Linh mục Chánh xứ có quyền gì?

Tổng giáo phận Los Angeles thông báo kế hoạch mở cửa trở lại
Đức Thánh Cha mời gọi Kitô hữu thuộc mọi giáo phái hãy là những công cụ của hòa bình
Người trẻ đang khao khát vì sứ mệnh truyền giáo

Trường hợp gần đây của linh mục Paul Kalchik đã tạo ra một làn sóng trong dư luận, và để lại nhiều câu hỏi chưa được trả lời.
Lm. Kalchik đã bị “tạm thời” đình chỉ công tác mục vụ của mình tại giáo xứ Phục sinh ở vùng Tây Bắc Chicago, sau một sự kiện ngày 14 tháng 9, khi trước đó một biểu ngữ màu cầu vồng (rainbow banner) treo trong nhà thờ đã bị giáo dân đốt cháy, với sự tham dự của Lm. Kalchik.
Lm. Kalchik công bố ngày 2/9/2018 rằng ngài dự định sẽ đốt cờ công khai vào ngày 29/9. Ngài thừa nhận gần đây rằng Tổng Giáo phận Chicago đã ra lệnh cho ngài không được tiếp tục kế hoạch đó.
Nhiều vấn đề khác về vụ việc ấy vẫn còn đang tranh chấp.
Tổng Giáo Phận Chicago đã nói với CNA gần đây rằng Lm. Kalchik đã đồng ý không đốt các biểu ngữ. Lm. Kalchik, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, tuyên bố rằng ngài đã được yêu cầu không tiến hành sự kiện mà ngài đã dự định thực hiện vào ngày 29/9|.
Một phát ngôn viên của Tổng Giáo phận Chicago cũng nói với CNA rằng sự rời khỏi giáo xứ của Lm. Kalchik – mà Tổng Giáo phận nói là tạm thời – không liên quan đến việc đốt biểu ngữ, vì điều này đã “trong thời gian tiến hành” vài tuần trước.
Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago dường như lo ngại về “một số vấn đề” tại giáo xứ. Tổng Giáo phận nói thêm rằng sự ra đi của Lm. Kalchik được sắp xếp theo “thỏa thuận với nhau” và ngài hiện đang nhận được “hỗ trợ mục vụ” cho các nhu cầu không xác định rõ.
Trong khi đó, Lm. Kalchik nói rằng sự ra đi của ngài không là gì ngoài là một quyết định chung.
Vị linh mục nói rằng hai quan chức giáo phận và vài linh mục đã đến nhà xứ của ngài và ra lệnh cho ngài rời khỏi nhà xứ và đe dọa sẽ gọi cảnh sát nếu ngài từ chối tuân thủ. Theo Lm. Kalchik, các linh mục nói rằng ngài sẽ được gửi đến Viện Thánh Luca, một trung tâm điều trị và thẩm định tâm thần của Maryland cho các linh mục.
Tổng giáo phận Chicago đã từ chối xác nhận, hoặc từ chối những yêu cầu của CNA về lời tuyên bố trên của Lm. Kalchik.

Quyền của một linh mục Chánh xứ là gì?
Giữa những câu chuyện xung đột xung quanh Lm. Kalchik, một câu hỏi đã được đặt ra là theo giáo luật thì vị linh mục có những quyền gì?
Một sai lầm khá phổ biến khi nghĩ rằng một linh mục như người quản lý một chi nhánh, hoặc một nông dân thuê đất của giám mục, vì  tác vụ của một linh mục phụ thuộc vào vị giám mục của mình, và mọi linh mục đều thề hứa tôn trọng, cũng như vâng lời giám mục khi đón nhận thiên chức linh mục. Vai trò của linh mục theo giáo luật thì khác nhiều hơn thế.
Giáo luật (Canon law) trong phần về Linh mục  – linh mục Chánh  xứ – đã nói về vai trò này  rất rõ ràng.
Giáo luật  điều 515 §1 của Bộ Giáo luật quy định rằng mỗi giáo xứ phải được giao phó cho linh muc Chánh xứ chăm sóc, người phục vụ như là mục tử của cộng đoàn dưới thẩm quyền của giám mục.
Cũng theo Giáo luật, giáo xứ  được hiểu là một nhóm người có đức tin cùng sống trong một khu vực cụ thể, chứ giáo xứ không phải là một mảnh đất, nhà thờ hay bất kỳ các bất động sản nào khác của các tòa nhà.
Mối quan hệ giữa linh mục và giáo xứ, theo nghĩa nào đó, là một mối quan hệ giữa con người, được định nghĩa và quy định bởi luật lệ.
Theo Giáo luật, mỗi giáo xứ đều có “tính  pháp lý” (juridic personality) riêng của mình, có nghĩa là một thực thể pháp lý độc lập, với tài sản riêng, và các quyền và nghĩa vụ riêng của mình.
