Sáng nay, tôi cùng với các em trong lớp Giáo lý thuộc cộng đoàn thánh Lucy đến nghe phần thuyết giảng của linh Mục Jacob Hsieh tại giáo xứ “Saints Peter and Paul”, Wilmington, California, về đề tài “Những nét đẹp truyền thống trong Phụng Vụ của Giáo hội”. Thật lòng, đây cũng là đề tài khiến tôi rất háo hức mong mỏi được hiểu biết thêm, hầu có thể yêu mến Giáo hội và cảm ơn các vị chủ chăn mà Thiên Chúa đã gởi đến để hướng dẫn con cái Ngài nơi trần gian này.
*
Ngay khi được lãnh nhận sứ mạng, chỉ ba tháng sau đó, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã công bố ý định triệu tập Công đồng Vatican II với khát khao mong Giáo hội phải nhìn vào “những dấu chỉ của thời đại“, để có thể đáp ứng nhu cầu cần thiết của thời đại. Ngài nói : “Tôi muốn mở lớn các cửa sổ Giáo hội, cho chúng ta nhìn ra được và công chúng nhìn vào được “. Công đồng Vatican II được ĐGH Gioan XXIII chính thức triệu tập vào ngày 11/10/1962 và ĐGH Phaolo VI kết thúc ngày 8/12/1965. Đây quả là một bước đột phá mới của Giáo hội!
Khi còn bé tôi hay nghe bà hát ru cháu ngủ bằng tiếng Latin. Giọng hát này chẳng biết lúc nào đã trở thành một “bài ca độc quyền” của bà. Nó có sức mạnh khiến tôi, và hầu hết bọn trẻ trong nhà, đi vào giấc mộng một cách thật nhanh chóng. Đến thời tôi, thì không còn phổ biến nữa. Nhưng hôm nay, trong giờ thuyết giảng, tiếng hát của cha Jacob như kéo tôi quay lại với ngày nào, trong tâm tình tìm lại khung cảnh cung kính, thờ phượng mà nhiều lần tôi mong có được khi tham dự Thánh lễ.
Thánh lễ bắt đầu bằng bài hát tiếng Latin (Nghi thức Phụng vụ trước Công đồng Vatican II), với phần rước sách Thánh và các vị chủ tế trong trang phục cổ ngày xưa bước lên cung Thánh, thật trang trọng! Sau đó lại hát, có lẽ là Thánh Vịnh, cũng bằng tiếng Latin. Các vị linh mục chủ tế và người giúp lễ, đứng trước bậc cấp dưới cùng và hướng nhìn lên bàn thờ, quay lưng về phía cộng đoàn, đọc thầm kinh cáo mình “Confiteor Deo Omnipotenti”.
Các bài Thánh thư lẫn Phúc âm, đều được vị chủ tế đọc thầm một mình. Đến phần dâng lễ, nghi thức cũ và mới gần như giống nhau, chỉ khác là vị chủ tế quay lưng về phía cộng đoàn.
Phần truyền phép, “Hoc est enim corpus meum” (Này là Mình Ta) và “Hoc est enim calix sanguinis mei…” (Này là Máu Ta ), vị linh mục chủ tế nâng Mình Thánh và Chén Thánh lên cao quá đầu. Đây cũng chính là lần đầu tiên trong suốt thánh lễ tôi được chính thức chiêm ngưỡng Mình Máu Thánh Chúa.
Cuối lễ, linh mục chủ tế quay mặt về phía giáo dân chúc lành “Ite missa est” (Thánh lễ đã xong, anh chị em được phép ra về). Nghi thức Rôma được canh tân đang hiện hành trong Giáo hội, nghi thức cầu chúc cuối lễ bằng tiếng bản xứ “Thánh lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an“.
Thật tình tham dự thánh lễ bằng tiếng Latin tôi chẳng hiểu gì hết. Nhưng sự cung kính của các vị chủ tế và người giúp lễ trên cung Thánh, cùng với tiếng hát lúc trầm lúc bổng; như kéo cả người tôi xuống trong khiêm nhu, lúc cao vút du dương nâng hồn lên, khiến tôi có cảm tưởng mình sắp đụng đến vòm trần nhà cao tròn của ngôi thánh đường tráng lệ này. Cả mùi hương và khói tỏa lan từ bàn tiệc Thánh. Tất cả khiến tôi như rơi vào một thế giới hoàn toàn tách biệt với những ồn ào, tất bật bên ngoài. Thật kính cẩn, trang nghiêm, thánh thiện, phủ phục dưới chân Thiên Chúa. Phải chăng Thiên Chúa đang nhắc nhở Giáo hội hãy luôn yêu quý những gì là tốt đẹp, là trang trọng trong nét đẹp thuở xưa?
Một điểm mà tôi ghi nhận đó là: trong thánh lễ nghi thức trước Công đồng Vatican II, hầu như không có liên hệ trực tiếp với nhau giữa vị chủ tế và giáo dân. Mọi người, trong phận sự của mình tự làm, không có ý chỉ của “hiệp lễ”. Đúng là thánh lễ Tridentino, đã đáp ứng được ao ước của tôi, khi tha thiết có được những phút giây cúi mình kính cẩn trang nghiêm phụng thờ Thiên Chúa. Giây phút chỉ có Chúa và con. Tôi nghĩ rằng tôi phải tìm cách để có thể tham dự thánh lễ nghi thức này ít nhất một tháng một lần. Để luôn nhắc nhở tôi: “Ngài là Thiên Chúa chí tôn mà tôi phải tôn thờ“.
