Các nhà nghiên cứu cho rằng một người bình thường cần ít hơn 30 giây để thẩm định ai đó trong lần gặp đầu tiên. Ngay cả khi họ chưa nói lời nào, có khi giao tiếp không lời. Cách thể hiện bên ngoài như: khoanh tay, mắt mở to và nụ cười miễn cưỡng…đều diễn tả điều gì đó, thay lời nói. Vậy trang phục của ai đó cũng vậy.
Ăn mặc phù hợp trong từng hoàn cảnh, thời điểm là một điều hết sức ý nghĩa. Đã qua rồi thời kỳ những người giàu có thích ăn mặc để phô trương và người kém may mắn hơn mặc quần áo bình dân như dấu hiệu của một người lao động.
Sự lựa chọn quần áo, cách ăn mặt cũng có thể biểu lộ bản chất của một con người. Quần áo có thể nói lên nghề nghiệp của chúng ta. Trong một bệnh viện, đồng phục của y tá đã phân biệt rõ ràng khác với các nhân viên lau dọn; trên đường phố, đồng phục màu xanh dương xác định lực lượng cảnh sát của chúng ta. Một số người ngày nay dùng quần áo như là cách để nói lên sự lựa chọn giới tính của họ nữa.
Mầu sắc của quần áo chúng ta chọn cũng nói lên ý nghĩa của nó. Màu đen biểu thị sự trang trọng và sự thanh lịch cũng như quyền lực. Mầu đỏ nói lên năng lực, niềm đam mê, tốc độ và sức mạnh. Màu xanh lá cây biểu hiệu sự trẻ trung và sức sống; Mầu trắng, hồn nhiên và sạch sẽ. Vàng và cam biểu lộ niềm vui, lạc quan và hy vọng.
Quần áo cũng thể hiện các môi trường khác nhau: khi đi tham dự buổi sinh hoạt ngoài trời (picnic) thì ăn mặc đơn sơ, dạ hội ra trường ăn mặc sang trọng… Một cô dâu thường mặc một chiếc váy trắng, còn chú rể thì thường chọn một bộ tuxedo. Những người đi biển thường mặc quần đùi, áo thun. Sinh viên tốt nghiệp thì có mũ và áo choàng. Người khiêng quan tài tại tang lễ ăn mặc trong tông màu ảm đạm. Chú hề trong gánh xiếc ăn mặc màu sắc tươi sáng. Áo thun, quần jeans và quần đùi đều có chỗ và cách đặt để phù hợp. Và, cách lựa chọn trang phục của chúng ta trong các sự kiện sẽ giúp mọi người biết chúng ta ra sao.
Tại Hoa Kỳ, nhìn chung, kể từ thập niên 60, người dân ngày càng trở nên ăn mặc giản dị hơn. Trong khi phi công và phi hành đoàn vẫn xuất hiện trong bộ đồng phục gọn gàng và sạch sẽ, thì hành khách không mấy ai còn ăn mặc chỉnh tề để lên máy bay nữa. Sinh viên đại học ăn mặc xoàng xĩnh khi đến lớp học. Những nhà kinh doanh thì mong chờ ngày thứ Sáu để được mặc bình thường. Chúng ta đang ở một thời điểm mà việc ăn mặc cũng như cách thể hiện cá tính đặt quan trọng hơn ở chỗ thật sự thoải mái và tiện dụng.
Trang phục không trịnh trọng, giản dị đã gần như là điều đương nhiên đối với người dân thường tại Hoa Kỳ. Ngay cả những người đến nhà thờ, tham dự thánh lễ Chúa nhật, cũng không còn cảm thấy cần phải chọn bộ trang phục tốt nhất, lịch sự nhất. Tuy vậy, nhiều người Mỹ gốc Phi châu đi nhà thờ vào Chúa nhật thì vẫn luôn ăn mặc trịnh cho dịp này. Trong một xã hội đang đối mặt với làn sóng “giản dị hóa” trong cách ăn mặc, thì những người Mỹ gốc Phi châu vẫn giữ được truyền thống lâu đời tốt đẹp của họ: Cách thức họ xuất hiện nơi thờ phượng nói lên sự tôn vinh Thiên Chúa. Có lẽ, đây là gương mà chúng ta cần học!
Quần áo đi bãi biển, dép, áo thun (và danh sách có thể còn nhiều) đơn giản là không phù hợp cho trang phục để đến nhà thờ gặp Chúa. Sẽ không có ai xuất hiện trước Nữ hoàng nước Anh, trừ khi đã ăn mặc đúng đắn chỉnh tề. Còn ai hơn Thiên Chúa của trời và đất. Có lẽ, đây là nơi thử thách thực sự. Chúng ta đã mất đi ý thức về siêu việt của Thượng Đế chưa? Trong khi nhiều người không còn tin vào Thiên Chúa, thì có một số người đi nhà thờ đã quên mất Thiên Chúa thực sự là ai? Chúng ta trở nên tập trung hơn vào chính mình, vào sự thoải mái của chúng ta, hơn cả Thiên Chúa khi chúng ta bước vào nơi hiện diện của Người để thờ phượng và tôn kính Người không?
Khi đến nhà thờ, chúng ta nên nhớ rằng “Người ta nhìn vào ngoại hình bên ngoài, nhưng Chúa nhìn vào tấm lòng của chúng ta” (1 Sa-mu-ên 16: 7). Vì vậy, mối quan tâm đầu tiên của chúng ta luôn luôn là khi đến trước mặt Chúa “với bàn tay sạch sẽ và trái tim thuần khiết” (Ps 24: 4). Và, nếu chúng ta đã phạm tội, thì phải ăn năn và thành tâm sám hối.
Tuy nhiên, chúng ta không thể quên rằng cách chọn quần áo và ăn mặc của chúng ta là quan trọng. Điều đó là một thông điệp mà chúng ta muốn gởi đến cho người khác. Thật sự, gần như không thể đặt ra một quy chế trang phục phù hợp khi đến nhà thờ. Tuy nhiên, chọn lựa trang phục thế nào cho phù hợp khi đến nhà thờ thì diễn tả sự chú ý của chúng ta khi chuẩn bị đến gặp Chúa. Quần áo của chúng ta phải luôn trang nhã, sạch sẽ để thể hiện sự tôn trọng của chúng ta đối với danh thánh và vinh quang của Thiên Chúa. Ngài là Đấng duy nhất để chúng ta tôn kính!
(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết của Đức cha Arthur Serratelli, Giám mục giáo phận Paterson, New Jersey, đăng trên CNA)