Quyền được sống

Tất cả là hồng ân
Vấp ngã
Mầu nhiệm Nhập thể

Cuối tuần vừa qua, ngày 19 tháng 1 năm 2019, tại downtown Los Angeles, tiểu bang California nước Mỹ, hàng chục ngàn người xuống đường đi bộ để ủng hộ chương trình “Phò sự sống”. Đây là một đề tài khá rộng lớn đòi hỏi chuẩn mực đạo đức và cả tình yêu giữa người và người với nhau. Vì lẽ đó, không dễ dàng để có thể giải thích một cách trọn hảo mọi khía cạnh. Bản thân tôi cũng rất dè dặt khi góp ý trong lãnh vực này. Là một người từng bước qua thời son trẻ, một người vợ, người mẹ, không nhiều thì it, tôi hiểu được những trăn trở và đau khổ khi một người sắp làm mẹ phải đối diện với quyết định: “giữ” hay “bỏ” mầm sống đang lớn dần trong cung lòng của mình.
Tôi nghĩ đến hình ảnh người đàn bà quần áo xốc xếch, nét mặt thảm thương, sợ hãi cúi gầm mặt trước đám đông và Chúa Giêsu. Cô ta bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Tạ ơn Chúa, Người chẳng nói chẳng rằng mà chỉ im lặng. Tôi cảm được nỗi đau của Chúa khi “con” của Người bị anh em, người thân và xã hội lên án. Trong giây phút ấy, Chúa Giêsu thương người phụ nữ một cách đặc biệt. Hơn ai hết, Người thấu suốt nguyên nhân dẫn đến hành động của cô ta. Người không lên án: “Cô là kẻ tội lỗi, nhơ nhuốc“. Không đóng đinh người phụ nữ đang run cầm cập đang quỳ trước mặt hai đầu gối rướm máu với lời phán:”Cô đã phạm tội thật đáng xấu hổ.”
Người thương đứa con gái yếu đuối. Người muốn con mình có cơ hội sống lại cả về thể xác lẫn tinh thần với niềm hy vọng của một người được yêu và được tha thứ; để từ đó, dám đối diện với chính mình, thay đổi đời sống hầu có thể tìm được hạnh phúc và sự an bình đích thực.
Chắc chắn Chúa nhìn thấu, và vô cùng đau xót với những chông chênh, vật vã, hoang mang của bao người nữ khi đứng trước và sau quyết định tước bỏ quyền làm người của chính con mình. Người hiểu được những hệ lụy mà con mình sẽ đương đầu sau đó còn lớn và hoang hãi hơn gấp vạn vạn lần. Vì thế mà ngay từ thuở ban đầu, Người đã bảo: Không được giết người” (10 điều răn – Ten Commandments)
Hòa lẫn vào dòng người với mục đích kêu gọi “bảo vệ sự sống”, tôi chỉ muốn được âm thầm cầu nguyện cho các thanh thiếu niên, những người mẹ đang phải đối diện với quyết định của mình với hết tình thương và sự cảm thông. Không kết án hành động của họ, bởi lẽ tôi không hiểu hết những khổ sở mà họ đã đang và sẽ phải đối diện khi quyết định bỏ đi đứa con của chính mình. Tôi không có quyền đó. Bên cạnh đó, tôi vẫn mong khi đứng trước quyết định của mình, mọi người hãy nhìn lại những hệ quả phải đương đầu. Không chỉ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe, thể lý mà cả tâm lý cũng sẽ gặp khủng hoảng. Bởi vì, không có người mẹ nào mà không thương con của mình. Chúng nó là nắm ruột, là cuộc sống, là hạnh phúc của người mẹ.
Trên xe bus một học sinh hỏi: What if someone in between?”
 Chắc chắn câu hỏi này sẽ xảy ra. Vì nếu như không đi đến đường cùng, sẽ không người mẹ nào quyết định bỏ con mình.
Trong trường hợp bị hãm hiếp, nên quyết định giữ hãy bỏ?”
