Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông Đồ rằng : “Anh em hãy đi rao giảng : Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn. Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em.”
Suy niệm
Theo lệnh truyền của Đức Giêsu, tông đồ đi rao giảng Tin Mừng là một người nghèo, vì không được « kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng ».
Tông đồ cũng là người không bận tâm đến những gì là thiết yếu nhất của cuộc sống, vì không được mang « bao bị » là thứ đựng đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, không « được mặc 2 áo ».
Dù bước đi trên đường xa, đường bằng phẳng hay gập nghềnh sỏi đá, dưới trời nắng nóng hay mưa gió… thì người tông đồ cũng không được mang « đôi dép » để bảo vệ đôi chân, không được cầm « cây gậy » để chống hay để bảo vệ mình khỏi kẻ cướp và thú dữ.
Không hành trang, đôi chân trần, đôi tay không, chẳng có gì bám víu, chẳng có gì cậy dựa, người tông đồ hoàn toàn thanh thoát, nhẹ nhàng.
Nhưng cho dù không tiền của, không có gì là an toàn cho bản thân, người tông đồ lại có những quyền năng tuyệt vời, đó là khả năng « chữa lành người đau yếu », « cho người phong được sạch », « khử trừ ma quỷ », và ngay cả « làm cho kẻ chết trỗi dậy » (c.8).
Như thế, tưởng rằng không có gì cho người khác, thì tông đồ lại có tất cả để làm cho người ta được hạnh phúc. Tưởng rằng không có gì bám víu, thì người tông đồ lại trở thành nơi chỗ cho người ta chạy đến cậy nhờ. Bởi vì, người tông đồ mang theo một thứ hành trang quan trọng hơn mà mắt thường không thấy, đó là Nước Trời và lời chúc bình an luôn ở trên môi miệng (c.7.12).
Xem ra, chính khi các tông đồ nhẹ nhàng hết sức có thể, thanh thoát hết sức có thể, thì sức mạnh và quyền năng của Chúa được thể hiện.
Chúng ta cầu nguyện cho các thừa sai sống tinh thần này. Vì vẫn còn đó những cám dỗ « kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng ». Vẫn còn đó những cám dỗ tìm bảo đảm quá nhiều nơi tiện nghi vật chất, đến độ mất đi sự thảnh thơi ra đi rao giảng Tin Mừng trong tinh thần tin yêu phó thác.
Khi nói, « thợ thì đáng được nuôi ăn » (c. 10b), có lẽ Đức Giêsu muốn cho thấy, lòng quảng đại của người nghe Tin Mừng, lòng quảng đại đóng góp của người giáo dân chắc chắn sẽ không bao giờ thua lòng quảng đại của những người rao giảng Tin Mừng.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội CSsR.