Trong giây phút ấy, tôi thấy Chúa thât cao quá, thật oai nghiêm, khiến tôi có phần e dè! Đây cũng là lý do tại sao tôi không bước lên lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa. Có lẽ vì trong thánh lễ, bọn trẻ ngồi kế bên nghịch với iphone, khiến tôi chia trí. Đồng thời bản thân cũng chưa chuẩn bị tâm tình trước khi tham dự thánh lễ này. Tôi thấy mình bất xứng và mặc cảm sợ hãi trước mặt Chúa.
Nhưng bên cạnh đó, tôi vẫn mong được tham dự thánh lễ theo nghi thức mới, sau công đồng Vatican II. Bởi lẽ sự tham dự tích cực của các tín hữu vào cử hành phụng vụ là mục tiêu của toàn bộ cuộc cải cách phụng vụ của công đồng Vatican II.
“Giáo hội hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động: họ được đào tạo bởi Lời Chúa; được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa; họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô Trung Gian , họ được tiêu hao trong tình kết liên với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người (PV 48).
Những khi đến phiên phụng vụ Lời Chúa hay trao Mình Thánh Chúa, tôi đặc biệt chuẩn bị cả hai: phần hồn và phần xác. Tôi ý thức được bổn phận và tầm quan trọng của mình khi được lãnh nhận phần việc của mình. Và cũng chình vì điều đó, dần dần giúp tôi cảm nhận được những phút giây tuyệt đẹp bên Cha chí ái và anh em trong cộng đoàn. Thánh lễ dài hay ngắn, cha giảng sinh động hay buồn tẻ, tuy có ảnh hưởng tôi đôi chút, nhưng vẫn không đủ sức kéo tôi ra khỏi mục đích của tôi mỗi khi tham dự thánh lễ. Đó là đến để gặp gỡ Ngài và giữ lấy gia đình của Giáo hội. Từ sự hiểu biết cặn kẽ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, tôi nhận lãnh được những bài học luân lý và huấn đức qua Kinh Thánh và chia sẻ linh hướng. Tôi cảm nhận được rõ ràng hơn món quà mà Chúa Thánh Thần ban cho, ngày tôi được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức – “Ơn Kính Sợ Thiên Chúa “. Như tâm tình của một đứa con, không phải vì sợ mẹ rày mắng mà cố làm điều tốt. Chỉ là không dám làm điều phật ý Ngài vì không nỡ để Ngài buồn, bởi lẽ tôi yêu Người, và tôi biết Người cũng yêu tôi.
Đồng thời tôi càng cảm nhận được sự bao dung của Thiên Chúa và gần với Ngài hơn. Khi lớn tiếng xưng hô “Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa ngự vào lòng, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh “, tôi cảm thấy có một sức mạnh huyền diệu kéo tôi đứng lên, can đảm đến với Ngài.
Vâng, chẳng làm sao con có thể xứng đáng với tình yêu mà Cha ban cho. Nhưng con biết, Cha vẫn lượng thứ, vẫn chờ đợi và ao ước được ở bên con. Sau công đồng Vatican II, giáo dân được quyền lựa chọn rước lễ bằng miệng ( bắt buộc trước Công đồng Vatican II), hay bằng tay. Điều này cho đến ngày nay vẫn còn gây tranh cãi. Đúng thôi, vì trong lịch sử Giáo hội, đã xảy ra không ít lần, ma quỷ lợi dụng cơ hội này để xúc phạm đến Nhan Thánh Chúa. Có thể một số những vị lãnh đạo trong Giáo hội lo lắng giáo dân bước lên rước MMTC với đôi tay không sạch sẽ. Tôi hiểu nỗi khó khăn của các vị lãnh đạo Giáo hội. Dù quyết định thế nào, tôi cũng sẽ tuân theo. Nhưng thú thật, tôi vẫn mong được rước lễ bằng tay. Ít ra cũng có được một, hai giây phút nói thầm ” Lạy Chúa, xin hãy ngự vào lòng con, và ở lại trong con” trước khi kính cẩn rước Ngài vào lòng. Càng trân quý những phút giây trong các lần tĩnh tâm Linh Thao, trước sự hiện diện chứng kiến của các vị linh hướng, và một số anh chị em tham dự khóa, tôi càng muốn nâng niu giữ lấy MTC trong bàn tay, thủ thỉ và khóc vì hạnh phúc được chạm đến Chúa trước khi rước Ngài vào lòng. Thật tuyệt vời biết bao!
Xin Chúa chúc lành và ban ơn soi sáng cho các vị chủ chăn của Giáo hội và cho cả chúng con nữa, để chúng con trong tâm tình kính cẩn và tin yêu có thể hiểu được giá trị cao vời của thánh lễ, nơi hy lễ Thánh Giá của Đức Kitô được thể hiện một cách rõ ràng và hiện thực. Dẫn dắt chúng con tới gần Thiên Chúa hơn. Như ước ao của huynh đoàn St. Petrus: “Đưa linh hồn chúng con bay lên tận trời cao tựa hương thơm, đến nỗi làm cho chúng con có khả năng vượt qua được thực tại hữu hình và bước vào cõi vĩnh cửu, và ngay ở đời này chúng con cũng đã được hợp tiếng với các thiên thần ca ngợi Chúa.”
Tháng 3/2018
Thúy Hương