Câu hỏi của em làm tôi nhớ đến người con gái ở trại tị nạn. Chuyến tàu của cô gặp hải tặc trên đường vượt biên. Lên đến đảo, cô biết mình có thai. Bị giằng co rất nhiều, nhưng cuối cùng cô quyết định giữ lấy đứa trẻ “vì nó vô tội và nó cũng là một sinh mạng như chúng ta”. Thật lòng tôi vô cùng ngưỡng mộ người mẹ trẻ này. Tôi tin chắc đứa trẻ lớn lên sẽ trở thành một thanh niên hữu dụng trong xã hội và cả Giáo hội. Bởi vì mẹ của em là một người không những biết kính sợ Thiên Chúa mà còn là một người có tấm lòng hiền lành và nhân hậu.
Tôi càng nghĩ đến thắc mắc của một số em trong lớp giáo lý cách đây vài năm:
– What if my good decision is not a good decision? How do I know?
Dành vài phút thinh lặng cầu nguyện và nhớ lại những gì được học từ các cha linh hướng và giáo lý của Giáo hội, tôi chỉ nhẹ nhàng hỏi lại em:
Con có muốn được sống không?
– Dạ muốn chứ.
Đặt trường hợp con là đứa trẻ trong bụng mẹ và biết được mẹ của mình không muốn mình. Bà ta đang trong hoàn cảnh khó khăn, sợ nuôi không nổi, đang phân vân có nên bỏ đi con. Thì con nghĩ sao?”
Đứa trẻ chỉ im lặng. Nhưng tôi tin trong lòng em còn rất nhiều điều muốn biết.
Cuối ngày, trong lúc chờ xe bus đưa về lại giáo xứ tôi hỏi một vị nữ tu.  Chị bảo:
Mỗi người đều có quyền sống vì đó là ý muốn của Thiên Chúa. Lương tâm phải không ngừng tìm sự soi sáng. Sự thiện không phải lúc nào cũng hiển nhiên. Cuộc sống không ngừng đặt ra những vấn đề. Chúng ta cần phải cảm thông. Nhưng mong rằng trong trường hợp không thể nuôi nổi, vẫn nên để đứa bé được chào đời. Chúng ta có thể nhờ các hội từ thiện giúp. Xã hội vẫn có rất nhiều người sẳn lòng nhận nuôi đứa trẻ
Thật vui khi nghe vị nữ tu nói vậy. Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo hội người nữ tu thánh thiện, biết cảm thông với nỗi đau của người khác.
Lại một vấn nạn khiến người mẹ trẻ đã bao lần vật vã toát mồ hôi giật mình tỉnh giấc giữa đêm khuya với cơn ác mộng.
Con mình giờ ra sao? Ở nhà người khác ăn có đủ, mặc có ấm, có được đến trường, được yêu thương không?
Thực tế cho thấy hầu hết các thanh thiếu niên truy lạc và đi lầm đường đều là những đứa trẻ vô tội này. Nếu như chúng có thể được sanh ra trong yêu thương, được cha mẹ dạy dỗ chăm sóc, thì đời sống của chúng sẽ khác hơn.
Thử hỏi, đứa trẻ sẽ trả lời thế nào khi ai đó hỏi: “Cha mẹ của bạn là ai?”. Hay, một đứa trẻ lớn lên trong gia đình mà cha nó suốt ngày rượu chè, cờ bạc,  cảm nhận của nó sẽ thế nào? Thánh Augustine là một chứng nhân rõ nhất trong Giáo hội mà ai cũng biết.  Tạ ơn Chúa, thánh Augustine còn có một người mẹ đạo đức, biết trông cậy và không bao giờ ngừng hy vọng. Nhưng đổi lại, đời của bà là nước mắt khổ đau.  Nếu như mỗi người chúng ta biết nghĩ cho nhau, thương nhau thì sẽ quan tâm nhiểu hơn đến những hành vi của mình. Đồng thời biết mình yếu đuối dễ vấp phạm, biết chạy đến với Thiên Chúa, xin ơn trợ giúp thì xã hội này sẽ tuyệt vời vô cùng.
