Cuộc sống của một nhà truyền giáo ở Mông Cổ như thế nào?

Bảo vệ sự sống : Tiếng chuông đã gióng lên từ những ngôi thánh đường tại Brazil…
Một linh mục Nicaragua bị tấn công bằng axit trong khi ngồi tòa giải tội
“Chúa rất kiên định”

Khi Francisco Javier Olivera vừa chào đời, người mẹ đã dâng đứa con ấy cho Đức Trinh Nữ Maria và cầu xin sau này đứa trẻ ấy sẽ trở thành một nhà truyền giáo ở Châu Á.
22 năm trước, sau khi được thụ phong  ở Nhật Bản, linh mục Olivera đã được thân mẫu kể lại câu chuyện bà dâng ngài cho Đức Mẹ. Từ khi thụ phong linh mục, ngài đã phục vụ như một nhà truyền giáo, không chỉ ở Nhật Bản, mà còn ở Trung Quốc và Mông Cổ.
Linh mục Olivera sinh ra ở Salamanca, Tây Ban Nha, 47 năm trước. Ngài là một linh mục triều làm việc với  Nhóm The Neocatechumenal Way  và trở thành một nhà truyền giáo trong suốt 28 năm qua.
Trong một cuộc phỏng vấn với Religión En Libertad – một trang mạng tiếng Tây Ban nha, linh  mục Olivera nói rằng Ơn gọi mục tử và truyền giáo của ngài đã được ảnh hưởng bởi những nhà truyền giáo và giáo lý viên đã từng lưu trú tại gia đình mình trước đây. Ơn gọi ấy, từng chút một, đã tăng lên mỗi ngày nơi ngài.
Linh mục Olivera cũng tin rằng những lời cầu nguyện của mẹ mình đã tạo nên kết quả khác biệt. Ngài nói : Bà đã dâng tôi cho Đức Mẹ để trở thành một nhà truyền giáo ở Châu Á. Tôi không biết điều đó cho đến khi bà nói với tôi,  ngay sau  lễ  thụ phong  linh mục của tôi tại Takamatsu (Nhật Bản) kết thúc.”
Linh mục Olivera nói rằng Nhật Bản là nơi truyền giáo khó khăn nhất của mình, bởi vì ở đó, “bạn cảm thấy cô đơn hơn, ngay cả khi bạn đang ở trong một giáo xứ”. Trong khi đó,  Trung Quốc lại  gây ấn tượng với ngài rất nhiều bởi vì “người dân có rất nhiều sự tò mò và nếu họ có tự do thì chắc sẽ có một kết quả thật tuyệt vời.”
Sau bốn năm sống ở Mông Cổ,  linh mục Olivera cho biết ngài vẫn thấy “việc nhận bài sai đến đây khá khó khăn vì ngôn ngữ bất đồng, lạnh lẽo, ô nhiễm, khác biệt văn hóa và đặc biệt là vì tất cả những trở ngại pháp lý rất nhiều mà chúng tôi phải đương đầu”.
Giáo hội Công giáo du nhập đến Mông Cổ vào năm 1992, khi ba nhà truyền giáo của Dòng Trái tim Đức Mẹ  Vô Nhiễm được gửi đến đây, sau khi Hiến pháp của đất nước này cho thấy có nền dân chủ và bảo vệ tự do tôn giáo.
Sau đó, những linh mục, tu sĩ, cũng như các giáo dân truyền giáo từ các nơi khác đã đến Mông Cổ. Đến nay, tại Mông Cổ chỉ có hơn 1.200 người Công giáo.
Linh mục Olivera giải thích : “Các giáo xứ còn rất mới ở mọi khía cạnh, nhiều người trẻ đang được giới thiệu đến Giáo hội… Chúng tôi đã có một linh mục người Mông Cổ đầu tiên, được thụ phong cách đây hai năm,  và hiện tại  có một phó tế.”
Linh mục Olivera làm việc với một nhóm các giáo sĩ và gia đình giáo dân của The Neocatechumenal Way.  Ngài cử hành thánh lễ mỗi ngày, học tiếng Mông Cổ và dạy tiếng Nhật tại một công ty nơi ngài “cố gắng tận dụng cơ hội để giới thiệu về Chúa, đặc biệt là qua các bài hát”. Ngài cũng giúp dạy giáo lý tại giáo xứ trong vùng.
Tuy việc rửa tội tân tòng tại đây chưa thường xuyên, nhưng theo linh mục Olivera “người dân ngày càng đến gần với Giáo hội, đặc biệt là qua tất cả các công việc xã hội khác nhau đang được thực hiện – hỗ trợ cho người già, trẻ em nghèo và bị bỏ rơi. Không còn nghi ngờ gì nữa, tình yêu mà các nhà truyền giá thể hiện đang dần thu hút người dân địa phương.”
Như một minh chứng cho điều này, linh mục Olivera nhớ lại chuyện một chàng trai trẻ “người đang tìm kiếm Thiên Chúa thiện hảo.”  Một ngày nọ, chàng trai bước vào nhà thờ Công giáo, anh thấy một nhóm phụ nữ lớn tuổi đang cầu nguyện. Cảm động trước cảnh tuyệt vời ấy, chàng trai trẻ  ấy quyết định xin được rửa tội.
Linh mục Olivera chia sẻ với Religión en Libertad : “Một số người nghĩ rằng cuộc sống này thật điên rồ, nhưng tôi mong muốn điều đó cho bản thân mình. Nếu nó trở nên điên rồ hơn một chút nữa thì có lẽ tốt hơn nữa, vì chúng ta sẽ nhận ra chính Chúa là Người đang ở phía sau nâng đỡ mình.”

(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết đăng trên CNA, theo ACI Prensa)