Khi ấy, Đức Giê-su nói với các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rằng :
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả ! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào ! Chính các người không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào.
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả ! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo ; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.
“Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng ! Các người bảo : ‘Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không ; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’ Đồ ngu si mù quáng ! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn ? Các người còn nói : ‘Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không ; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc.’ Đồ mù quáng ! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn ? Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. 21 Và ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề. Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.”
Suy niệm
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã nói với các kinh sư và người Pharisêu 3 lần : « khốn cho các ngươi ». Trong những ngày tới, ta sẽ còn nghe lại nghe lời này từ miệng Ngài.
Tuy nhiên, khi nói vậy, Đức Giêsu không có ý nguyền rủa họ, vì đây không phải là một lời chúc dữ. Lời này diễn tả một nỗi lòng đau xót, tiếc nuối khôn tả (Mt 11,21 ; 18,7 ; 24,19). Chẳng hạn, khi thốt lên : « Khốn cho kẻ nào nộp Con Người, thà nó đừng sinh ra thì hơn » (Mt 26, 24), Đức Giêsu không có ý nguyền rủa Giuđa, nhưng muốn diễn tả một sự đau xót, tiếc nuối cho số phận của anh.
Có lẽ ta tự hỏi, các kinh sư và người Pharisêu đã làm gì mà Đức Giêsu phải kêu lên « khốn cho các ngươi » như vậy ?
Chính Đức Giêsu cho câu trả lời : vì họ « đạo đức giả ». Họ chỉ nghĩ đến mình, chỉ giữ luật hình thức, tìm kiếm lời khen, họ dừng lại ở chính họ, nên họ « không vào Nước Trời ». Tệ hơn nữa, thói đạo đức giả của họ còn cản trở người khác vào Nước Trời.
Thói đạo đức giả này cũng làm cho họ trở thành những kẻ dẫn đường mù quáng, họ làm cho người khác « đáng xuống hoả ngục gấp đôi » họ.
Vì vậy mà ta hiểu tại sao Đức Giêsu phải thốt lên : « khốn cho các ngươi ».
Thói đạo đức giả có những nguy hại thật kinh khủng.
Tiếc rằng ta hay thích được khen, và nhất là muốn được khen rằng mình ngoan, mình đạo đức…
Nhưng đầu mỗi thánh lễ, ta được mời gọi đọc Kinh thú nhận, hay kêu van lòng thương xót Chúa : xin Chúa thương xót chúng con. Điều đó muốn nói rằng, cho dù ta có tốt đẹp thế nào, thì ta cũng không phải là một người hoàn thiện, ta luôn bất toàn, thiếu xót, cần đến sự tha thứ của Chúa và của chính anh chị em mình.
Ước chi ta luôn cố gắng sống đạo đức, nhưng trong âm thầm và khiêm nhường, chứ không phải tìm kiếm lời khen, tìm kiếm chính mình.
Mong sao ta biết nhận ra mình yếu kém, thiếu xót, biết cảm thông với những yếu đuối của người khác, để rồi cùng nhau xin Lòng Thương Xót Chúa, hướng về Chúa, rồi cùng nhau vào Nước Trời, chứ không phải ngăn cản nhau vào đó.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Hội CSsR