Bộ Giáo luật nói rõ rằng linh mục Chánh xứ đại diện cho giáo xứ “trong tất cả các vấn đề pháp lý”, và đó là trách nhiệm của mình để lãnh đạo cộng đoàn và quyết định những gì là lợi ích tốt nhất  cho giáo xứ.
Tuy nhiên, giám mục có quyền thiết lập các luật cho tất cả các giáo xứ trong giáo phận của mình – được gọi là luật đặc biệt, miễn là các khoản luật ấy không mâu thuẫn với Giáo luật hoàn vũ,  hoặc luật thiêng liêng. Theo đó,  công việc của linh mục là điều hành giáo xứ, có trách nhiệm thẩm định, cầu nguyện và tư vấn để quản lý cộng đồng đã được giao phó một cách tốt nhất, trong khuôn khổ của Giáo luật, luật thiêng liêng và luật dân sự.
Trong thực tế, đã có những trường hợp vị linh mục Chánh xứ và giám mục bất đồng với nhau  về nhu cầu mục vụ của giáo xứ. Giáo luật qui định các điều khoản  để giải quyết các xung đột như vậy, bao gồm các quy trình kháng cáo từ các quyết định và chỉ thị của giám mục, cũng như  các Tòa án Giáo hội để xét xử các vấn đề này.
Một giám mục và linh mục Chánh xứ có thể không đồng ý với nhau, chẳng hạn, về tài sản của giáo xứ. Một giám mục có thể ra lệnh cho  một linh mục Chánh xứ bán một phần tài sản của giáo xứ, hoặc chuyển nhượng phần tài sản ấy để đáp ứng nhu cầu của giáo phận, nhưng vị Chánh xứ có thể nghĩ rằng đó là một việc không tốt. Một tranh chấp như vậy có thể trở thành vấn đề của “Đấng bản quyền”, nếu linh mục kháng nghị quyết định mà ngài không ủng hộ. Khi các tranh chấp về những vấn đề như vậy được kháng cáo lên Rôma, thì Hội đồng Linh mục thường buộc phải nhắc nhở giám mục nên tôn trọng quyền của linh mục Chánh xứ.
Tương tự như vậy, trong phạm vi luật chung,   đặc biệt là Giáo luật và giáo huấn của Giáo hội, một linh mục cũng có quyền tự quyết để giảng dạy và thuyết giảng theo cách mà ngài tin là phù hợp nhất với nhu cầu của giáo dân.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các giám mục không có thẩm quyền đối với các linh mục Chánh xứ. Ngoài việc thiết lập các luật đặc biệt cho giáo phận của mình, một giám mục có quyền bắt buộc bất kỳ linh mục hoặc thành viên nào của giáo xứ làm, hoặc không làm, một điều cụ thể mà ngài có thể xác định là có phương hại cho cộng đồng rộng lớn hơn. Giám mục có thể làm điều này thông qua một giáo huấn đối với một người, hoặc tình huống cụ thể nào đó.
Vì giáo huấn là một hành động pháp lý chính thức, một linh mục Chánh xứ có quyền kháng cáo, miễn là theo đúng các thủ tục được qui định trong Giáo luật. Nhưng vị Chánh xứ không có quyền phớt lờ đơn giản một giáo huấn được ban hành hợp pháp.
Giám mục cũng có thẩm quyền bổ nhiệm các linh mục Chánh xứ. Ngoại trừ các trường hợp rất đặc biệt, Giáo luật cho phép giám mục giáo phận có quyền tự do để chỉ định bất kỳ linh mục nào mà ngài cho là phù hợp nhất cho công việc. Điều này thì dễ hiểu, vì vị Chánh xứ thực hiện vai trò của mình “dưới thẩm quyền của giám mục giáo phận trong mục vụ của của Chúa Kitô mà ngài đã được mời gọi để chia sẻ.”
Tuy nhiên, một giám mục không được tự do để cách chức hoặc thuyên chuyển một linh mục  Chánh xứ ra khỏi giáo xứ, hay công việc hiện tại của họ mà không tuân thủ theo một quy trình chi tiết và không thương lượng đã được định rõ bởi Giáo luật. Thủ tục này chỉ có thể được khởi xướng nếu một linh mục đã vi phạm một, hoặc nhiều điều luật để bị thuyên chuyển đã ghi rõ trong Giáo luật, bao gồm các hành động “gây bất lợi hoặc gây phiền toái cho sự hiệp thông Giáo hội”, cùng với  bệnh tật vĩnh viễn về tinh thần hay thể lý, mất thanh danh với đàn chiên, và bỏ bê nhiệm vụ của mình trong giáo xứ.
