Tham lam hay yếu đuối

Hãy đến
Truyền tin
Quyền được sống

Quay trở về sau chuyến hành hương đã hơn hai tuần rồi. Những đêm giật mình thức giấc đã ít dần. Sáng nay, tôi thật sự biết chắc là mình đã trở lại cuộc sống với những sinh hoạt thường lệ. Tôi biết thế vì hôm nay tôi lại nghe tiếng rỉ rả:
– Ngủ tiếp đi. Không cần thiết thức giấc đi lễ sớm đâu.
Một chút xíu nữa là tôi đã “thua cuộc”.
Đêm qua, trước lúc ngủ, tôi đã cầu xin Chúa thêm sức để có thể tỉnh giấc và tiếp tục tham dự thánh lễ Misa vào sáng sớm.
Ngày qua ngày, tôi càng thấm thía tâm tình khốn quẫn khi chiến đấu với những giằng co trong đời sống nội tâm của chính mình.
Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm. Tôi thật là người khốn khổ! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rom 7:19, 24)
Đúng thật là vậy. Con người vốn mỏng dòn, yếu đuối không đủ sức chống trả với những cơn cám dỗ. Vì thế cần biết bao sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Nhưng làm sao để biết Chúa đây? Lại cần đến niềm tin. Thế nhưng mỗi người trong chúng ta đến với niềm tin một cách khác nhau. Bài phúc âm hôm nay (Ga 20, 24-29), phải chăng là bản án đóng đinh Thomas, vị tông đồ lì lợm, cứng lòng tin ngày nào.
Với Thomas là phải thấy, phải chạm đến! Nếu không, ông không tin. Thiên Chúa hiểu và chấp nhận cái lý luận này, vì ít ra ông cũng muốn đi tìm sự thật. Như xử với Thomas, hôm nay Người vẫn ở bên cạnh bằng nhiều cách theo từng thời điểm đáp ứng nhu cầu và khao khát của từng người trong chúng ta khi luận về khía cạnh của niềm tin.
Nhìn lại mình, tôi tự hỏi bản thân: “Để có thể tin, tôi cần gì?”
Khiêm nhường mà nói: “Vẫn y hệt như cách sử xử của Thomas”.
Đã có một thời gian tôi bị giao động vì không tài nào hình dung được hình ảnh sống động của Chúa. Dù là ngồi thật lâu trong nhà nguyện. Tôi hỏi cha linh hướng, ngài chỉ vắn vỏi khẽ nhẹ: “Đừng cố đi tìm những việc ấy”.
Sau đó khá nhiều lần, tôi reo vui vì cảm được đôi tay Đấng từ nhân, hình như đã với tới đáy của nội tâm trong con người  mình. Đột nhiên, mọi sự lại thay đổi. Bỗng dưng từ đâu tới những dày vò ray rứt với cảm giác trống rỗng trong những ngày ở Đất Thánh khiến tôi vất vả, có lúc toát mồ hôi khổ sở. Tôi không hiểu chuyện gì đã và đang xảy ra với chính mình?
Tôi làm sai điều gì? Thiếu sót điều gì chăng?
Tôi bâng khuâng nghĩ nhiều hơn về ý nghĩa của “bóng tối nội tâm” được ghi lại trong bút ký của Mẹ Têrêsa Calcuta. Trước đó với đầu óc và khả năng hạn hẹp Chúa ban cho, tôi tự ủi an rằng: “Phải chăng vì khi còn sống, Mẹ Têrêsa làm nhiều việc tốt lành. Người ta vô cùng ái mộ và xem Mẹ như một vị thánh sống. Điều này khiến Mẹ thấy bất an. Giá như người ta đừng khen, giữ cho mọi sự được trong thinh lặng, không bị quỷ dữ kiếm cách để khơi dậy lòng kiêu ngạo về sự đạo đức của mình thì hay biết mấy.”
Tôi cơ hồ nói điều ấy với chính bản thân mình và luôn cám ơn những người bạn tốt lành luôn giúp tôi kềm chế lỗi phạm này. Lời Chúa nói với Thomas hôm nay qua đoạn Tin mừng: Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20:29), lần nữa lại làm lòng tôi gợn sóng.
Tôi nghĩ đến phút giây lần mò trong đường hầm bóng tối dầy đặc. Phút giây chơi vơi lạc lõng, sợ bị bỏ rơi. Nỗi khát khao cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa qua anh chị em đi cùng. Tâm tình thật lạ lẫm khi mở mắt thật to nhìn sâu vào màn đêm tối đen như mực. Lòng mong muốn được bước xuyên qua bức màn đó với tiếng khẩn cầu ráo rứt từ tận đáy lòng của mình.
