Mẹ tôi

Lời nguyện cầu
Dọn đường
Ngã lên

Nửa đêm, thế mà lại có người đến gõ cửa:
Cô Quỳnh ơi, tối hôm qua, chú Phong có về nhà không?
Giọng nói  trong bóng đêm vang lên thật lớn khiến chúng tôi thức giấc.
Mẹ tôi trả lời:
– Không! Cuối tuần anh Phong về thăm ông bà và ngủ qua đêm, vẫn chưa về.
Cô Trâm, bạn ba tôi, vất vội chiếc xe đạp trước cửa và chạy ngay đến ôm chầm lấy mẹ tôi và nghẹn ngào nói:
– Cô ơi, chú bị xe đụng chết rồi. Cháu đến để báo tin.
Ngày đưa ba tôi ra nghĩa trang, trời âm u, mưa lâm râm, thật buồn ! Hình ảnh mẹ tôi, người đàn bà mảnh khảnh, dáng nhỏ nhắn, im lặng nén đau, nuốt ngược những giọt nước mắt bước theo xe tang, tôi không bao giờ quên được. Ngày ấy, anh tôi không có ở nhà. Thương con,kém may mắn không đưa cha đoạn cuối, mẹ bấm bụng, nhờ các  nữ tu dòng Clara đến coi chừng mấy chị em tôi vào ban đêm, để lên đường thăm anh. Bóng mẹ, với mảnh khăn tang quàng qua đôi bờ vai gầy, tôi thấy như cả gánh nặng đè lên, làm chân người bước loạng choạng. Tôi thương mẹ vô cùng.
Thời đó, mẹ tôi đẹp lắm, nước da trắng hồng, khuôn mặt trái xoan thật thanh tú. Hơn nữa giọng nói của bà thật nhẹ nhàng khả ái làm sao. Mẹ tôi khiến tất cả những ai đến gần cũng tìm được một nguồn ủi an, có cảm giác được chở che thương mến. Sau ngày chồng mất, mẹ tôi có thể đi thêm bước nữa, nhưng bà đã từ chối tất cả, để chỉ dành tất cả tình thương cho các con. Thấm thoát đã hơn 30 năm, chúng tôi nay đã trưởng thành. Bản thân tôi cũng đã trải nghiệm được những khắc khoải, trăn trở và nỗi khó khăn của người làm mẹ. Những kỷ niệm thời thơ ấu luôn như một nhắc nhở và in sâu trong tâm trí tôi. Tuy không có ba bên cạnh, nhưng tôi vẫn thấy mình vô cùng may mắn và hạnh phúc vì luôn được mẹ thương yêu dạy dỗ. Người dạy tôi sự nhẫn nại, bao dung, hiền lành, nhưng lại rất cương quyết trong mọi quyết định.
Anh trai tôi lúc học xong trung học rất lầm lì, ít nói. Bạn của anh lúc đó, chẳng biết làm nghề gì mà mình đầy vết xăm, lâu lâu lại ra vô đồn cảnh sát. Có khi tôi lại thấy cả đám tụ tập hút thuốc, rồi có dăm ba đứa con gái bên cạnh. Ngày ấy, anh và mẹ rất hay bất đồng với nhau. Có nhiều đêm, tôi bắt gặp bà quỳ gối dưới bàn thờ,nước mắt lăn dài hai bên gò má. Tôi xót xa và nhủ lòng:
– Ước gì anh nhìn thấy và xin lỗi Mẹ…..
Thế đó, cho đến một ngày, mẹ tôi quyết định bắt anh chuyển trường, dọn đi xa lên ở nhờ nhà người cậu. Tôi chẳng hiểu tại sao? Đi xa vậy, ai lo cơm nước, ai giặt đồ cho anh? Thế là tôi giận và không thèm nói chuyện với mẹ một khoảng thời gian. Cho đến một hôm, đọc lá thư của mẹ, món quà thiêng liêng mà mỗi một khóa sinh đều được nhận trong những ngày tĩnh tâm dành cho giới trẻ. Bà chẳng trách gì hết, chỉ viết: Con yêu dấu, mẹ yêu con thật nhiều. Có những việc con không hiểu thấu. Nhưng mẹ mong con biết rằng tất cả những gì mẹ làm đều vì sự an toàn và tốt cho các con. Mẹ cầu chúc con có được những giây phút thật hạnh phúc bên các bạn và bên Chúa. Ở nhà, Mẹ vẫn sẽ đồng hành với con trong lời nguyện. Xin Chúa Thánh Thần ban ơn soi sáng, và đốt được ngọn lửa mến trong lòng con”.
