Không được rẫy vợ ! – Tin Mừng ngày thứ Sáu tuần XIX Thường niên B – Mt 19,3-12

Tha thứ – Tin Mừng ngày thứ Hai tuần XXXII Thường niên – Lc 17,1-6
Sự hiện diện của Đấng Phục Sinh – Tin Mừng thứ Tư tuần Bát nhật Phục Sinh – Lc 24, 13-35
Gia đình – Tin Mừng ngày thứ Ba tuần XVI Thường niên C – Mt 12,46-50
Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su để thử Người, họ nói : “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không ?” Người đáp : “Các ông không đọc thấy điều này sao : thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán : ‘Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Họ thưa với Người : “Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ ?”  Người bảo họ : “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết : Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.” Các môn đệ thưa Người : “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” Nhưng Người nói với các ông : “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng ; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn ; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.”
Suy niệm
Có lẽ vào thời Đức Giêsu, việc rẫy vợ là khá phổ biến, vì điều này xem ra được chính Môsê cho phép trong sách Đệ Nhị Luật : « Nếu một người đàn ông lấy vợ và đã cưới nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà người ấy, nếu nàng đi lấy chồng khác, mà người chồng sau lại ghét bỏ nàng, viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà (24,1-3a).
Ta không biết phải hiểu thế nào cho đúng cụm từ « thấy nơi nàng có điều gì chướng ». Phải chăng người vợ đã làm cho chồng không hài lòng vì một chuyện gì đó (theo Hillel), hay người vợ đã không chung thuỷ (theo Shammai) ? Nhưng điều rõ ràng là việc rẫy vợ khá dễ dàng và người vợ xem ra không có quyền gì, chỉ người chồng được phép rẫy vợ mà thôi.
Trước tình trạng có vẻ « hiển nhiên » này, người Phariseu muốn thử Đức Giêsu. Có thể họ nghĩ rằng Đức Giêsu sẽ lúng túng, vì Ngài sẽ không dám nói ngược với điều Môsê đã truyền dạy.
Nhưng trong khi người ta trích dẫn luật Môsê, thì Đức Giêsu đã đi xa hơn. Ngài chỉ cho họ biết ý định từ ngàn đời của Thiên Chúa về ơn gọi của người nam và người nữ : hai người gắn bó đến độ « thành một xương một thịt » và sự gắn kết này còn mạnh hơn cả sự gắn kết giữa con cái với cha mẹ, vì « người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình ».
Chính vì vậy, Đức Giêsu đã mạnh mẽ tuyên bố không có chuyện ly dị một khi người ta đã là vợ chồng cách hợp pháp. Sở dĩ Môsê cho phép cấp giấy ly dị, đó là một sự nhượng bộ, vì họ « lòng chai, dạ đá », tức là không chịu hiểu biết ý định của Thiên Chúa.
Đức Giêsu cũng cho thấy, khi phá vỡ hạnh phúc gia đình, người ta đã phá vỡ chính công trình của Thiên Chúa, vì « sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly ». Như thế, kết hôn không chỉ đơn giản là sự đồng lòng giữa người nam và người nữ, nhưng điều này nằm trong ý muốn của Thiên Chúa.
Chắc hẳn Đức Giêsu đã làm cho nhóm Phariseu phải xấu hổ vì họ không hiểu ý Thiên Chúa trong sách Sáng Thế (1,27 ; 2,24). Nhưng cả các môn đệ hôm nay cũng được một bài học nhớ đời, vì ta thấy rõ phản ứng của các ông khi nói : « Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn ». Theo mạch văn, ta có thể hiểu rằng chính các môn đệ cũng đang có chung với suy nghĩ với người Pharisêu : các ông nghĩ mình có thể bỏ vợ khi « thấy nơi nàng có điều gì chướng », còn nếu không được bỏ, thì « thà đừng lấy vợ thì hơn ». Các ông cần phải vứt bỏ suy nghĩ này.
Có thể giáo huấn của Đức Giêsu hôm nay xem ra « lỗi thời » đối với nhiều người, vì người ta có cả hơn 1000 lý do để ly dị.
Cũng như ngày xưa người ta viết giấy rẫy vợ vì nhưng chuyện không đâu, thì ngày nay người ta cũng có thể chia tay vì những chuyện cỏn con.
Đủ thứ lý do khiến người ta quên rằng một khi đã là vợ chồng, thì Chúa muốn vợ chồng yêu thương và kính trọng nhau suốt đời.
Chúa muốn người ta hạnh phúc, nhưng đời sống hôn nhân là “hỏa ngục” hay “thiên đàng” cũng còn lệ thuộc vào việc vợ chồng có sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng lắng nghe, sửa đổi… để giữ gìn hạnh phúc gia đình hay không.
Mong sao các cặp vợ chồng luôn nhớ lời hứa trước Chúa và cộng đoàn rằng « giữ lòng chung thủy », « khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng » nhau mọi ngày suốt đời.
Khi yêu thương kính trọng nhau và cố gắng giữ hạnh phúc gia đình, thì đó là lúc vợ chồng đang thực hiện ý muốn của Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội CSsR.