Tại sao một số người trẻ rời Giáo hội?

Florida: yêu cầu xem xét lại việc nhà trường từ chối nhóm học sinh ủng hộ phò sinh
Tình hình Kitô hữu ở Trung Quốc ra sao dưới thời Tập Cận Bình?
Chính quyền Trump đã hứa sẽ hành động cho tự do tôn giáo toàn cầu

Cảm thấy Thiên Chúa vắng mặt trong khi bị tổn thương; Bất đồng chính kiến; Không tìm được câu trả lời tại sao đạo Công giáo lại quan trọng?… Đó là ba lý do chính khiến một số người trẻ Hoa Kỳ rời bỏ Giáo hội. Thông tin này được đưa ra từ một nghiên cứu quốc gia tiến hành trong vòng hai năm, đã công bố trong đầu năm nay.
Nghiên cứu này được tiến hành bởi nhà xuất bản St. Mary (St. Mary’s Press) và Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Tông đồ tại Đại học Georgetown (CARA).
Cuộc nghiên cứu cho thấy là tuổi trung bình của những người rời bỏ Giáo hội Công giáo là 13 tuổi. Bảy mươi tư phần trăm trong số 214 người cựu Công Giáo được phỏng vấn nói rằng họ đã quyết định rời khỏi Giáo hội trong độ tuổi từ 10 đến 20.
John Vitek, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của St. Mary’s Press,  một trong những tác giả chính của cuộc nghiên cứu cho biết: “Những người trẻ cho biết họ đã hoài nghi và  thắc mắc về Giáo hội khi bắt đầu học lớp năm, thậm chí còn trẻ hơn nữa.”
Ông Vitek, nói với CNA rằng công bố này có thể khiến nhiều người lớn  ngạc nhiên “bởi vì nhiều người trẻ cũng chưa bao giờ nói  về những hoài nghi và thắc mắc về Giáo hội với cha mẹ, hoặc các vị lãnh đạo Giáo hội của họ. ”

Người trẻ không tin vào tôn giáo nào (Young ‘Nones’)
Nhiều người Công giáo trẻ tuổi đã  trả lời vào cột  “Nones” – hoặc  cột những người theo một tôn giáo nào, khi được phỏng vấn. 35% những người tham gia nói với các nhà nghiên cứu rằng họ không theo một tôn giáo nào, trong khi chỉ có 14% tự coi mình là người vô thần hay theo thuyết bất khả tri.
Các nhà nghiên cứu CARA trích dẫn một nghiên cứu của Pew 2015 rằng số lượng người lớn không theo bất kỳ một tôn giáo nào ở Hoa Kỳ tăng 19 triệu từ năm 2007 đến năm 2014.
Ngoài ra, 21%  người Công giáo trẻ đã cảm nhận sự hồi sinh, hoặc tin vào Thiên Chúa hơn khi rời bỏ Giáo hội.
Mặc dù “Nones” đại diện cho nhóm lớn nhất của người cựu Công giáo , Vitek nói rằng “đại đa số những người trẻ không còn trong Giáo hội Công giáo vẫn tin vào Thiên Chúa và hầu hết vẫn mong muốn theo  một cộng đồng tôn giáo nào đó.”