Tối đó, tôi đã khóc thật nhiều, tôi thương mẹ quá đỗi!  Qua những chia sẻ, huấn đức từ cha linh hướng và các trưởng, tôi hiểu được lòng mẹ đau như cắt khi phải rời xa đứa con mà mình yêu thương. Nhưng trong đời có những lúc phải nén nỗi đau vì tương lai của con mình. Tôi chỉ muốn có mẹ ngay bên cạnh để ôm và nói với mẹ : “Xin hãy tha thứ cho con.”
Có một khoảng thời gian, tôi rất ghét các huynh trưởng. Vì vâng lời, tôi vẫn đến sinh hoạt. Tôi thầm nghĩ: “Thật đáng ghét làm sao, ở nhà vậy mà làm được nhiều việc hơn”
Đúng thế, cả đội chẳng làm gì hết. Mỗi đứa ôm điện thoại chơi game hay “chat” với ai đó, chỉ đợi đến giờ rồi về. Người trưởng chẳng hướng dẫn gì cả. Thật là chán! Chịu hết nỗi, tôi nói với mẹ: “I am quit”.
Lặng người một lúc, mẹ chỉ nhẹ nhàng:
– Chúa Giêsu mới chính là  mẫu gương thật sự mà con cần phải noi theo. Cho nên,nếu thấy người ta làm không đúng thì hãy cầu nguyện cho họ. Phần con, tại sao không nghĩ sẽ có một ngày mình có thể góp tay thay đổi và làm cho nó tốt đẹp hơn. Đừng bỏ thiếu nhi.
Dù biết mẹ buồn, tôi vẫn thấy quyết định của mình là đúng, Tôi bỏ đoàn, giữ trong lòng lời mẹ khuyên. Ngày tháng trôi qua, bận bịu với gia đình của riêng mình.
Thứ Sáu là mẹ gọi: “Ngày mai, con có lên với Mẹ không?” Nhiều lúc mệt quá, cứ chạy đến chạy lui, có cuối tuần vậy mà cũng phải chạy, chẳng làm được việc gì cả, tôi hơi dỗi, nói với mẹ: “Thôi con không đến, con ở nhà dọn dẹp và làm chút việc.”
Nhưng từ đầu dây bên kia, tôi có thể cảm nhận được lòng mẹ buồn dù rằng mẹ cũng rất nhẹ nhàng bảo:
– Ừa thôi con cứ lo việc của mình đi
Giá mà mẹ rầy, hay giận dỗi thì hay biết mấy. Đằng này, mẹ cứ âm thầm, lẳng lặng chịu đựng làm tôi chịu không nổi. Tôi hối hận đã làm mẹ đau lòng.
Hôm nay, tôi đã làm mẹ. Tôi cũng đã có những đêm dài rưng lệ, hai đầu gối chạm đất, cúi đầu nguyện cầu cho các con của mình được bằng an. Con tôi cũng đã bước vào tuổi “teen”. Tôi cũng đã xỏ chân vô “đôi giầy” mẹ đã đi qua, và học lấy kinh nghiệm của bà  mà dạy con của mình. Từ nỗi thâm sâu nhất của con tim, tôi đã hiểu được mẹ đã vất vả, hy sinh rất nhiều để có thể một mình nuôi dạy anh em chúng tôi khôn lớn nên người. Tôi không thể diễn tả được lòng biết ơn của mình, chỉ biết ôm hôn mẹ thật lâu, thật sâu mỗi khi có cơ hội gặp bà. Ngày lễ Mother’s day, mọi người tất bật đi kiếm quà cho mẹ, nào là dây chuyền, hoa, áo quần. Nhà hàng nào cũng chật cứng! Tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng tôi hiểu lòng mẹ. Ước ao các anh chị em tôi có thể ngồi lại cùng vui vẻ dùng bữa cơm gia đình với bà. Chỉ cần có được những khoảng khắc, dù là rất ít ỏi bên cạnh các con, nhìn thấy chúng khôn lớn, vui vẻ, vậy là đủ. Đơn giản vậy, và cũng chỉ ngần ấy thôi, đã đủ làm lòng mẹ ấm và hạnh phúc lắm.
Mẹ yêu dấu, cám ơn mẹ, người mẹ tuyệt vời của con.
Lạy Mẹ Maria, xin ở lại nhà và đi cùng với con trong mọi nẻo đường. Xin giúp, để con có thể học lấy nhân đức khiêm nhường, nhẫn nại, chịu đựng và phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa hầu làm tròn thiên chức làm mẹ của mình. Xin chúc lành cho mẹ của con, người mẹ, người cha, người bạn luôn nâng đỡ, bảo bọc và thương yêu con trong mọi hoàn cảnh.

Thúy Hương