Trong quá trình thao luyện thiêng liêng, tin rằng ai cũng nhận ra: Càng tiến gần đến Thiên Chúa, với sự khôn ngoan của loài người chắc chắn sẽ hiểu: Sao có thể trông thấy diện mạo của Chúa cho được. Chỉ nội nhìn vào ánh mặt trời thôi mà mình đã phải che mắt vì ánh sáng chói loà huống hố là Thiên Chúa.”
Nhưng với sự ngu muội của phàm nhân làm sao có thể tin mà không thấy cho được chứ? Vì lẽ đó mà lúc ẩn lúc hiện, có đó lại như bắt bóng, chúng ta ở trong cái vòng xoáy của mong mỏi đợi chờ một sự hoàn thiện hơn mà tự bản thân không tự đạt đến được. Trong thời điểm này, đây là một phần trong khả năng tôi có thể lý giải và khẳng định rằng: Niềm tin là một ân sủng. Tự bản thân không có được.”
Tuy nhiên đòi hỏi con người sự mong muốn lãnh nhận. Như người mẹ tặng con món quà, để có thể biết được mẹ cho gì, và gói ghém tâm tình thế nào, người con phải mở quà. Quà tặng lại là một quyển sách đầy những chữ. Nó cần phải lật từng trang cho đến khi bắt gặp phong thơ với chứa đựng thứ mà nó mong có được. Đồng thời, lướt qua từng góc cạnh của món quà, biết đâu nó sẽ nhận ra giá trị. Nhưng hoàn toàn sẽ vô ích nếu người con không muốn sử dụng.
Viết đến đây tôi lại nghĩ đến lòng mong muốn được kết thân và duy trì tình bạn của Thiên Chúa với con người. Nghĩ đến những đổi thay trong giao tiếp hàng ngày để trân quý tình cảm mọi người dành cho nhau.
Có người bạn theo chủ nghĩa “hoàn hảo”. Làm mọi cách, đau đầu, khóc lên khóc xuống để mong bạn mình giống như mình. Dĩ nhiên đều đó đúng vì những chuẩn mực bạn đưa ra là tốt là hướng về chân thiện mỹ. Khổ nỗi con bé kia thì lết không nổi. Chiếc ly có nhiều cỡ và nhiều hình dạng khác nhau. Nước đổ vào thì cũng chỉ có thể chứa được đến miệng ly, không hơn được, nếu không, tràn ra ngoài lại làm phiền người khác dọn dẹp tàn cuộc.
Có người đòi hỏi sự hiểu biết về nhau. Vì nếu không hiểu, không cảm thông sao có thể làm bạn với nhau. Chỉ là đôi khi cần có giới hạn. Biết nhiều quá đôi khi lại vô tình hại mình hại người. Khiến cho đối phương khổ sở vì sự lãm nhãm nhạt phèo lý ra không nên có của lẫn nhau.
Có người lại lanh chanh ba phải muốn chìu lòng tất cả. Có khi “lắm mối tối nằm không”. Cuối cùng cái gì cũng chẳng có. Nhưng cũng có điểm hay là vì: sự trung dung không quá thiên vị bên nào thật ra răt quan trọng trong mọi quyết định.
Kết cuộc hành xử thế nào thì tuỳ thuộc vào sự khát khao giữ được nhau và đâu là chuẩn mực giới hạn của mỗi người. Trước lúc về Giêrusalem chịu nạn, Chúa đã báo trước “Người sẽ sống lại”. Chúa biết lòng các ông có Chúa. Chúa biết cái giới hạn yếu đuối của các ông. Chúa không muốn cứng ngắt bám lấy lý lẽ riêng của mình. Người giảm những chuẩn mực xuống để các ông có thể với tới được. Sau đó Người mới từ từ hướng dẫn các ông bước những bậc thang cao và gặp ghềnh hơn. Tạ ơn Chúa vì Người biết con, thương con, và không bỏ con.
Tôi cũng mong trong tình bạn chúng ta cũng có thể học như Chúa. Dĩ nhiên phải luôn bám lấy không để mất đi giới hạn trong chuẩn mực đạo đức. Nếu không, tình bạn sẽ mất và cả bản thân là ai cũng tan chảy.
Nói cho cùng, tham lam trong đời sống thiêng liêng, đồng nghĩa với cúi đầu nhận biết mình yếu đuối thấp hèn. Và Thiên Chúa, luôn nhẫn nại; lúc trầm bổng, cao thấp, gia giảm để chìu chuộng và giữ lấy chúng ta bên cạnh. Người khao khát tỏ lộ tình yêu của Người cho nhân loại biết bao.
Phúc cho những ai không thấy mà tin” vẫn luôn là một thách đố đầy thú vị cho những ai muốn được kết thân trong tình huynh đệ với Anh Cả Giêsu.

Hèn Mọn
3/7/2019