Trong một cuộc họp với các Tuyên úy Thủy thủ hôm thứ Năm, 27/6/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng thương xót, và nói rằng ngài đã trao cho các tuyên úy thủy thủ những năng quyền mở rộng tương tự mà ngài đã trao cho các nhà truyền giáo của lòng thương xót.
Trong buổi gặp gỡ các Tuyên úy và tình nguyện viên Tông đồ Biển (Apostleship of The Sea) vào ngày 27/6/2019, tại Hội tường Clementine tại Vatican, ĐTC nói: “Tôi muốn nói một lời về sự bình an trong tâm hồn. Nhiều thủy thủ tiếp cận hoặc đến gặp các Tuyên úy và linh mục, với những vấn đề về lương tâm khiến họ đau khổ vô cùng, những vấn đề mà họ chưa bao giờ có cơ hội trình bầy trong những hoàn cảnh đó, quá xa nhà, xa quê hương của họ. Đối thoại với một Tuyên úy cũng có thể mở ra những chân trời hy vọng mới. Vì vậy, tôi sẽ nói với bạn: hãy thương xót, hãy thương xót. Và để ủng hộ lòng thương xót đó, tôi cho phép tất cả Tuyên úy của các thủy thủ có cùng các năng quyền mà tôi đã trao cho các nhà truyền giáo của lòng thương xót. Bằng cách này, bạn sẽ có thể mang lại bình an cho rất nhiều tâm hồn.”
Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, những người Truyền giáo Lòng thương xót không bị giới hạn về nơi họ có thể giải tội một cách hợp pháp và họ có thể tha những tội mà đúng ra chỉ có Tòa Thánh mới có quyền tha thứ như: phỉ báng Thánh Thể bằng cách đưa đi, hoặc giữ Thánh Thể cho mục đích phạm thượng; việc sử dụng vũ lực tấn công Giáo hoàng La Mã; tha tội cho một kẻ đồng lõa với mình trong một tội phạm Điều răn thứ sáu; và một sự vi phạm trực tiếp việc chống lại ấn tín bí tích giải tội.
ĐTC Phanxicô đã lưu ý đến tầm quan trọng của ngành hàng hải, cũng như các Tuyên uý phục vụ những người sống trên biển.
Ngài nói : “Nếu không có thủy thủ, nền kinh tế toàn cầu sẽ đi vào bế tắc; và không có ngư dân, nhiều nơi trên thế giới sẽ chết đói. Tôi kêu mời bạn để truyền tải sự quý trọng và khuyến khích của tôi đển các thủy thủ và ngư dân, người mà bạn gặp gỡ, nhiều người trong số họ làm việc hàng ngàn dặm xa xôi trong một thời gian rất dài xa nhà xa quê hương của họ.”
ĐTC lưu ý rằng ngoài việc sống trong sự cô lập và xa nhà, các thủy thủ và ngư dân có thể phải đối mặt với sự bất công, nạn buôn người, lao động cưỡng bức và cướp biển.
Ngài nói : “Là một Tuyên uý và tình nguyện viên của Stella Maris, bạn đã được giao nhiệm vụ và trực diện, đem Tin mừng của Chúa Giêsu đến thế giới hàng hải phức tạp và đa dạng. Các chuyến thăm hàng ngày của bạn đến các con tàu cho phép bạn gặp gỡ mọi người trong những tình huống cụ thể, đôi khi thanh thản, đôi khi lo lắng, hoặc thậm chí đang gặp khó khăn sâu sắc. Với lòng trắc ẩn và sự thận trọng, bạn cho họ cơ hội để thố lộ tâm tình. Đây là mục vụ đầu tiên và quý giá nhất mà bạn đem đến cho họ, trên tất cả những người có vài cơ hội tương tự. Mục vụ của bạn đối với các thủy thủ và ngư dân là trên hết để lắng nghe họ về nhu cầu vật chất và tâm linh của họ.”
Sự lắng nghe này có thể dẫn đến hành động, ngài khuyên rằng, khuyến khích họ đương đầu với “nạn buôn người, cưỡng bức lao động và vi phạm nhân quyền và lao động của rất nhiều đàn ông và phụ nữ sống và làm việc trên biển.”
Ngài nói : “Thông qua mục vụ của bạn, bạn có thể giúp khôi phục lại cho những người này ý thức về phẩm giá của họ.”
ĐTC nói thêm rằng: “Cám ơn các bạn, vì nhờ có bạn, những người dễ bị tổn thương nhất có thể tìm thấy hy vọng cho một tương lai tốt hơn. Những nỗ lực của bạn có thể giúp họ không buông xuôi khi đối mặt với một cuộc sống bấp bênh và có khi rõ ràng bởi sự bóc lột. Sự hiện diện của bạn ở các cảng, lớn và nhỏ, đã là dấu hiệu việc làm của Người Cha là Thiên Chúa và thực tế là, trong cái nhìn của Người, tất cả chúng ta đều là con cái của Người và là anh chị em với nhau.”
Ngài nói rằng “sự hiện diện của bạn cũng là một dấu hiệu của giá trị cốt lõi của con người, trước và trên mọi lợi ích khác, và là sự khích lệ cho mọi người, bắt đầu từ những người nghèo nhất, làm việc vì công lý và tôn trọng các quyền cơ bản.”
(Tóm lược và chuyển ngữ từ bản tin đăng trên CNA)