sự chỉ dẫn những điều mà một giáo sĩ phải sống.
Giáo huấn là các biện pháp theo thẩm quyền Giáo hội, ngay cả khi được xử lý kín đáo. Biện pháp này thường xuyên được dùng trong các giáo phận, khi một giám mục muốn tỏ một thái độ cảnh báo, hoặc giới hạn những hoạt động của một linh mục, nhưng không dùng để kết án.
Nếu một giáo huấn đã được ban hành trong trường hợp của ĐHY McCarrick,  có thể đã được truyền đến ngài qua lời của TGM Sambi. Nhưng ngay cả khi ĐHY McCarrick – hay bất cứ ai khác được thông báo về vấn đề này- nếu không được gởi bằng văn bản, thì một số hồ sơ của giáo huấn và thông tin liên lạc ấy cũng sẽ được lưu giữ ở đâu đó, gần như chắc chắn là tại Hội đồng Giám mục.
CNA khi nói chuyện với một số quan chức của Giáo hội đã cho rằng ĐHY McCarrick có thể  nhận được những giáo huấn như vậy từ Hội đồng Giám mục. Một quan chức cấp cao của Toà Thánh nói với CNA rằng “chỉ vì một người không được giao một sắc lệnh không có nghĩa là điều đó không xảy ra.”

*

Thực chất của định chế nào đã được áp đặt đối với ĐHY McCarrick, và lý do của định chế ấy, đã bị ĐGM Viganò chỉ ra trong “lời khai” của ngài liên quan đến hai nhân vật.
Đầu tiên là những lời của ĐHY Wuerl. Nếu bằng chứng đã tỏ lộ, như ĐGM Viganò  tuyên bố rằng ĐHY Wuerl biết được những kỷ luật được áp đặt với ĐHY McCarrick, có thể sớm nhất là năm 2011 hoặc trước đó, thì nó sẽ mâu thuẫn với một số lời từ chối bởi ĐHY. Theo đó, ĐHY Wuerl có bất kỳ lý do gì để nghi ngờ ĐHY McCarrick trước cuộc điều tra do Tổng giáo phận New York thực hiện bắt đầu từ năm 2017.
Ngoài những tai tiếng mà nó có thể gây thiệt hại cho uy tín của ngài, một sự tiết lộ như vậy cũng sẽ đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về việc ĐHY Wuerl không quan tâm đến việc sắp xếp cuộc sống của ĐHY McCarrick trong thời gian nghỉ hưu, bao gồm cả việc chuyển đến cơ sở của Chủng viện Nhập Thể (IVE) ở ngoại ô Washington, mặc dù đã được chuyển ra khỏi chủng viện Redemptoris Mater.
Điều quan trọng nhất để đặt nghi vấn ngay lập tức là tại sao ĐHY Wuerl không can thiệp, mặc dù biết ĐHY McCarrick đã được IVE chỉ định hai chủng sinh để làm nhân viên riêng của mình.
Người thứ hai được ĐGM Vigano chỉ ra, dĩ nhiên là ĐTC Phanxicô.
ĐGM Viganò tuyên bố rằng trong những tuần lễ đầu tiên dưới riều đại giáo hoàng của mình, ĐTC Phanxicô đã hành động để phục hồi chức vụ cho ĐHY McCarrick. Ngài cũng nói rằng ngài đã cảnh báo ĐTC một cách rõ ràng về nội dung hồ sơ của ĐHY McCarrick, “các biện pháp kỷ luật” được áp đặt bởi ĐTC Benedict, và nói rằng ĐHY McCarrick đã “làm hư hại các thế hệ chủng sinh và linh mục.” Mặc dù vậy, theo ĐGM Viganò,  ĐHY McCarrick vẫn được trao nhiệm vụ được xem là có tiếng nói và có ảnh hưởng trong việc chọn các giám mục để tiến chức và bổ nhiệm.
Rất khó để đánh giá liệu ĐTC Phanxicô có thật sự phục chức ĐHY McCarrick một cách kịch tính hay không, khi các cáo buộc lưu trong hồ sơ của ĐHY McCarrick không rõ ràng, hay cả cách họ được trả lời dưới quyền ĐTC Benedict.

*


ĐGM Viganò kết thúc lời tuyên bố của mình bằng cách kêu gọi ĐTC Phanxicô từ chức. Cả hai phần cáo buộc của ĐGM Viganò cho rằng việc cho phép  ĐHY McCarrick trở lại hoạt động công khai  và gây ảnh hưởng trong Giáo hội, như một ví dụ cho các giám mục khác phải chịu trách nhiệm về những việc che đậy cho ĐHY McCarrick.
Một số vị có vai trò lãnh đạo trong Giáo hội đã bày tỏ sự thông cảm yên lặng trước sự phẫn nộ của ĐGM Viganò qua các cáo buộc của ngài. Nhưng đối với nhiều quan chức, sự cảm thông ấy đã tan biến ngay sau khi Đức TGM. Viganò kêu gọi ĐTC Phanxicô từ chức.
Một Giám mục làm việc tại Tòa Thánh đã nói với CNA: “Bạn không thể làm điều này. Bạn khuyên, bạn cảnh báo, thậm chí khiển trách nếu vấn đề trở nên nghiêm trọng. Nhưng bạn không thể ra lệnh cho Phêrô, đây là điều căn bản. ”
Một nhân viên Tòa Thánh nói với CNA: “Chúng ta đang nói về đấng thay quyền Chúa Kitô, không phải là thị trưởng của Rôma. Nếu bạn tấn công thẩm quyền của giáo hoàng, bạn đụng vào cột sống của Giáo hội.”
Tất nhiên, một giáo hoàng có thể từ chức, và một số nhà bình luận đã lập luận rằng cho thấy việc yêu cầu từ chức giáo hoàng không nhất thiết là một hành vi bất tuân. Tuy nhiên, từ chức giáo hoàng là hiếm có của lịch sử, như là cựu quan chức cao cấp phá vỡ các cấp bậc để kêu gọi họ. Trong văn hóa lãnh đạo của Rôma, hành động của ĐGM Viganò được xem như là một sự sỉ nhục đối với  sự hiểu biết toàn diện về cách thức hoạt động của Giáo hội.
Thật vậy, trong khi sự cáo buộc của ĐGM Viganò có vẻ thành công trong việc thu hút sự chú ý và tranh luận về vụ ĐHY McCarrick, sự kêu gọi  trực tiếp của ngài đối với việc ĐTC từ chức dường như đã trở thành sự phân tâm lớn nhất.
Sự kêu gọi ĐTC Phanxicô từ chức của ĐGM. Viganò đã khiến sự tập trung của dư luận chuyển sang hướng khác. Thay vì người ta muốn làm rõ việc làm sao ĐHY McCarrick có thể vươn lên trong hàng giáo phẩm, và trở lại với quyền lực, ngay cả sau khi biện pháp kỷ luật rõ ràng đã được áp dụng với ngài, thì  giờ đây họ đã chuyển sang vấn đề thách thức rõ ràng của ĐGM Vigano đối với quyền bính giáo hoàng.
Bao lâu trọng tâm của vụ bê bối vẫn còn giữ ngôi vị của ĐTC, đó sẽ là ưu tiên của bất kỳ phản ứng sắp tới nào từ Rôma, thì cơ hội điều tra của Vatican về những cáo buộc của ĐGM Viganò hãy còn rất xa vời.

(Tóm lược từ bài viết của Ed Condon trên CNA)

 (*) Hội đồng Hồng y C9: Nhóm Hồng y Cố vấn cho ĐTC