Lý do để rời khỏi
Cuộc nghiên cứu có tựa đề “Going, Going, Gone! The Dinamics of Disaffiliation in Young Catholics” của St. Mary’s Press, được dựa trên một cuộc khảo sát quốc gia và các cuộc phỏng vấn với 214 người cựu Công giáo trong độ tuổi từ 15 đến 25.
Ông Vitek cho biết:  “Nghiên cứu này  dựa vào câu chuyện của những người trẻ kể lại theo cách riêng của họ  lý do tại sao mình rời khỏi Giáo hội, không kiểm duyệt và không sàng lọc.”
Từ những câu chuyện cá nhân do những người trẻ kể lại, các nhà nghiên cứu CARA đã xác định có ba nguyên nhân dẫn đến sự rời bỏ Giáo hội Công giáo của họ đó là:  bị tổn thương,  bị trôi dạt (drifter), và bất đồng chính kiến,
“Nhóm bị tổn thương” là những người trẻ trải qua tình trạng khó khăn hoặc bi kịch nào đó trong cuộc sống và có cảm giác dường như vắng bóng Thiên Chúa trong lúc ấy. Ví dụ, mặc dù họ đã hết lòng cầu nguyện, nhưng cha mẹ của họ vẫn ly hôn, hoặc  người thân trong gia đình  vẫn bị tử vong.
Một thanh niên đã nói với các nhà nghiên cứu rằng: “Tôi nhớ khi ông tôi bị ung thư phổi. Cả gia đình, bản thân tôi, và nhiều người khác nữa – có lẽ hơn 150 người, đã cầu nguyện cho ông. Nhưng rồi, vẫn không có gì để cứu được ông tôi. Đó là sự hoài nghi đầu tiên của tôi.”
“Nhóm trôi dạt” là  nhóm người thường gặp khó khăn khi kết nối họ trong tư cách là một người Công giáo đã chịu phép rửa tội với cuộc sống trong thế giới hiện thực. Họ bứt rứt khi không tìm được lý do tại sao là một người Công giáo lại thành điều quan trọng, vì vậy họ đã tự trôi dạt khỏi Giáo hội.
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, cha mẹ có một phần ảnh hưởng trong việc các phần tử rời khỏi Giáo hội này, và khi cha mẹ cảm thấy không đủ giải thích cho con cái biết tại sao đức tin là điều quan trọng thì cả gia đình của họ đã cùng trôi dạt khỏi Giáo hội.
“Nhóm bất đồng chính kiến” là nhóm chiếm từ chối đức tin của họ một cách tích cực hơn. Một số những người trẻ tuổi này đã viện dẫn sự bất đồng với giáo huấn của Giáo hội về ngừa thai, hôn nhân đồng giới, và tình dục  như những động lực thúc đẩy cho sự rời bỏ Giáo hội  của họ.
Điều đáng chú ý là chỉ có 2%  số người được hỏi cho rằng những vụ bê bối lạm dụng tình dục là một lý do họ rời Giáo hội.
Ông Vitek giải thích với CNA rằng có thể có một giao điểm giữa ba nhóm gười phổ biến này. Ông nói rằng:  “Một người trẻ tuổi có thể có một kinh nghiệm không tốt khiến họ cảm thấy bị tổn thương hoặc bị đau khổ tuyệt vọng theo cách nào đó, sự đổ vỡ đó có thể khiến người trẻ bắt đầu đặt câu hỏi và nghi ngờ đức tin của họ, và nếu nghi vấn của họ không được giải quyết thì có thể dẫn họ đến việc rời bỏ Giáo hội. “

Quyết định cuối cùng?
Trước khi  rời bỏ đức tin của mình, sự tham gia vào đời sống Giáo hội nơi những người cựu Công giáo trẻ tuổi cũng có những mức độ khác nhau. 28%  nói với CARA rằng họ hiếm khi, hoặc không bao giờ tham dự  thánh lễ vào thời điểm mà họ tự coi mình là người Công giáo. Chỉ có 17%  được khảo sát cho biết khi còn là người Công giáo họ đã tham dự thánh lễ hàng tuần. 3/4 số người được hỏi  đã cho biết họ không bao giờ theo học tại trường Công giáo.
87%  những người cựu Công giáo nói rằng quyết định rời khỏi Giáo hội của họ là sự dứt khoát.
Ông Vitek lưu ý rằng:  “Phản ứng này của những người trẻ được quyết định vào một thời điểm cụ thể trong cuộc sống của họ và họ  không thể dự đoán tương lai. Do vậy, vẫn còn đó một hy vọng cho cộng đồng  niềm tin”. Ông nói thêm: Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy rằng,  bình thường một khi đã lựa chọn không còn liên kết với Giáo hội nữa thì sau này họ cũng sẽ không trở lại trong đời sống Giáo hội.”
 Giáo hội có thể làm gì để ngăn ngừa tình trạng những người trẻ từ chối đức tin của họ ? Ông Vitek đề nghị, “Chúng ta cần tạo ra một nơi mà những người trẻ có thể tự do vật lộn với các câu hỏi về đức tin, bao gồm cả nghi ngờ của họ… Những người trẻ thật sự muốn chia sẻ những ưu tư của họ về đức tin, nhưng họ cảm thấy ngại ngùng vì không chắc chắn những điều mình nói ra có bị xét đoán không!”


(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết của Courtney Grogan trên CNA)

 

Newer Post
Older Post