Ngay cả khi một linh mục đã rơi vào một trong những tình trạng trên, trước khi bị buộc rời khỏi nhiệm sở trong vai trò Chánh xứ, vị giám mục sở tại phải chính thức tham khảo ý kiến ​​với một số linh mục được bổ nhiệm bởi Hội đồng Linh mục giáo phận. Ngoài ra, vị giám mục phải cho phép vị Chánh xứ có cơ hội nhìn thấy chứng cứ chống lại mình và có dịp để biện hộ cho mình, cũng như phải thảo luận những vấn đề biện hộ với các linh mục được bổ nhiệm để tham vấn ý kiến cho ngài.
Trong khi toàn bộ tiến trình này đang diễn ra, vị giám mục không thể dời vị linh mục, cũng không được chỉ định một người thay thế.
Nếu giám mục không đưa ra quyết định thay đổi, linh mục có quyền kháng cáo đến Rôma, nơi Hội đồng Giáo sĩ, hoặc cuối cùng là Vị Tông tòa, có thể xem xét quyết định và  đưa ra một tiến trình để đạt đến một phán quyến chung.
Một giám mục cũng có quyền tối hậu, trong một số trường hợp hạn chế, tuyên bố rằng một linh mục có ngăn trở trong việc thực hiện tác vụ linh mục, nhưng điều đó cũng phải được thực hiện thông qua một quá trình được phân định. Một giám mục cũng có thể cắt một số mục vụ nhất định cho tácc vụ của một linh mục, nhưng chỉ khi ngài có lý do chính đáng, và chỉ khi ngài tuân theo các thủ tục Giáo luật đòi hỏi.
Tóm lại, không một linh mục nào có thể làm mục vụ khi không có bài sai, nhưng khi một linh mục đã được bổ nhiệm làm linh mục Chánh  xứ, ngài không thể bị buộc rời khỏi giáo xứ, hoặc thu hồi mục vụ của mình, mà không có nguyên nhân nghiêm trọng, cũng như sự điều tra theo đúng các tiến trình mà Giáo luật đòi buộc. Tương tự như vậy, việc cấm một linh mục cư trú tại một địa điểm nhất định chỉ có thể được thực hiện trong những trường hợp giới hạn mà Giáo luật quy định.
Điều này cũng có nghĩa là, ngoại trừ trong những trường hợp rất hạn chế và bất thường, một giám mục trong thẩm quyền của mình không thể tìm cách loại bỏ vị linh mục Chánh xứ hợp pháp  ra khỏi giáo xứ của họ, hoặc đe dọa gọi cảnh sát.  Khi một giám mục quyết định làm một điều như vậy mà không theo đúng các đòi buộc của Giáo luật thì các linh mục có quyền kháng cáo đến Rôma, và Vatican có thể sẽ ra lệnh phục chức cho vị Chánh xứ đó.
Không một giám mục nào có thể buộc bất kỳ linh mục nào phải trải qua một cuộc thẩm định tâm lý, hoặc tham gia vào việc điều trị tâm lý. Một giám mục có thể yêu cầu việc “thẩm định sức khỏe tâm thần” trong tương lai,  nhưng ngài không thể ép buộc một linh mục phải đi khám bệnh, hoặc trị bệnh theo ý muốn của mình, hoặc tiết lộ chi tiết về sức khỏe tâm thần của vị linh mục, nếu ngài không muốn làm như vậy.
Giáo luật điều 519 nói rằng “Linh mục Chánh xứ là chủ chăn của các giáo xứ được trao phó cho ngài, và ngài thi hành trách nhiệm mục vụ của cộng đoàn được uỷ thác cho ngài dưới quyền Giám mục giáo phận, mà ngài đã được kêu gọi để chia sẻthừa tác vụ của Đức Kitô , ngõ hầu thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, thánh hoá và lãnh đạo đối với cộng đoàn ấy, dưới cộng tác của các linh mục, hoặc các phó tế khác, và dưới sự giúp đỡ của các giáo dân, chiếu theo quy tắc của luật.”
Thẩm quyền của giám mục giáo phận không phải là tuyệt đối. Cũng vậy, quyền tự quyết của linh mục Chánh xứ cũng không phải là tuyệt đối. Nhưng cả hai đều tồn tại, theo định nghĩa của Giáo luật, cho sự phục vụ Giáo hội, và sự cứu rỗi của các linh hồn. Hiểu biết về thẩm quyền của các giám mục, và các quyền của linh mục Chánh xứ, là điều quan trọng tại một thời điểm trong đời sống của Giáo hội, khi có nhiều điều hầu như không rõ ràng, và trong khi nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời.

(Tóm lược và chuyển ngữ từ bài viết của  Ed Condon và JD Flynn trên CNA)