Làm mới lại

Lời cuối cùng
Đất khô cằn
Nên Thánh

Ngày ….. tháng …. năm….
Người ta thường nói: “Tình yêu vốn không phải là con đường luôn bằng phẳng. Cần phải trải qua sương gió mới hái được quả ngọt“.  Đúng! Nhưng, nếu cứ nghĩ về hướng hạn hẹp ấy, thì chắc chẳng ai dám yêu.
 Năm cũ đã qua, năm mới đến, mọi thứ cứ xoay vần. Mùa xuân hoa nở rộ, người người chúc nhau những điều tốt lành.   Mùa hạ có tiếng reo vang trẻ thơ, rủ nhau đi nhặt hoa phượng về xếp bướm.  Mùa thu lá vàng rơi, gợi chút buồn man mác.  Mùa đông rét buốt, lại là dịp thu mình vô góc nhỏ viết nhật ký.
Tình yêu đòi hỏi mình phải luôn làm mới lại, phải luôn bắt đầu một ngày mới, một cuộc sống mới.  Làm sao giữ được tình yêu đối với cũng con người đó, nhưng theo thời gian, dung mạo và tình tình có phần đổi thay?! Các bạn thường bảo đùa với mình: “Vì thế, để có thể luôn nắm giữ được hạnh phúc trong hôn nhân, chúng ta cần thường xuyên làm đám cưới lại”. Ừ nhỉ, tại sao không? “Đám cưới lại” có nghĩa là yêu và chấp nhận người bạn đời của hiện tại. Đôi khi chỉ với giọng nói  thật đơn sơ, mộc mạc, hiền hòa của các người vợ cũng đủ làm đảo điên đấng phu quân. Đôi khi chỉ cần rót một ly nước mời vợ: “Em uống cho mát” của các ông chồng đủ làm trái tim người vợ tan chảy…
 Tôi lại nhớ đến các người vợ đang sinh hoạt trong cùng một ca đoàn. Những giọng nói nũng nịu của các chị đã làm… “chết chàng“!  Giọng cô gái Bắc dịu dàng:” Anh à, lấy cái này đi“.  Giọng cô gái Nam ngọt ngào: “Thôi để đó em dọn cho”… Thiệt tình, bản thân cũng là phái nữ, vậy mà tôi còn chịu không nỗi, huống chi là đấng lang quân của các chị em.  Thiệt dễ yêu làm sao!
Tôi lại nhớ đến “The Joy of Love”, quyển sách do Đức Thánh Cha Phanxicô viết, đã được một linh mục giới thiệu, cùng với những “vết son đậm nét đầy quyến rũ”.
Cảm ơn Đức Thánh Cha, qua tông huấn Niềm Hoan Lạc của Tình Yêu “Amoris laetitia”(AL), đã giúp tôi đi ngược lại dòng đời của hơn 2000 năm về trước. Chúa Giêsu đã chẳng phải từng ghé thăm, nghe được tiếng khóc tuyệt vọng, chạnh lòng với con người sao? Ngài đã chẳng luôn đồng hành với các gia đình trong mọi tầng lớp, mọi nẻo đường, mọi hoàn cảnh sao? Tin chắc hôm nay, Người vẫn tiếp tục làm thế. Chỉ là làm sao để chúng ta nhận ra hình ảnh của Ngườii qua những gặp gỡ, giao tiếp hàng ngày. Đúng thế, “Lời của Thiên Chúa không phải là một chuỗi các ý niệm trừu tượng mà là một nguồn ủi an và đồng hành cho mọi gia đình đang đối đầu với khó khăn và đau khổ”(AL 22).  Nói điều này, có lẽ có người sẽ cho rằng: “Tôi không thấy, và cũng chẳng cần.” Thế nhưng, những khi không vui, gặp chuyện nan giải, có được một người bạn đồng hành, ở cạnh bên, cùng khóc, cùng cười, ủi an và ra tay giúp đỡ, thì cảm giác sẽ khác hẳn phải không? Càng đọc Lời Chúa, tôi càng thấy  mình hạnh phúc quá đỗi vì luôn có Chúa bên cạnh, cảm thông nâng đỡ. Tôi biết mình không lẻ loi khi đối diện với thách đố trong cuộc sống.
Lắm lúc, tôi  mải mê quan tâm đến việc làm sao để chu toàn công viêc; gặp trắc trở thì lại hốt hoảng, sợ không làm tròn bổn phận.  Tâm trạng tôi lúc ấy, thật là: “Càng hối càng quýnh, càng quýnh, càng làm sai.” Những lúc như vậy, tôi nghĩ mình cần DỪNG LẠI, dành chút thời gian cho riêng bản thân. Bình tâm để dễ dàng nhìn thấy một khía cạnh nào đó trong đời sống mà mình đã bỏ quên hay đang kiếm tìm. Và biết đâu, giây phút ấy, tôi như người nghệ sĩ, cảm nghiệm, chiêm ngắm và thưởng thức nét đẹp của tạo dựng.  Chẳng phải Thiên Chúa đã dựng nên loài người đó sao? Nếu một  nghệ nhân có thể tạc nên những bức tượng tuyệt đẹp, thì chẳng lẽ tác phẩm mà Thiên Chúa tạo nên lại thua họ sao?
Tôi lại chợt nghĩ c
ả đến việc chu toàn sứ mạng của bậc làm cha mẹ. Thật chẳng dễ tí nào! Nhìn các con lớn lên, mỗi lứa tuổi đều sẽ có những cái đáng yêu và nhức đầu riêng. Tôi biết có khá nhiều người mẹ nước mắt chảy dài, hàng đêm quỳ phủ phục goi tên Chúa, xin Người hãy cứu lấy con mình. Thế giới hôm nay, con người lên tận cung trăng, có thể nói chuyện và nhìn thấy mặt nhau dù ở cách xa cả nửa quả địa cầu. Thế nhưng, chua xót làm sao khi càng tân tiến bao nhiêu, con người càng cảm thấy cô đơn bấy nhiêu, vì mất đi sự đối thoại. Đã có biết bao đứa trẻ đòi sống đòi chết vì bị khủng hoảng tinh thần, bị trầm cảm, bị áp lực từ bạn xấu bên ngoài.
Tôi lại nhớ đến gia đình một người bạn.. Người mẹ  bị tai biến đang nằm nhà thương, trong khi đứa con trai vẫn tiếp tục sống buông thả,  đã và đang làm bố mẹ hàng đêm nước mắt lăn dài, đau khổ tột cùng vì cách sống của mình. Làm sao để cậu con trai biết ăn năn trở về? Tôi nghĩ, dù muốn hay không, các bậc làm cha mẹ  cần hiểu và bắt chước Chúa Giêsu, luôn ý thức con đường đi tới vinh quang là con đường đi qua thập giá. Nếu có thể cảm nhận được điều này, thì “thập giá” trong đời sống, sẽ trở thành thánh giá.
Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn lên Người trên Thánh Giá. Xin cho con ơn can đảm, khiêm nhường nhận biết giới hạn của mình.  Xin cho con sự dịu dàng nhẫn nại trong đời sống gia đình, để rồi với Tình Yêu, Lòng Xót Thương và Ân Sủng của Người, con cũng sẽ dám YÊU như Chúa đã và đang YÊU con mỗi ngày trong đời sống.

Thúy Hương

Newer Post
Older Post