Ai sạch tội ? – Tin mừng thứ hai tuần V mùa Chay A – Ga 8,1-11

Niềm vui gặp gỡ – Tin Mừng ngày thứ Sáu tuần Bát nhật Phục Sinh năm C – Ga 21,1-14
Hãy đi rao giảng Tin mừng – Lễ thánh Marcô – Mc 16,15-20
Kiện toàn lề luật – Tin Mừng ngày thứ Năm sau Chúa Thánh Thần Hiện xuống – Mt 5,20-26

Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu. Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói : “Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?” Người đàn bà đáp : “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói : “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !”

Suy niệm

Thánh Gioan kể rằng sau một ngày giảng dạy ở đền thờ, chiều xuống, theo thói quen, Đức Giêsu lên núi Cây Dầu. Sáng sớm hôm sau, Người lại vào Đền thờ giảng dạy dân chúng. Tác giả nói “toàn dân” vây quanh, lắng nghe Người. Điều đó cho thấy lời rao giảng của Đức Giêsu gây một ảnh hưởng lớn trên người ta. Các kinh sư và những người Pharisêu nghĩ rằng giáo huấn của Đức Giêsu làm đảo lộn tất cả, nên họ quyết định trừ khử Người.
Tuy nhiên, để đưa Người ra xét xử, cần phải có một chứng cứ đúng đắn.
Cơ hội tuyệt vời đã đến. Một thiếu phụ “bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình”. Lần này, các kẻ thù của Người tưởng là cuối cùng họ đã có thể đưa Người vào bẫy để tiêu diệt Người. Họ không tranh luận với Người nữa, họ dẫn chị vào “giữa” đám đông đang tụ họp và và xin Người cho ý kiến: “Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”
Vụ việc dường như đã quá rõ. Lề Luật tuyên bố minh nhiên: “Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử” (Lv 20,10). Trường hợp ở đây thì quá rõ, đây là ca bắt quả tang. Bẫy đã giăng. Thoát thế nào được! Đức Giêsu còn có thể làm gì được nữa.
Nếu Người tha, tức là Người sẽ chống lại Luật Môsê và sẽ bị toàn dân coi là kẻ vị phạm Lề Luật. Còn nếu Người kết án chị này thì Người mâu thuẫn với những lời Người giảng về lòng thương xót và ơn tha thứ. Người sẽ bị lật mặt nạ ra như là ông thầy giả hiệu. Do vậy, đằng sau án xử thiếu phụ là chính án xử Đức Giêsu. Dây thòng lọng như đang xiết dần cả thiếu phụ, lẫn Đức Giêsu. Người như bị dồn vào chân tường. Đây không còn là một vấn đề trên lớp học, trên lý thuyết, nhưng là một vấn đề sinh tử đối với thiếu phụ cũng như đối với chính Đức Giêsu. Hy sinh người phụ nữ để giữ Lề Luật hay hy sinh Lề Luật để cứu người phụ nữ? Người bị kẹt giữa cả hai phía. Người sẽ ứng xử thế nào trong hoàn cảnh có vẻ không lối thoát này?
Nhưng hết sức bình thản, vẫn ngồi trong tư thế của một ông thầy đang giảng dạy, Đức Giêsu “cúi xuống” và thay vì trả lời, Người dùng ngón tay vẽ vẽ trên đất. Người chẳng hề liếc nhìn họ. Dường như Người hoàn toàn chỉ lo làm công việc là dùng ngón tay vẽ trên đất. Mọi người cứ chờ một lời nói của Người. Các đối thủ thì rất tự tin, người phụ nữ thì cam chịu, dân chúng thì căng thẳng.
Người vẽ như thế để làm gì? Có lẽ Đức Giêsu vạch trên đất để kéo dài thời gian thinh lặng, làm cho lời phân xử sắp thốt ra thêm trọng lượng.
Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, thì cứ lấy đá mà ném trước đi”. Vì theo Đnl 13,9-10, thì người làm chứng sẽ ném đá kẻ phạm tội trước, người làm chứng có một trách nhiệm đặc biệt đối với cái chết của kẻ ấy.
Đến đây câu chuyện chuyển sang hướng khác, những người đứng ra xử người phụ nữ thì bây giờ lại bị xử lại. Trong khi các kinh sư và những người Pharisêu đinh ninh mình công chính, họ ngạo nghễ, tự đắc, nấp sau Luật để tố cáo người phụ nữ, thì Đức Giêsu đã đưa chính họ ra xét xử dưới ánh sáng của Luật. Người buộc họ phải tự xét xử chính mình, trước hết, phải trở lại với lương tâm mình, nhìn nhận mình cũng là tội nhân, chính họ cũng cần chạy đến xin Thiên Chúa kiên nhẫn với họ và thương xót họ, vì họ cùng một thân phận như “người phụ nữ kia”, người mà họ đã lôi ra giữa đám đông và giam hãm chị trong quá khứ tội lỗi của mình. Nên làm sao mà họ có thể vội vàng yêu cầu xử tử người đàn bà này như thế, mà không hề nghĩ lại?
