Tha Bao Nhiêu? Tha Cho Ai?

Tha Bao Nhiêu? Tha Cho Ai?

Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống – Tin Mừng ngày thứ Bảy tuần III Mùa Chay năm C – Lc 18, 9-14
Biết yêu như Ngài – Tin Mừng ngày thứ Năm tuần IX Thường niên – Mc 12,28b-34
Hy sinh – Tin Mừng ngày thứ Tư tuần XXXI Thường niên C – Lc 14,25-33

Suy niệm và sống

Phúc Âm Mt 18:21-35

Trần Mỹ Duyệt

Chủ điểm trích đoạn Tin Mừng của Thánh Mátthêu hôm nay nói về tha thứ. Một chuyên viên thuế khóa nên sở trường về nợ nần và tha thứ, chính vì thế, ông đã ghi lại câu hỏi của Phêrô với Thầy mình về vấn đề này: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Và Chúa Giêsu đã trả lời:  “Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.”

 

“Tha cho nhau đến bảy mươi lần bảy.” Đây là một đòi hỏi quá cao đối với quan niệm bác ái lúc bấy giờ. Thông thường lời dạy của các Rabbi là từ 2-3 lần. Tha như vậy là đủ. Việt Nam ta cũng có quan niệm tương tự: “Qúa tam ba bận”. Nhưng đối với Thiên Chúa thì hành động tha thứ mà con người dành cho nhau như vậy là chưa đủ. Điều này càng trở nên quan trọng hơn khi con người xúc phạm đến Ngài, làm những điều tội lỗi mà giới răn Ngài đã cấm không được làm, những lỗi lầm ấy làm sao có thể đền trả? Ai sẽ tha những món nợ tinh thần này? Để có thể hiểu được sự tha thứ Thiên Chúa dành cho con người, cũng như sự tha thứ mà con người cần phải có đối với nhau, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh so sánh do Thánh Mátthêu đã ghi lại qua ý nghĩa của dụ ngôn sau:

 

Một thường dân nợ ông vua 10 ngàn nén vàng (ten thousand talents). Và một người bạn nợ bạn mình 100 nén bạc (one hundred denarii). Cả hai đều phải trả nợ, Cả hai đều không có khả năng trả. Nhưng sự tha thứ mà hai con nợ nhận được lại rất khác nhau. Ông vua tha hết. Tha vô điều kiện. Người bạn kia bắt nhốt bạn mình vào tù cho đến khi trả xong nợ.

 

Để hiểu thêm về tầm quan trọng và giá trị các món nợ, cũng như khả năng người trả nợ, chúng ta cũng nên biết những món nợ ấy nếu tính theo thời giá bây giờ như thế nào. Theo đó, món nợ mà người thường dân nợ ông vua có giá trị bằng tiền nhân công của 200.000 năm, tương đương với 60 triệu ngày làm, và khoảng 3, 48 tỷ đồng. Còn nợ mà người này cho bạn mình vay chỉ tương đương 4 tháng lương, trị giá 5.800 đồng. Một sự khác biệt quá lớn, và quá khác nhau.

 

Nhưng ý nghĩa của dụ ngôn này không liên quan đến vấn đề nợ nần và tiền bạc. Ý chính của nó là mặc khải cho con người biết về lòng nhân lành vô biên của Thiên Chúa. Từ đó, chúng ta mới nhận ra rằng việc con người xúc phạm đến Ngài thật quá lớn lao, rất phạm thượng, vô phép và không gì có thể đền đáp được, ngoại trừ tình thương tha thứ của Ngài. Đây cũng là lý do đã khiến Ngôi Hai Thiên Chúa phải từ trời xuống thế và chịu chết để đền thay cho nhân loại. Mầu nhiệm Nhập Thể được tìm thấy từ ý nghĩa của dụ ngôn này.

 

Với những lỗi lầm mà con người đối với nhau tuy có gây ra những tổn thất nặng nề về tài sản, tinh thần, tâm lý và thể lý, nhưng tất cả cũng chỉ là nhỏ mọn, có thể chấp nhận và tha thứ, bởi vì: “Nhân vô thập toàn”. Tuy nhiên, những điều này không thể đem so sánh với những việc chúng ta đã làm khi xúc phạm đến Thiên Chúa.

 

Qua dụ ngôn người đầy tớ mắc nợ, và người này trở thành chủ nợ, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta là trước những lỗi phạm đến Thiên Chúa và anh chị em mình, con người phải thống hối ăn năn, kêu van lòng thương xót của Ngài. Đối với những món nợ mà con người mắc với Thiên Chúa, tự chúng ta, chúng ta không thể đền trả được. Nếu không van xin Ngài, tội chúng ta vẫn còn đó. Nhưng để được Ngài tha thứ, việc đầu tiên phải làm là thống hối ăn năn, đến với Phép Giải Tội. Bí Tích Hòa Giải là nơi mà con người cần tìm đến để xin ơn tha thứ.

 

Nhưng sau khi Thiên Chúa đã tha cho chúng ta thì sao? Dĩ nhiên, chúng ta phải xin sự tha thứ của tha nhân. Chúng ta cũng phải tha cho nhau nữa. Dụ ngôn hôm nay lập lại lời kinh mà Chúa Giêsu đã dạy: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” (Mt 6:12) Nợ đây gồm cả nợ vật chất lẫn tinh thần. Và để đi vào chi tiết thực tế, qua những gì được ghi lại trong Thánh Kinh, chúng ta phải tha thứ cho nhau không chỉ 1, 2 hoặc 3 lần, hoặc như Phêrô đã đề nghị là 7 lần, mà 70 lần 7 có nghĩa là 490 lần cho một người khi họ xúc phạm đến ta theo như Chúa Giêsu đã dạy.

 

Thử hỏi trong cuộc sống, có ai đã xúc phạm đến chúng ta 490 lần chưa? Nhưng nếu có thì cũng phải tha, bởi vì chúng ta nợ Chúa không chỉ 490 lần mà là rất nhiều lần, trong nhiều trường hợp.

 

Tóm lại, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta điều này, đó là món nợ mà con người mắc với Thiên Chúa thì vô cùng lớn lao, và không thể trả nổi. Không có gì đền trả nổi. Nhưng một điều xem như trái với suy nghĩ của con người, là thay vì bắt trả nợ, hàng ngày Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, quan phòng, săn sóc và ban nhiều ơn phúc cho chúng ta. Vậy chúng phải làm gì với anh chị em mình mỗi khi họ xúc phạm đến chúng ta?

 

Kết luận thực hành phải chăng, đó là chúng ta phải tự nhủ mình cần siêng năng đến với Tòa Cáo Giải, tức Tòa Thương Xót, để lãnh nhận sự tha thứ và bình an, và luôn suy niệm, thực hành lời Kinh Lạy Cha: “Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.”