Tôi cảm thấy gần như run rẩy khi Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu tôi làm hòa

Các nhà khoa học kêu gọi lệnh cấm toàn cầu đối với sự thay đổi gen của phôi thai
Cuộc sống của một nhà truyền giáo ở Mông Cổ như thế nào?
Làm sao để Giáo hội Hoa Kỳ tiếp cận được với giới trẻ bằng cách xây dựng mối quan hệ ?

ĐTC hôn chân Tổng thống Salva Kiir, Nam Sudan

Tổng thống Nam Sudan, Salva Kiir,  đã nói như trên trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Công giáo Hoa Kỳ – EWTN News, vào ngày 7/5/2019.
Trong một cử chỉ chưa từng có vào tháng trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hôn chân một số nhà lãnh đạo Nam Sudan, những người đã đến thăm Vatican trong buổi tĩnh tâm, với một lời yêu cầu kiến tạo hòa bình cho đất  nước Sudan. Điều này đã khiến Tổng thống của đất nước Nam Sudan bị đánh động. Ông nói với đài EWTN rằng: “Tôi cảm thấy thật khiêm tốn trước sự khiêm nhường của Đức Thánh Cha, ngài đã cúi xuống đất và hôn chân tôi. Tôi đã gần như run rẩy vì điều đó chưa xảy ra trước đây, ngoại trừ lúc Chúa Giêsu quỳ xuống để rửa chân cho các môn đệ. Và việc này nên làm ngược lại; các môn đệ của Người đáng lẽ phải là người rửa chân cho Người… Đây là điều tôi nghĩ đến khi Đức Thánh Cha quỳ xuống.”
Ông Kiir và ông Riek Machar, cựu Phó Tổng thống, đã gặp ĐTC từ ngày 10 đến 11/4/2019.  ĐTC đã tổ chức khóa tĩnh tâm đặc biệt cho các nhà lãnh đạo, những người đã có chiến tranh với nhau trong nhiều năm qua.
ĐTC Phanxicô đã khuyến khích các nhà lãnh đạo Nam Sudan “đến tìm những gì để hiệp nhất với nhau, bắt đầu với thực tế là bạn thuộc về một đất nước và cùng một dân tộc, và để vượt qua tất cả những gì chia rẽ bạn,” và ngài nói với họ rằng ngài đang cầu nguyện cho họ trở thành những người hòa giải, những người “xây dựng hòa bình thông qua đối thoại, thương thuyết và tha thứ.” Ngài nói : “Chúng ta đã nghe rõ tiếng khóc của người nghèo và người thiếu may mắn; tiếng kêu đã vang lên tới thiên đàng, đến chính trái tim của Chúa Cha chúng ta, Người mong muốn ban cho họ công lý và hòa bình.”
Năm 2011, Kitô giáo Nam Sudan chủ yếu giành được độc lập từ Sudan, nơi có đa số Hồi giáo và chịu sự chi phối của luật Hồi giáo từ những năm 1980.
Một cuộc nội chiến kéo dài năm năm bắt đầu ngay sau khi đất nước giành được độc lập. Chiến tranh đã giết chết hàng trăm ngàn người và làm cho hàng triệu người nữa phải tản cư.
Theo Liên Hợp Quốc, cuộc chiến đấu chủ yếu diễn ra giữa những lực lượng trung thành với Kiir và các nhóm phiến quân do Machar lãnh đạo. Cuộc chiến đã khiến 2,1 triệu người phải lánh nạn trong nước, với 2,5 triệu người tị nạn khác.
Trong buổi gặp gỡ, ĐTC nói với hai ông Kiir và Machar : “Mục đích của buổi tĩnh tâm này là để chúng ta cùng nhau đứng trước mặt Chúa và nhận ra ý muốn của Người … Đó là suy ngẫm về cuộc sống của chính chúng ta và sứ mệnh chung mà Chúa giao phó cho chúng ta, để nhận ra trách nhiệm to lớn chung của chúng ta cho hiện tại và tương lai của người dân Nam Sudan, và để dấn thân, tiếp thêm sinh lực và hòa giải,  xây dựng đất nước của bạn.”