Và để cho họ có thì giờ, Người lại cúi xuống, và viết nữa. Kết quả là, không một ai dám khẳng định là mình vô tội, không một ai dám cầm đá ném đầu tiên cả, và như thánh sử ghi nhận cách hài hước: “Họ rút lui từng người một, bắt đầu từ người già nhất”.
Khi Đức Giêsu “ngẩng đầu lên” lần thứ hai thì chỉ còn “mình Người đối diện với người phụ nữ”. Thánh Augustinô chú giải: “Chỉ còn hai. Lòng thương xót và người được xót thương”. Nếu trước đó, những người tố cáo gọi chị là “hạng đàn bà đó” một cách khinh bỉ, lôi chị như đồ vật, thì giờ đây, chị thấy một ánh mắt khác nhìn chị, nghe một giọng khác gọi chị như gọi một con người: “Này chị”. Hơn bất cứ ai khác, Đức Giêsu là người đo lường chính xác nhất mức nặng nhẹ của tội lỗi. Người là Đấng vô tội, nên nếu có ai được phép lên án người phụ nữ này thì Người là Đấng duy nhất được quyền ấy. Nhưng thay vì giam hãm chị trong quá khứ tội lỗi như các kinh sư và những người Pharisêu đã làm, Người thúc đẩy chị bước vào con đường hối cải, và mở cho chị một tương lai mới: “Không ai kết án chị sao? Tôi cũng vậy. Tôi không lên án chị đâu. Hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Người đã cho chị một cơ hội làm lại cuộc đời.
Như vậy là chẳng có kết án, cũng không có viên đá nào được ném ra. Bẫy sập xuống trên chính những kẻ gài nó. Chỉ vài lời thôi, Đức Giêsu đã hoán đổi vị trí, nguyên cáo trở thành bị cáo. Người phụ nữ đã phạm tội. Nhưng chị không đến nỗi hư hỏng và tội lỗi như các kinh sư và người Pharisêu nghĩ và các ông cũng không công chính và trung tín như các ông tự phụ.
Như thế, người phụ nữ đang ở bước đường cùng, đang ở trong tình trạng cầm chắc cái chết, thì chính khi đó, Đức Giêsu có mặt, mở ra cho chị một con đường sống, trong khi những người khác lại muốn giam hãm chị, muốn chị phải chết trong tội lỗi của chị.
Chúng ta đang ở trong đại dịch, nhiều cảnh chết chóc đau lòng và nhiều người hoang mang, bác sĩ, y tá kiệt sức, bệnh viện quá tải… khiến chúng ta như đang cảm thấy tận thế đến nơi, đang bế tắc, không biết lối thoát ở đâu. Nhưng như Đức Giêsu đã mở ra con đường mới cho người phụ nữ thế nào, thi chắc chắn Ngài cũng sẽ giúp chúng ta có một hướng đi mới, một tương lai mới một sau những ngày đau thương này.
Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta: khi hành động, cần phải xem ý hướng của mình thế nào. Ta cần xét mình trước khi xét người. Ta phải đối diện với lương tâm của mình trước. Mặc dù chúng ta đầy khuyết điểm, đầy tội lỗi, nhưng có thể chúng ta lại hay lên án và kết tội người khác. Nếu chúng ta thấy nơi mình có xu hướng thích kết án người khác, thì cách chữa trị hay nhất xu hướng bệnh tật đó là xem chúng ta đã đi xưng tội bao nhiêu lần, đã bao nhiêu lần nhận được ơn tha thứ, để rồi chúng ta cũng biết khoan dung với người khác như Chúa đã khoan dung với ta.
Lời Chúa hôm nay cũng cho ta biết rằng ơn tha thứ của Thiên Chúa luôn kèm theo một khuyến khích mãnh liệt, thậm chí một đòi hỏi: hãy thay đổi đời sống. Đức Giêsu không lên án người phụ nữ, nhưng như vậy không có nghĩa là Ngài chấp nhận lối sống của chị. Vì những gì chị đã làm là tội lỗi, là điều đi ngược lại thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, Người khuyến khích chị tránh đi lối sống đó: “Hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”. Xin Chúa cho ta biết mỗi lần hối cải ăn năn và luôn có quyết tâm kèm theo là sẽ không phạm tội nữa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội, CsSR