Hãy để trẻ nhỏ đến với Thầy – Tin Mừng ngày thứ Bảy tuần XIX Thường niên B – Mt 19,13-15

Tin mừng ngày thứ Sáu : Mt 25,1-13. Lễ Thánh Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo
Luôn biết tạ ơn – Tin Mừng ngày thứ Tư tuần VII Thường niên – Mc 9,37-39
Ơn cứu độ – Tin Mừng ngày thứ Ba tuần XXXIII Thường niên C – Lc 19,1-10
Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Đức Giê-su nói : “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.
Suy niệm
Ta thường thấy việc đặt tay chúc lành trong Cựu Ước (St 48,14 ; Dt 34,9) và chắc hẳn việc này vẫn luôn được áp dụng vào thời Đức Giêsu.
Sự chúc lành từ đôi tay của những bậc thầy Do Thái sẽ mang lại một hiệu quả đặc biệt. Chính vì vậy, khi Đức Giêsu được xem như một bậc thầy, thì người ta đưa trẻ em đến với Ngài, để Ngài “đặt tay” và “cầu nguyện” cho các em.
Vì mong ước con em mình được Đức Giêsu chạm đến, có lẽ các bậc cha mẹ đã phải vượt qua “rào cản” là đám đông chen lấn và “rào cản” cuối cùng là chính các môn đệ, bởi vì các ông “la rầy” và “ngăn cấm” các em đến với thầy Giêsu. Có thể các ông lo ngại rằng Thầy của mình quá bận rộn và không muốn Thầy bị làm phiền.
Nhưng trái với những lo lắng của các môn đệ, Đức Giêsu tỏ ra thật âu yếm trong lời nói và cử chỉ của Ngài: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng » và Ngài “đặt tay trên chúng”
Cho dù bận rộn và có thể không có thời gian ăn uống, Ngài vẫn dành thời gian cho các em nhỏ, Ngài vẫn đáp lại mong ước của các bậc cha mẹ muốn đưa con em đến gần Ngài. Ngài chỉ “đi khỏi nơi đó” sau khi đã đặt tay trên các em.
Đức Giêsu ngày xưa và hôm nay vẫn muốn trẻ em đến với Ngài.
Tiếc rằng các bậc làm cha mẹ, có thể vì đủ thứ lý do, đủ thứ rào cản, đã không muốn hay không thể dẫn các em đến nhà thờ, đến với Giêsu nơi Thánh Thể.
Thật là đẹp khi cả vợ chồng, con cái, nhất là các em nhỏ, cùng nhau đến nhà thờ dự lễ, cùng chắp tay, quỳ gối cầu nguyện chung.
Ngay cả nếu các em có ồn ào một chút, vì khóc, vì cười, vì nô nghịch,… thì chắc hẳn Giêsu cũng sẽ không thấy bị làm phiền. Mà nếu Giêsu không thấy bị phiền, thì vì lý do gì mà chúng ta lấy làm khó chịu hay trách móc chúng. Làm vậy, biết đâu ta đã vô tình ngăn cản trẻ em đến gần Giêsu để được Ngài đụng chạm, chúc lành và cầu nguyện cho chúng.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội CSsR.