Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã ; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã ! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. Anh em hãy đề phòng !
“Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó ; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh : ‘Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó.”
Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng : “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp : “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này : ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em.”
Suy niệm
Những lời nói mạnh mẽ của Đức Giêsu hôm nay khiến ta phải giật mình và tự hỏi : « làm cớ vấp ngã » có nghĩa là gì mà nguy hại đến độ phải chịu hình phạt rất nặng, đó là bị buộc cổ vào hòn đá và bị ném xuống biển ? Ở đây, Đức Giêsu còn nhấn mạnh thêm, người làm cớ vấp ngã sẽ phải bị buộc cổ vào « cối đá lớn », chứ không phải cối đá bình thường. Vì là cối đá lớn, nên người đó sẽ mau chóng bị kéo xuống đáy biển, sẽ mau chìm, sẽ mau biết mất. Nhưng thà người đó phải chịu như thế còn có lợi cho họ, hơn là « làm cớ vấp ngã » cho người khác.
Từ « làm cớ » (σκανδαλίζω) có thể hiểu là « vật cản », như hòn đá gây cản trở làm người ta té ngã, sa ngã (Rm 9,33 ; Mt 16,23). « Làm cớ cho người ta vấp ngã » có nghĩa là làm cho ai đó không còn tin Lời của Chúa (1 Pr 2,8). « Làm vấp ngã » là gây cản trở, hay làm cho người khác mất lòng tin vào Chúa, vì gương mù, gương xấu, vì lời nói, việc làm không tốt của mình…
Đức Giêsu không chấp nhận việc người ta làm mất Đức Tin của nhau. « Bị buộc cổ và cối đá lớn và bị ném xuống biển », đó là hình phạt kinh khủng. Nhưng qua hình ảnh này, Đức Giêsu muốn nói rằng Đức Tin của ta và của người bên cạnh có giá trị biết là chừng nào, ta không nên vì một lý do gì mà gây tổn hại đến Đức Tin.
Ta có thể mất công việc, tiền bạc, điện thoại, xe cộ và ngay cả nhà cửa… nhưng nếu còn đức tin thì còn tất cả.
Ngược lại, nếu ta có tất cả, mà mất đức tin thì coi như chẳng còn gì.
Mong sao mỗi người luôn biết xin với Chúa như các tông đồ : “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.”
Mong sao ta biết vun trồng đức tin của mình và của người bên cạnh bằng cách siêng năng đi lễ, đọc kinh cầu nguyện, sống bác ái, nhất là luôn sẵn lòng tha thứ. Tha thứ luôn, tha thứ mãi giống như Đức Giêsu đã làm, cho dù người bên cạnh có xúc phạm đến ta « một ngày đến bảy lần ».
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội CSsR.