Hai ông Kiir và Machar đã ký một thỏa thuận hòa bình mười năm vào tháng 9/2018, mà theo các Giám mục Công giáo Nam Sudan đã gọi là “không hoàn thiện”, vì nó không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ phức tạp của cuộc xung đột.
ĐGM. Eduardo Kussala của Tombura-Yambio ở Nam Sudan nói với EWTN News rằng: “Sự mất tin tưởng và nghi ngờ trong nhiều thập kỷ và nhiều năm qua đã kéo dài giữa các lực lượng đối kháng, đây không phải là một điều dễ dàng để có được hòa bình chỉ sau một đêm.”
Tuy nhiên, ĐGM Kussala cho biết Hội đồng Giám mục rất biết ơn và được khích lệ bởi cuộc họp giữa ĐTC với các nhà lãnh đạo của các nhóm đối lập ở Nam Sudan. Ngài nói : Chúng tôi đã cố gắng giữ động lực này, tiếp tục làm việc chăm chỉ hơn và bảo đảm hòa bình thực sự ở đất nước này. Nó đã tiếp thêm năng lượng cho chúng tôi để phục vụ các nhà lãnh đạo và người dân.”
Ông Kiir cho biết cuộc gặp gỡ của ông với ĐTC Phanxicô đặc biệt có ý nghĩa đối với ông, khi ông lớn lên ở một vùng Nam Sudan được truyền giáo chủ yếu bởi các nhà truyền giáo Công giáo, từ đó ông đã học được nhiều điều. Ông nói : “Chúa Giêsu đã đến thế gian để dạy mọi người biết tha thứ và sống hòa bình với mọi người ở xung quanh bạn. Và chúng tôi với tư cách là người Công giáo, đặc biệt là ở Nam Sudan, chúng tôi đã học được rất nhiều từ giáo huấn của Chúa. Đây là lý do tại sao mặc dù chúng tôi đã bị áp bức suốt thời gian này … chúng tôi có thể hòa giải với những kẻ áp bức đó và sau đó chúng tôi xem họ như anh chị em.”
Ông Kiir cho biết khoảnh khắc mà Đức Thánh Cha thể hiện sự khiêm nhường như vậy đã truyền cảm hứng cho ông với tư cách là người lãnh đạo đất nước. Ông nói : “Cảm giác mà tôi có vào khoảnh khắc đó, vào giờ đó, là tôi nên cố gắng hết sức khi trở về Nam Sudan. Tôi nên cố gắng hết sức để mang lại hòa bình cho người dân của mình, để mọi người hòa giải với nhau và mọi người không nghĩ đến việc đánh nhau nữa.”
ĐGM. Kussala, Nam Sudan,  cho biết giáo phận của ngài đã nỗ lực xây dựng hòa bình và hòa giải. Ngài nói : “Chúng tôi cảm thấy rằng việc tìm kiếm câu trả lời ở đây, giải pháp tại địa phương cho các vấn đề đang phát triển giữa chúng tôi là giải pháp thực tiễn. Giáo phận gần đây đã hợp nhất với các nhóm nhà thờ khác để đưa 10.000 thanh niên trở về từ rừng rú, nơi họ từng là những người chiến đấu, và để chuẩn bị cho việc hòa giải và tha thứ trong  cộng đồng. Nhiều người trong số họ đang được hợp nhất vào chính quyền và đang làm việc trong các lực lượng có tổ chức khác nhau. Những người khác cũng đang tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội.”
ĐGM. Kussala nhấn mạnh khía cạnh tinh thần của tiến trình hòa bình. Ngài nói điều quan trọng là phải nhìn thấy nhau bằng con mắt đức tin: “Chúng ta phải tin rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng, đều là con của Chúa. Chúng ta phải tha thứ cho nhau, đó là vũ khí mạnh mẽ của chúng ta.”

(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết của Alejandro Bermudez và Jonah McKeown đăng trên CNA)