Kế đến tôi nhớ một lần khi dự khoá tĩnh tâm cuối tuần với giới trẻ và các bậc phụ huynh. Một người đã đặt câu hỏi:
Bọn trẻ ngày nay theo trào lưu, chúng xem việc quan hệ nam nữ gần gũi trước hôn nhân là việc bình thường. Vậy để tránh những vấn nạn xảy ra cho đứa trẻ phải sanh con khi vẫn còn đi học, có nên bằng lòng cho chúng uống thuốc ngừa thai không?
Dĩ nhiên cha linh hướng chia sẻ nhiều lắm, nhưng một điểm khiến tôi suy nghĩ rất nhiều đó là:
Lời mời gọi các em và cha mẹ hướng đến trách nhiệm mà mình phải đối diện với những việc mình làm.
Ngài bảo: “Nếu như đưa thuốc ngừa thai cho con, khác nào bảo con không cần phải lo và chịu trách nhiệm với hành động của mình. Đứa trẻ sẽ an tâm và cứ thoải mái lăn mình trong các cuộc ăn chơi trác táng. Như vậy xã hội rồi sẽ ra sao?”
Nếu giới trẻ có thể biết và ý thức được nhân phẩm cao quý của mình thì tình yêu phải được trân trọng, không thể vì một phút tìm vui, càng không thể để bản thân trở thành món đồ chơi những thoả mãn dục vọng. Ước gì mọi người đều hiểu:
Con cái là hồng ân của Thiên Chúa vì chính Người đã dựng nên
“Con chưa thành hình mắt Ngài đã nhìn thấy con” (Tv 139,16):
“Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con …
Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì,
khi con được thành hình trong nơi bí ẩn”. (Thánh vịnh 139:13 – 15)
Những năm gần đây, các con tôi đến tuổi trưởng thành và cũng có dịp sinh hoạt với giới trẻ, tôi quan tâm nhiều hơn đến đời sống luân lý hầu có thể giải thích cho bọn trẻ một cách hiệu quả trong ân sủng Chúa. Cảm tạ Chúa qua Hiến chế Tin mừng và Hy vọng cũng như giáo lý Công giáo (1757-1761) đã đưa ra ba quy tắc giúp mọi người có thể dựa vào đó để quyết định và nhận rõ đâu là lương tâm chân chính. Nếu phối hiệp ba nguyên tắc ấy mà thi hành thì “những quyết định mà mình cho là đúng có thể là sai lầm” không còn là vấn đề để lo lắng nữa.
Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người. Nơi đây con người chỉ hiện diện một mình và tiếng nói của Thiên Chúa vang dội sâu thẳm trong lòng họ.
– Không được nhân danh điều tốt để làm điều xấu.
– Không được nhân danh mục đích để biện minh cho phương tiện. Muốn người ta làm gì cho mình thì hãy làm cho người khác
– Luôn tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ. Đừng làm cớ cho anh em vấp ngã.
Trong xã hội hiện nay, đôi khi vì nhu cầu và sự phát triển đời sống đã kéo theo những hệ lụy làm cho lương tâm con người bị sai lệch, mất phương hướng, đặc biệt là giới trẻ. Ước gì các bậc cha mẹ, các vị lãnh đạo trong Giáo hội và cả các giáo lý viên lưu tâm hơn trong việc giáo dục lương tâm và hành vi luân lý, như thường xuyên lãnh nhận Bí tích Hòa giải và Thánh thể, cầu nguyện, đọc những sách thiêng liêng.. là những cách vững chắc để mỗi người có thể rèn luyện bản thân có một luân lý Kitô giáo đúng, để từ đó tiến tới tự do nội tâm lớn hơn. Được như vậy thì xã hội này mỗi ngày sẽ trở nên hoàn thiện và con người sẽ tìm được niềm vui đích thực.
Chúa ơi, con dâng lên Ngài giới trẻ hiện nay. Xin hướng dẫn, gìn giữ và giúp các em.

Hèn Mọn
Tháng 1/2019